Hàm Yên (Tuyên Quang) Phòng Chống Rét Cho Đàn Gia Súc

Huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) hiện có đàn trâu hơn 15.000 con; đàn bò 1.100 con; đàn lợn 80.500 con. Để bảo vệ đàn vật nuôi trước dịch bệnh và rét, bước vào đầu vụ thu đông, huyện đã triển khai công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Đến nay, toàn huyện đã hoàn thành đợt tiêm phòng mũi 2 LMLM và mũi tụ huyết trùng cho đàn gia súc với 25.865 liều, trên 90% đàn trâu, bò được tiêm phòng. Công tác tiêm phòng vắc xin dịch tả, tụ huyết trùng cho đàn lợn, đàn gia cầm cũng được triển khai đồng thời. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn triển khai các giải pháp chống đói, rét cho gia súc. Những ngày giá rét này, các gia đình ở các xã đang tu sửa, che chắn chuồng trại cho đàn trâu, bò. Ông Trần Văn Khọi, thôn 6 Minh Phú xã Yên Phú cho biết: Những năm gần đây gia đình ông có thêm nguồn thu nhập đáng kể nhờ vào việc phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Mùa đông là thời điểm có nhiều dịch bệnh, trâu, bò rất dễ bị chết rét, vì thế gia đình luôn đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò có đủ các thành phần dinh dưỡng và tiêm phòng đúng định kỳ. Kinh nghiệm của ông Khọi là đến mùa đông, nhất là vào những ngày giá rét nhất thiết phải cho trâu ăn thêm thức ăn tinh bột để đàn trâu có sức đề kháng. Ngoài ra, gia đình còn tận dụng cây ngô vụ đông làm thức ăn, rơm khô dự trữ và trồng thêm cỏ voi. Xã Tân Thành một trong những xã có số lượng gia súc lớn của huyện, với trên 1.000 con trâu và 54 con bò. 5 năm trở lại đây, các hộ nuôi gia súc trong xã không để xảy ra trường hợp trâu, bò bị chết rét bởi người dân luôn nêu cao ý thức trong việc phòng chống rét cho gia súc, các hộ chăn nuôi đều đầu tư làm chuồng trại kiên cố và che chắn gió cẩn thận. Để chuẩn bị thức ăn cho đàn gia súc những ngày rét, phải nuôi nhốt trong chuồng, gia đình anh Lê Văn Vấn, thôn 1 Tân Yên, xã Tân Thành trồng 5 sào ngô, cỏ voi và rơm rạ được trữ từ vụ mùa, nhờ đó trong những năm qua, đàn trâu của gia đình anh Vấn luôn khỏe mạnh để chống chọi với cái rét. Anh Vấn còn chủ động tiêm các loại vắc xin phòng dịch bệnh, thường xuyên vệ sinh chuồng trại và xung quanh khu vực chăn nuôi. Anh Đỗ Hữu Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Rút kinh nghiệm từ những đợt rét trước, năm nay, ngay từ đầu mùa rét xã đã tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng những kinh nghiệm về cách phòng chống rét cho gia súc. Cách làm hiệu quả là: Che chắn kín xung quanh; dự trữ nguồn thức ăn, cung cấp đủ và bổ sung các nguồn thức ăn dinh dưỡng; tăng cường nguồn thức ăn xanh; theo dõi thường xuyên sức khỏe của đàn gia súc; nuôi nhốt và không thả rông trâu bò trong những ngày rét hại; bổ sung thêm nguồn thức ăn có tinh bột, như: Cám, bột ngô, bột sắn... Để bảo vệ đàn gia súc trong mùa đông giá rét, UBND huyện Hàm Yên chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân không được chủ quan, lơ là việc chống rét cho gia súc. Ban chỉ đạo phòng chống rét cho trâu, bò của các xã thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc che chắn chuồng trại; khi phát hiện gia súc mắc bệnh phải báo cáo kịp thời để cán bộ thú y nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn, xử lý tránh lây lan, bùng phát thành ổ dịch.
Có thể bạn quan tâm

Gặp chúng tôi, anh Võ Văn Thành, chủ vười tiêu ở ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết: “Từ mùng 4 tết gia đình tôi đã kéo nhau ra vườn chăm sóc và thu hoạch tiêu. Sau tết, tiêu đến đợt chín rộ nên mình phải tranh thủ thu hoạch sớm".

Lão nông Lê Văn Đủ, vừa thu hoạch xong 2 ha lúa ĐX giống IR 50404 ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: "Thời điểm trước tết lúa sắp bước vào thu hoạch thấy giá giảm có lúc xuống dưới 4.000 đồng/kg nên tôi không còn tâm trạng để ăn tết. Nhưng từ sau tết giá lúa đã bắt đầu tăng lên, đúng thời điểm tôi thu hoạch.

Ngày 3/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng và Sở NN-PTNT tỉnh này đã kiểm tra tình hình hoạt động của các Cty Lâm nghiệp và BQL rừng phòng hộ sau mấy năm thực hiện sắp xếp đổi mới lâm trường, thực hiện quy hoạch 3 loại rừng và tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.

Trên 300 CBCNV của Cty đều đi làm đầy đủ. Nô nức nhất là xưởng chế biến, nơi thu hút gần 90% lực lượng CBCNV của đơn vị. Những ngày nghỉ Tết hầu như không ảnh hưởng gì đến không khí ngày làm việc đầu tiên của năm mới. Cả khu chế biến đông chật người nhưng không tiếng trò chuyện, từng người cần mẫn với đôi tay thoăn thoắt lột vỏ những con tôm.

Mỗi ha trồng được 10.000 gốc khóm, cứ cách 2 tháng xử lý khí đá khoảng 2.000 gốc, sẽ cho thu hoạch 1.500-1.700 trái. Nhờ có đường hành lang ven biển phía Nam đi qua vùng trồng khóm nên người dân mang ra hai bên đường dẫn lên cầu Cái Lớn, Cái Bé để bán, giúp việc tiêu thụ thuận lợi hơn. Nhất là dịp tết vừa rồi, khách đi du xuân thấy khóm đẹp, ăn ngon nên dừng lại mua khá nhiều, dẫn đến hút hàng.