Hàn Quốc Đầu Tư Phát Triển Vùng Trồng Ớt Tại Ninh Thuận

Sáng ngày 4-9, tại TP Phan Rang – Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận cùng Tập đoàn Chen Jedang Corpration - Hàn Quốc (Tập đoàn CJ) tổ chức Lễ ký kết bản ghi nhớ “Phát triển vùng chuyên canh ớt gắn với xây dựng nhà máy chế biến ớt khô, đóng gói tại Ninh Thuận để xuất khẩu”.
Tập đoàn CJ và tỉnh Ninh Thuận cùng hợp tác để phát triển vùng chuyên canh trồng ớt với diện tích khoảng 500-600 ha trên các vùng đất cát tại các xã: An Hải, Phước Vinh, Phước Sơn, huyện Ninh Phước; xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải và khu vực tưới hồ Sông Biêu, huyện Thuận Nam…
Tập đoàn CJ sẽ cung cấp mười giống ớt cho năng suất cao được nhập từ Trung Quốc và Hàn Quốc về trồng tại Ninh Thuận, phụ trách chuyển giao công nghệ trồng trọt cho nông dân và cam kết thu mua 100% sản lượng ớt theo giá thỏa thuận với nông dân.
Tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các sở, ngành có liên quan ký giao kết với nông dân tham gia dự án và hỗ trợ tưới tiêu, hệ thống thủy lội nội đồng tại vùng đã quy hoạch...
Giám đốc điều hành bộ phận thu mua Tập đoàn CJ tại Việt Nam Chung Won Young cho biết: “Qua khảo sát, với khí hậu nắng nóng, Ninh Thuận có thể trồng cây ớt 3 vụ/năm, cho nên rất thuận lợi để Tập đoàn phát triển vùng nguyên liệu ớt bền vững và mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với việc trồng ớt thuần túy trước đây. Hiện nay, số lượng giống để trồng thử nghiệm đã được vận chuyển về Việt Nam”.
Theo cam kết, trong tháng 9-2013, tại các huyện Thuận Bắc, Ninh Hải, Thuận Nam và Ninh Phước sẽ xuống giống trồng thử nghiệm 1 ha để kiểm tra năng suất và chất lượng. Từ năm 2014-2024 sẽ tiến hành trồng đại trà trên diện rộng, nhằm bảo đảm tổng năng suất thu hoạch hàng năm là ba nghìn tấn ớt khô (khoảng 12 nghìn tấn ớt tươi) để xuất khẩu sang các nhà máy chế biến thực phẩm từ ớt của Tập đoàn CJ đặt tại Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước khác. Và tiến tới xây dựng nhà máy chế biến tại Ninh Thuận.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Đức Thu, nông dân trong tỉnh đang trồng 562 ha giống ớt thuần túy, năng suất bình quân từ 20-30 tấn/ha/năm, với giá bán ra thị trường bình quân là 10 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư khoảng 50%, nông dân lãi 150 triệu đồng/ha/năm. Nhưng, do chu kỳ cây ớt từ 6-8 tháng, cho nên nông dân thường chỉ trồng một vụ/năm, thời gian còn lại trồng xen kẻ cây tỏi, cây hành. Giống ớt mới cho năng suất cao là rất phù hợp với chủ trương chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao mà tỉnh đã đề ra.
Ngoài ra, hai bên cũng đã thỏa thuận sẽ tiếp tục mở rộng nhiều dự án khác để phát triển vùng nguyên liệu cũng như chế biến sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi…
Có thể bạn quan tâm

Trước làn sóng đầu tư được dự báo là rất lớn khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành chăn nuôi, tiêu thụ sữa tươi của Hà Nội sẽ đứng trước nhiều thách thức.

Nhà nông trẻ Nguyễn Văn Nam (sinh năm 1986) đã mạnh dạn chuyển đổi cả ngàn mét vuông diện tích đất trồng mía để xây dựng chuồng trại chăn nuôi “thuần hóa” giống gà Đông Tảo (một giống gà đặc hữu và quý hiếm của Việt Nam) tại thôn 3, xã Mê Linh, Lâm Hà, Lâm Đồng đạt thu nhập tăng cao mỗi tháng.

VEPR dự báo ngành chăn nuôi Việt Nam chịu tác động tiêu cực nhất của TPP, còn đại diện Cục Chăn nuôi tin vẫn có nhiều sản phẩm có thể cạnh tranh, ví dụ như lợn cắp nách

Khi lòng hồ Tả Trạch (Thừa Thiên Huế) tích nước cùng với tập quán chăn thả "gửi trâu cho trời" đã hình thành nên những đàn trâu, bò hoang bị "kẹt lại" giữa rừng, trở nên vô chủ. Cũng từ đó, ở Dương Hòa (thị xã Hương Thủy) có một nghề khá đặc biệt, không kém phần hiểm nguy: nghề bắt trâu, bò hoang.

Toàn tỉnh Hòa Bình hiện có 68 cơ sở chăn nuôi gà quy mô lớn, trong đó có 55 cơ sở chăn nuôi gà thương phẩm với quy mô từ 300-10.000 con/chuồng/lứa, sản xuất được trên 2 triệu con xuất chuồng/năm với sản phẩm thịt hơi đạt 5.770 tấn;