Hàng Trăm Hecta Ngô Chết Đứng

Ngô (bắp) chết đứng - hiện tượng lạ chưa từng thấy từ trước tới nay với nông dân trồng bắp ở xã Khánh An, huyện An Phú, An Giang. Hiện tượng này đang làm cho hàng trăm nông dân nơi đây hoang mang, lo lắng...
Năng suất chỉ đạt trên 30%
Theo phản ánh của người dân, ngày 18.6, chúng tôi có cuộc khảo sát dọc Quốc lộ 91C thuộc địa phận xã Khánh An và có thể nhìn thấy những đồng bắp lai hơn cả trăm hecta tại đây có hiện tượng chết, cháy lá, không trổ cờ, không có hạt...
Anh Dương Quốc Hùng - Trưởng ban ấp Thạnh Phú, xã Khánh An đưa chúng tôi đi mục sở thị những đám bắp chết đứng ở mọi lứa tuổi của các nông dân trong ấp và cho biết: Có người may mắn vừa thu họach xong nhưng chỉ đạt năng suất bằng 30- 40% so với những vụ trước. Gia đình anh Trương Văn Trẩm ở ấp Thạnh Phú, xã Khánh An, có đến 30 công bắp bị chết đứng. Anh buồn bã: “Tui vẫn trồng giống bắp 9901 như mọi khi, vụ này đang thu hoạch hết 15 công nhưng kiểu này chắc mỗi công chỉ được từ 300- 400kg, còn lại hơn 15 công nữa đang đổ râu trắng, sắp chết đứng tới nơi, vụ này coi như lỗ nặng...”.
Anh Lê Văn Vân ở ấp Thạnh Phú đưa cho chúng tôi xem ít giống bắp lai 333 còn lại, nói: “Tôi nghi là giống có vấn đề, vì tôi hồi nào giờ vẫn trồng giống này và cũng mua tại đại lý cũ (trong xã Khánh An). Nhưng không hiểu sao năm nay kỳ lạ, 7 công bắp của nhà tui đã chết đứng hết rồi”.
Chưa rõ nguyên nhân
Ông Mai Văn Bộ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện An Phú cho hay: Diện tích thiệt hại đang tăng lên từng ngày và hiện tượng này đang được phát hiện thêm ở các xã khác trong huyện An Phú. Thiệt hại trung bình cho mỗi công bắp bị chết đứng ước trên dưới 2 triệu đồng.
Qua trao đổi với các hộ bị thiệt hại, chúng tôi được biết, các giống bắp mà nông dân ở đây gieo trồng đều được họ mua từ các đại lý bán hạt giống trong xã Khánh An. Số đông nông dân sử dụng giống có ký hiệu ghi trên bao bì là DK 9901, một số ít hơn thì sử dụng giống là các giống DK 6818, DK 8868 và 333. Nông dân cho biết, các phương pháp canh tác vẫn bình thường như mọi khi...
Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Văn Bộ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện An Phú cho biết: “Chúng tôi cũng chưa rõ nguyên nhân tình trạng này, hiện đã báo về Sở NNPTNT tỉnh và mời các công ty cung cấp giống đến để phối hợp tìm hiểu nguyên nhân, họ có hứa miệng là nếu lỗi do giống thì họ sẽ tính chuyện hỗ trợ, bồi thường cho nông dân”.
Theo thống kê của UBND xã Khánh An thì số diện tích bắp bị chết đứng trong xã đã lên tới 102ha và đang mỗi ngày một tăng thêm. Ông Nguyễn Văn Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An cho biết: “Chưa thấy công ty phân phối giống bắp mà nông dân trồng bị chết cây đến để bàn cách giải quyết chuyện này nên chúng tôi cũng chưa biết nói sao với nông dân”.
Có thể bạn quan tâm

Cây bưởi da xanh không được trồng nhiều ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang), nhưng đối với những hộ dân trồng loại cây này thì bước đầu đã có hiệu quả.

Chè Ngam La (Hà Giang) từ lâu được biết đến bởi hương vị thơm ngon tự nhiên. Có một thời, người dân đã chặt bỏ nhiều cây chè cổ thụ vì giá chè quá rẻ. Đúng lúc đó, một phụ nữ Tày đã khôi phục và phát triển thương hiệu chè Ngam La...

29 tuổi, chị Nguyễn Thị Lan (thôn 8, xã Thiệu Khánh, TP.Thanh Hoá) đang sở hữu một trang trại rộng gần 3 mẫu, doanh thu 700-800 triệu đồng/năm.

Vừa qua, tại Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ (An Thái Trung, Cái Bè) đã diễn ra Hội nghị triển khai Quy chế quản lý đàn cá tra bố mẹ chọn giống. Đồng chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và ông Nguyễn Văn Trọng Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, cùng hơn 30 đại biểu là lãnh đạo Sở NN&PTNT, chi cục thủy sản, trung tâm giống và các cơ sở sản xuất giống có nhận đàn cá tra chọn lọc của 10 tỉnh vùng ĐBSCL.

Trồng hoàn toàn tự phát và tiêu thụ quá dễ dàng với giá trị kinh tế cao nên người dân xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã ồ ạt phá bỏ vườn cây ăn quả -chủ yếu là bưởi và cam để trồng dó trầm. Thực tế này đang đặt ra nhiều vấn đề cần bàn...