Hàng Trăm Hecta Ngô Chết Đứng

Ngô (bắp) chết đứng - hiện tượng lạ chưa từng thấy từ trước tới nay với nông dân trồng bắp ở xã Khánh An, huyện An Phú, An Giang. Hiện tượng này đang làm cho hàng trăm nông dân nơi đây hoang mang, lo lắng...
Năng suất chỉ đạt trên 30%
Theo phản ánh của người dân, ngày 18.6, chúng tôi có cuộc khảo sát dọc Quốc lộ 91C thuộc địa phận xã Khánh An và có thể nhìn thấy những đồng bắp lai hơn cả trăm hecta tại đây có hiện tượng chết, cháy lá, không trổ cờ, không có hạt...
Anh Dương Quốc Hùng - Trưởng ban ấp Thạnh Phú, xã Khánh An đưa chúng tôi đi mục sở thị những đám bắp chết đứng ở mọi lứa tuổi của các nông dân trong ấp và cho biết: Có người may mắn vừa thu họach xong nhưng chỉ đạt năng suất bằng 30- 40% so với những vụ trước. Gia đình anh Trương Văn Trẩm ở ấp Thạnh Phú, xã Khánh An, có đến 30 công bắp bị chết đứng. Anh buồn bã: “Tui vẫn trồng giống bắp 9901 như mọi khi, vụ này đang thu hoạch hết 15 công nhưng kiểu này chắc mỗi công chỉ được từ 300- 400kg, còn lại hơn 15 công nữa đang đổ râu trắng, sắp chết đứng tới nơi, vụ này coi như lỗ nặng...”.
Anh Lê Văn Vân ở ấp Thạnh Phú đưa cho chúng tôi xem ít giống bắp lai 333 còn lại, nói: “Tôi nghi là giống có vấn đề, vì tôi hồi nào giờ vẫn trồng giống này và cũng mua tại đại lý cũ (trong xã Khánh An). Nhưng không hiểu sao năm nay kỳ lạ, 7 công bắp của nhà tui đã chết đứng hết rồi”.
Chưa rõ nguyên nhân
Ông Mai Văn Bộ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện An Phú cho hay: Diện tích thiệt hại đang tăng lên từng ngày và hiện tượng này đang được phát hiện thêm ở các xã khác trong huyện An Phú. Thiệt hại trung bình cho mỗi công bắp bị chết đứng ước trên dưới 2 triệu đồng.
Qua trao đổi với các hộ bị thiệt hại, chúng tôi được biết, các giống bắp mà nông dân ở đây gieo trồng đều được họ mua từ các đại lý bán hạt giống trong xã Khánh An. Số đông nông dân sử dụng giống có ký hiệu ghi trên bao bì là DK 9901, một số ít hơn thì sử dụng giống là các giống DK 6818, DK 8868 và 333. Nông dân cho biết, các phương pháp canh tác vẫn bình thường như mọi khi...
Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Văn Bộ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện An Phú cho biết: “Chúng tôi cũng chưa rõ nguyên nhân tình trạng này, hiện đã báo về Sở NNPTNT tỉnh và mời các công ty cung cấp giống đến để phối hợp tìm hiểu nguyên nhân, họ có hứa miệng là nếu lỗi do giống thì họ sẽ tính chuyện hỗ trợ, bồi thường cho nông dân”.
Theo thống kê của UBND xã Khánh An thì số diện tích bắp bị chết đứng trong xã đã lên tới 102ha và đang mỗi ngày một tăng thêm. Ông Nguyễn Văn Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An cho biết: “Chưa thấy công ty phân phối giống bắp mà nông dân trồng bị chết cây đến để bàn cách giải quyết chuyện này nên chúng tôi cũng chưa biết nói sao với nông dân”.
Có thể bạn quan tâm

Những con đường bê tông phẳng lì, những ngôi nhà ngày một khang trang, các cánh đồng sản xuất nông nghiệp trù phú... Đó là những đổi thay có thể nhìn thấy được ngay ở xã điểm nông thôn mới Tân Thịnh, huyện Lạng Giang. Còn nhớ, cách đây 3 năm (năm 2009), khi được Ban Bí thư Trung ương chọn làm xã điểm đại diện cho vùng trung du miền núi phía Bắc để xây dựng nông thôn mới (NTM), Tân Thịnh còn ngổn ngang công việc, chưa tiêu chí nào đạt được.

Để phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội, đã có không ít nông dân mạnh dạn, năng động, dám nghĩ, dám làm, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất, thoát khỏi sự gò bó, hạn hẹp của kinh tế hộ nhỏ lẻ, hình thành mô hình sản xuất theo hướng trang trại, vận hành theo cơ chế thị trường. Kinh tế trang trại thực chất là doanh nghiệp tư nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Có thể nói, kinh tế trang trại ở tỉnh ta hiện phát triển khá mạnh, tăng nhanh về số lượng, với đa dạng các loại hình tổ chức sản xuất trên các lĩnh vực của sản xuất nông nghiệp, như trang trại trồng trọt, chăn nuôi, trang trại thuỷ sản, lâm nghiệp, trang trại theo mô hình VAC.

Từ con cá và những ruộng rau cần, người dân xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã trở nên khá giả, đời sống sung túc. Nhiều cánh đồng đạt mức thu 300 triệu đồng/ha/năm. Chủ trương hình thành vùng sản xuất rau an toàn tại đây tiếp tục mở ra cơ hội mới cho nông dân xã Hoàng Lương đẩy mạnh thâm canh, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Gần 10 năm qua, đời sống của người dân thôn Riễu, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) đang ngày một khấm khá hơn từ nghề trồng hoa lay ơn. Thôn Riễu từ lâu đã có nghề trồng hoa cung cấp cho TP Bắc Giang, các huyện lân cận và một số tỉnh ngoài. Những năm trước khi chưa có cây hoa lay ơn, người dân chỉ trồng lúa, rau màu và một số loài hoa như cúc, violet nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi có một số hộ trong thôn đem giống hoa lay ơn về trồng thì diện tích trồng hoa ngày càng được mở rộng.

Năm 2013, Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình đã xây dựng đề án mô hình thâm canh cá rô phi NOGIP IV tại các vùng chuyển đổi của xã Thụy Thanh (huyện Thái Thụy), xã Phú Xuân (thành Phố Thái Bình), xã Quỳnh Trang (huyện Quỳnh Phụ) và xã Tây Tiến (huyện Tiền Hải).