Hàm Yên (Tuyên Quang) Phòng Chống Rét Cho Đàn Gia Súc

Huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) hiện có đàn trâu hơn 15.000 con; đàn bò 1.100 con; đàn lợn 80.500 con. Để bảo vệ đàn vật nuôi trước dịch bệnh và rét, bước vào đầu vụ thu đông, huyện đã triển khai công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Đến nay, toàn huyện đã hoàn thành đợt tiêm phòng mũi 2 LMLM và mũi tụ huyết trùng cho đàn gia súc với 25.865 liều, trên 90% đàn trâu, bò được tiêm phòng. Công tác tiêm phòng vắc xin dịch tả, tụ huyết trùng cho đàn lợn, đàn gia cầm cũng được triển khai đồng thời. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn triển khai các giải pháp chống đói, rét cho gia súc. Những ngày giá rét này, các gia đình ở các xã đang tu sửa, che chắn chuồng trại cho đàn trâu, bò. Ông Trần Văn Khọi, thôn 6 Minh Phú xã Yên Phú cho biết: Những năm gần đây gia đình ông có thêm nguồn thu nhập đáng kể nhờ vào việc phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Mùa đông là thời điểm có nhiều dịch bệnh, trâu, bò rất dễ bị chết rét, vì thế gia đình luôn đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò có đủ các thành phần dinh dưỡng và tiêm phòng đúng định kỳ. Kinh nghiệm của ông Khọi là đến mùa đông, nhất là vào những ngày giá rét nhất thiết phải cho trâu ăn thêm thức ăn tinh bột để đàn trâu có sức đề kháng. Ngoài ra, gia đình còn tận dụng cây ngô vụ đông làm thức ăn, rơm khô dự trữ và trồng thêm cỏ voi. Xã Tân Thành một trong những xã có số lượng gia súc lớn của huyện, với trên 1.000 con trâu và 54 con bò. 5 năm trở lại đây, các hộ nuôi gia súc trong xã không để xảy ra trường hợp trâu, bò bị chết rét bởi người dân luôn nêu cao ý thức trong việc phòng chống rét cho gia súc, các hộ chăn nuôi đều đầu tư làm chuồng trại kiên cố và che chắn gió cẩn thận. Để chuẩn bị thức ăn cho đàn gia súc những ngày rét, phải nuôi nhốt trong chuồng, gia đình anh Lê Văn Vấn, thôn 1 Tân Yên, xã Tân Thành trồng 5 sào ngô, cỏ voi và rơm rạ được trữ từ vụ mùa, nhờ đó trong những năm qua, đàn trâu của gia đình anh Vấn luôn khỏe mạnh để chống chọi với cái rét. Anh Vấn còn chủ động tiêm các loại vắc xin phòng dịch bệnh, thường xuyên vệ sinh chuồng trại và xung quanh khu vực chăn nuôi. Anh Đỗ Hữu Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Rút kinh nghiệm từ những đợt rét trước, năm nay, ngay từ đầu mùa rét xã đã tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng những kinh nghiệm về cách phòng chống rét cho gia súc. Cách làm hiệu quả là: Che chắn kín xung quanh; dự trữ nguồn thức ăn, cung cấp đủ và bổ sung các nguồn thức ăn dinh dưỡng; tăng cường nguồn thức ăn xanh; theo dõi thường xuyên sức khỏe của đàn gia súc; nuôi nhốt và không thả rông trâu bò trong những ngày rét hại; bổ sung thêm nguồn thức ăn có tinh bột, như: Cám, bột ngô, bột sắn... Để bảo vệ đàn gia súc trong mùa đông giá rét, UBND huyện Hàm Yên chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân không được chủ quan, lơ là việc chống rét cho gia súc. Ban chỉ đạo phòng chống rét cho trâu, bò của các xã thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc che chắn chuồng trại; khi phát hiện gia súc mắc bệnh phải báo cáo kịp thời để cán bộ thú y nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn, xử lý tránh lây lan, bùng phát thành ổ dịch.
Có thể bạn quan tâm

Với quy mô chăn nuôi trên 12.000 con lợn rừng và 5.000 gà rừng bằng thức ăn tự nhiên, cùng việc chữa bệnh cho vật nuôi bằng cây thuốc nam, trang trại lợn rừng NTC của Công ty cổ phần Phát triển KHKT NTC Việt Nam (NTC) là trang trại chăn nuôi hữu cơ lớn nhất Việt Nam.

Miền núi, trung du hội đủ tiềm năng để phát triển kinh tế rừng, song giá trị mà lĩnh vực này đem lại còn quá khiêm tốn so với kỳ vọng của các địa phương. Làm thế nào để thoát khỏi nền lâm nghiệp nhỏ lẻ, tụt hậu để đủ sức cạnh tranh với các tỉnh, thành lân cận luôn là vấn đề đặt ra.

Nhiều năm qua nền nông nghiệp của Điện Bàn vẫn có những bước tiến tích cực, nhưng để tìm được một cây trồng chủ lực, đặc trưng của địa phương nhằm tạo dựng thương hiệu thì vẫn là một bài toán khó.

Tổng kết Chương trình 135 và Nghị quyết 30a của Chính phủ về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Nam Trà My, từ năm 2011 - 2014, tổng nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ đã đầu tư cho huyện hơn 4,2 tỷ đồng.

Chiều 21.10, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chủ trì cuộc họp nghe Sở NN&PTNT báo cáo về quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030;