Hàm Yên (Tuyên Quang) Phòng Chống Rét Cho Đàn Gia Súc

Huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) hiện có đàn trâu hơn 15.000 con; đàn bò 1.100 con; đàn lợn 80.500 con. Để bảo vệ đàn vật nuôi trước dịch bệnh và rét, bước vào đầu vụ thu đông, huyện đã triển khai công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Đến nay, toàn huyện đã hoàn thành đợt tiêm phòng mũi 2 LMLM và mũi tụ huyết trùng cho đàn gia súc với 25.865 liều, trên 90% đàn trâu, bò được tiêm phòng. Công tác tiêm phòng vắc xin dịch tả, tụ huyết trùng cho đàn lợn, đàn gia cầm cũng được triển khai đồng thời. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn triển khai các giải pháp chống đói, rét cho gia súc. Những ngày giá rét này, các gia đình ở các xã đang tu sửa, che chắn chuồng trại cho đàn trâu, bò. Ông Trần Văn Khọi, thôn 6 Minh Phú xã Yên Phú cho biết: Những năm gần đây gia đình ông có thêm nguồn thu nhập đáng kể nhờ vào việc phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Mùa đông là thời điểm có nhiều dịch bệnh, trâu, bò rất dễ bị chết rét, vì thế gia đình luôn đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò có đủ các thành phần dinh dưỡng và tiêm phòng đúng định kỳ. Kinh nghiệm của ông Khọi là đến mùa đông, nhất là vào những ngày giá rét nhất thiết phải cho trâu ăn thêm thức ăn tinh bột để đàn trâu có sức đề kháng. Ngoài ra, gia đình còn tận dụng cây ngô vụ đông làm thức ăn, rơm khô dự trữ và trồng thêm cỏ voi. Xã Tân Thành một trong những xã có số lượng gia súc lớn của huyện, với trên 1.000 con trâu và 54 con bò. 5 năm trở lại đây, các hộ nuôi gia súc trong xã không để xảy ra trường hợp trâu, bò bị chết rét bởi người dân luôn nêu cao ý thức trong việc phòng chống rét cho gia súc, các hộ chăn nuôi đều đầu tư làm chuồng trại kiên cố và che chắn gió cẩn thận. Để chuẩn bị thức ăn cho đàn gia súc những ngày rét, phải nuôi nhốt trong chuồng, gia đình anh Lê Văn Vấn, thôn 1 Tân Yên, xã Tân Thành trồng 5 sào ngô, cỏ voi và rơm rạ được trữ từ vụ mùa, nhờ đó trong những năm qua, đàn trâu của gia đình anh Vấn luôn khỏe mạnh để chống chọi với cái rét. Anh Vấn còn chủ động tiêm các loại vắc xin phòng dịch bệnh, thường xuyên vệ sinh chuồng trại và xung quanh khu vực chăn nuôi. Anh Đỗ Hữu Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Rút kinh nghiệm từ những đợt rét trước, năm nay, ngay từ đầu mùa rét xã đã tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng những kinh nghiệm về cách phòng chống rét cho gia súc. Cách làm hiệu quả là: Che chắn kín xung quanh; dự trữ nguồn thức ăn, cung cấp đủ và bổ sung các nguồn thức ăn dinh dưỡng; tăng cường nguồn thức ăn xanh; theo dõi thường xuyên sức khỏe của đàn gia súc; nuôi nhốt và không thả rông trâu bò trong những ngày rét hại; bổ sung thêm nguồn thức ăn có tinh bột, như: Cám, bột ngô, bột sắn... Để bảo vệ đàn gia súc trong mùa đông giá rét, UBND huyện Hàm Yên chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân không được chủ quan, lơ là việc chống rét cho gia súc. Ban chỉ đạo phòng chống rét cho trâu, bò của các xã thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc che chắn chuồng trại; khi phát hiện gia súc mắc bệnh phải báo cáo kịp thời để cán bộ thú y nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn, xử lý tránh lây lan, bùng phát thành ổ dịch.
Có thể bạn quan tâm

Trong lúc nhiều nông dân ở ĐBSCL trồng lúa không có lãi do giá thành quá cao thì nhiều hộ dân ở huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) và Phú Tân (An Giang)... cùng rủ nhau trồng lúa theo mô hình “một phải, sáu giảm” vì giúp giảm đáng kể giá thành, tăng thu nhập.

Mấy chục năm có mặt ở Đà Lạt, phương thức trồng dâu tây của nông dân vẫn không có gì thay đổi. Đó là trồng ở ngoài ruộng và nhân giống bằng cách tách thân bò và cây con từ cây chính để trồng lại. Sau nhiều năm, giống dâu tây phát sinh nhiều thứ bệnh như héo lá, đốm đỏ, vàng mép lá, đặc biệt virus xoắn lá làm giảm năng suất và phẩm chất trái dâu. Điều này buộc người nông dân ngày càng sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật hơn, đặc biệt là các loại thuốc diệt nấm.

Tiếp đó, ngày 17-7 tại TP.HCM sẽ diễn ra hội thảo và họp báo tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các nhà phân phối và người tiêu dùng về tầm quan trọng của việc phân phối và sử dụng nước mắm mang chỉ dẫn địa lý Phú Quốc. Một hội thảo tương tự sẽ diễn ra tại thủ đô Hà Nội vào ngày 22-7.

Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 152 tổ chức, cá nhân kinh doanh trái thanh long gồm 106 hộ kinh doanh và 46 doanh nghiệp, cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói. Trong đó có 14 doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch thanh long. Hoạt động thu mua thanh long tại nơi sản xuất chủ yếu do thương lái đảm nhiệm, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long chỉ trực tiếp thu mua tại những nhà vườn có số lượng lớn từ 3 - 5 tấn.

Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương xuất hiện một loại mực bán với giá rất rẻ, chỉ từ 20.000-40.000 đồng/kg, cao nhất cũng chỉ 50.000-70.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá mực bình thường từ 80.000-200.000 đồng/kg.