Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hàng trăm hecta lúa không kết hạt phải cắt cho bò ăn

Hàng trăm hecta lúa không kết hạt phải cắt cho bò ăn
Ngày đăng: 15/09/2015

Bà con nông dân địa phương buồn rầu, đành phải cắt lúa về cho trâu bò ăn.

Nông dân mất trắng

Trên cánh đồng lúa rộng bát ngát của bà con nông dân làng Bèo, xã Vĩnh Long, nhiều hộ nông dân đang cắt thân cây lúa còn xanh rì về cho trâu bò ăn.

Chị Hoàng Thị Vui (37 tuổi, trú tại làng Bèo) dừng tay liềm bên ruộng lúa còn xanh mướt, bông trổ cờ mà không kết hạt, buồn rầu cho biết: “Nhẽ ra vào thời điểm này diện tích lúa mùa của bà con nông dân địa phương đã ngả màu vàng, hạt lúa nặng trĩu bông, bắt đầu cho thu hoạch.

Nhưng vụ mùa năm nay do Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Long điều tiết, bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp từ khi gieo cấy đến lúc lúa làm đòng, trổ bông không hợp lý; nhất là vào thời điểm lúa thụ phấn, kết hạt không đủ nước nên dẫn đến diện tích lúa của làng Bèo bị mất trắng khá nhiều”.

Chị Vui cho biết thêm vụ mùa này gia đình chị gieo cấy 10 sào lúa, trong đó mỗi sào rộng 500m2 nhưng đến nay đã bị mất trắng 5 sào.

Trong khi đó, mỗi sào lúa bà con nông dân phải chi phí đầu vào gồm tiền giống, phân bón, cày bừa, nước tưới… hết từ 700.000 - 900.000 đồng.

Nếu năng suất lúa đạt 2,5-3 tạ/sào, trừ hết mọi chi phí, bà con nông dân chỉ còn được một nửa sản lượng lúa thu hoạch được.

Còn vụ mùa năm nay, hàng chục hộ dân ở làng Bèo bị mất trắng 3-5 sào, cá biệt nhiều hộ mất tới 8-10 sào lúa nên trong thời gian tới có nguy cơ thiếu đói.

Bởi vì theo thời vụ đến đầu năm 2016 mới gieo cấy vụ lúa chiêm xuân, đến tháng 5 mới cho thu hoạch. Do vậy, bà con nông dân địa phương rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ đối với diện tích lúa bị thiệt hại để người dân yên tâm sản xuất vụ tới.

Thiếu nước hay do giống, phân bón?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Đình Viên - chủ tịch UBND xã Vĩnh Long - cho biết ban đầu chính quyền xã cũng xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng hơn 100ha lúa của xã có trổ bông mà không kết thành hạt được, dẫn đến đen lép là do thiếu nước tưới trầm trọng trong quá trình cây lúa sinh trưởng, làm đòng trổ bông.

Để hỗ trợ bà con nông dân bị thiệt hại vụ lúa mùa này, hiện nay UBND xã đã mua gần 2 tấn ngô giống về cấp miễn phí cho các hộ dân trồng ngô vụ đông.

Chính quyền xã đang phối hợp với cán bộ Phòng nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lộc kiểm tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên để có hướng xử lý.

Ngày 14-9, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tào Quang Thiệu - trưởng Phòng nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lộc - cũng có nhận định ban đầu nguyên nhân dẫn đến số diện tích lúa mùa ở xã Vĩnh Long có trổ bông mà không kết hạt, gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân là do thiếu nước tưới nghiêm trọng.

Hiện nay phòng chuyên môn đang giao cho UBND xã Vĩnh Long thống kê chi tiết số diện tích lúa thiệt hại của từng hộ dân, để UBND huyện báo cáo với UBND tỉnh xin kinh phí hỗ trợ nông dân địa phương.

Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện yêu cầu UBND xã phải làm rõ nguyên nhân từ khâu giống lúa, phân bón, nước tưới, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, để xác định rõ nguyên nhân chính gây thiệt hại diện tích lúa của bà con nông dân. Từ đó có căn cứ để xử lý cá nhân, tập thể có liên quan đến vụ việc này.

Bà con nông dân ở làng Bèo, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đem cây lúa trổ bông mà không kết hạt về cho trâu bò ăn

Hàng chục hộ dân ở làng Bèo bị mất trắng 3-5 sào, cá biệt nhiều hộ mất tới 8-10 sào lúa nên trong thời gian tới có nguy cơ thiếu đói


Có thể bạn quan tâm

Gần 1.000 ha mì bị thối củ và cháy lá vi khuẩn Gần 1.000 ha mì bị thối củ và cháy lá vi khuẩn

Theo thống kê của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, đến nay toàn huyện phát hiện gần 1.000 ha mì bị bệnh thối củ và cháy lá vi khuẩn.

31/08/2015
Vực dậy ngành chè Vực dậy ngành chè

Cây chè liên quan đến đời sống của hàng trăm nghìn hộ dân, nhưng hiện nay năng suất và hiệu quả kinh tế của loại cây này rất thấp, nguyên nhân chính là do sản xuất manh mún, thiếu liên kết với thị trường, an toàn thực phẩm chưa quản lý tận gốc…

31/08/2015
Nông dân trúng mùa kiệu mà không được giá Nông dân trúng mùa kiệu mà không được giá

Vụ Hè Thu năm 2015, nông dân các xã Phú Đức và Phú Hiệp, huyện Tam Nông canh tác gần 30 ha củ kiệu. Hiện tại, nông dân đang thu hoạch củ kiệu.

31/08/2015
Cây khoai mì Ô Tà Bang Cây khoai mì Ô Tà Bang

Đó là thế mạnh sản xuất nông nghiệp khu vực tiếp giáp Thới Sơn, An Phú, An Cư, Văn Giáo (Tịnh Biên - An Giang)… do đồng bào Khmer và người Kinh trồng trên đất đồi dốc, xen vườn cây ăn trái và cây rừng. Khoai mì ở đây không chỉ lấp vụ chờ mưa, mà còn giúp nông dân cải thiện kinh tế gia đình và ứng phó trong điều kiện biến đổi thời tiết.

31/08/2015
Dọn đường xuất khẩu nhãn chín muộn sang Mỹ Dọn đường xuất khẩu nhãn chín muộn sang Mỹ

Là một trong bốn loại cây ăn quả chủ lực nằm trong đề án phát triển cây ăn quả đặc sản của Hà Nội, nhãn chín muộn là đặc sản của đất Hà thành, giúp nông dân vươn lên làm giàu. Đặc biệt, từ khi vải, nhãn Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, Hà Nội đang chuẩn bị các bước cần thiết để xuất khẩu nhãn chín muộn sang thị trường này.

31/08/2015