Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hàm Thuận Nam Nỗ Lực Thực Hiện Thanh Long VietGAP

Hàm Thuận Nam Nỗ Lực Thực Hiện Thanh Long VietGAP
Ngày đăng: 08/10/2014

Huyện Hàm Thuận Nam có diện tích thanh long dẫn đầu Bình Thuận. Trong những năm gần đây, người dân địa phương này đã quen dần thực hành sản xuất nông nghiệp tốt với cây trồng chủ lực thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu các nước trong khu vực…

Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hàm Thuận Nam cho biết, đến nay diện tích thanh long trên địa bàn huyện trên 11.000 ha, có nhiều xã sản xuất tập trung trên 1.000 ha như Hàm Thạnh, Hàm Cường, Hàm Minh, Tân Thuận, thị trấn Thuận Nam.

Số thu hoạch chiếm hơn 90%. Trong tổng diện tích này, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP được 4.200ha/188 tổ, nhóm, trang trại/3.819 hộ; chiếm hơn 38% diện tích toàn huyện. Xã Hàm Minh dẫn đầu thanh long sạch với 861 ha, Hàm Thạnh 612 ha...

Bên cạnh đông đảo nông dân tham gia tích cực chương trình sản xuất thanh long sạch, thông qua việc tái chứng nhận thanh long VietGAP hàng năm đều tăng so với cùng kỳ; thì vẫn còn không ít người chưa mặn mà lắm. Trong năm qua, cấp mới diện tích thanh long VietGAP được 643 ha/900 ha, chiếm 71,5% kế hoạch, giảm 105 ha so cùng kỳ. Tương tự, 8 tháng năm nay, cấp mới gần 260 ha/780 ha (gần 34% kế hoạch).

Nguyên nhân bởi người trồng thanh long chưa tích cực hưởng ứng tham gia chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Bởi sản phẩm thanh long VietGAP đầu ra hạn chế, giá cả ngang thu mua ngang bằng thanh long sản xuất theo cách thường; chưa có chính sách ưu đãi đem lại lợi ích cho người sản xuất thanh long VietGAP, làm cho người trồng không mấy an tâm.

Trong khi đó, ban chỉ đạo VietGAP xã cũng không dành nhiều thời gian cho việc sản xuất thanh long VietGAP, một số xã chưa chủ động giúp dân hình thành các tổ, nhóm sản xuất VietGAP; ban điều hành các tổ, nhóm đã hình thành thì hoạt động cầm chừng, các thành viên trong tổ không viết nhật ký sản xuất. Cuối cùng là doanh nghiệp chưa quan tâm thu mua thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP…

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, hiện các thành viên ban chỉ đạo, tổ tư vấn VietGAP huyện đang phối hợp tích cực với 11 xã trong chương trình, hướng dẫn các tổ, nhóm đăng ký mới, đến hạn tái cấp, như: ghi chép nhật ký, thực hành trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP để được chứng nhận trong năm 2014.

Gắn chương trình này một cách bền vững với quá trình xây dựng nông thôn mới. Song song đó, Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long duy trì tốt quy chế phối hợp, lấy các mẫu (đất, nước, trái) của các tổ, nhóm để giám sát, kiểm tra đạt kết quả tốt.

Cùng với đó, các thành viên ban chỉ đạo ở huyện, xã, ban điều hành tổ, nhóm trong thôn, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có tham gia trồng thanh long đi đầu thực hiện chương trình này; đồng thời vận động người trồng thanh long, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất kinh doanh thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng thực hiện thanh long an toàn bền vững, tự giác tham gia sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, cũng như thu mua sản phẩm đảm bảo chất lượng này.

Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hàm Thuận Nam kiến nghị Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp sở, ngành tìm kiếm đối tác tiêu thụ thanh long của các tổ, nhóm thực hiện VietGAP, tăng cường hơn nữa các biện pháp tác động đến những cơ sở thu mua, chế biến thanh long trên địa bàn tỉnh tuân thủ các tiêu chí VietGAP.

Bởi đây là yếu tố vững chắc, bền lâu cho khâu chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu thanh long ra nước ngoài. Khi hội nhập với thế giới, doanh nghiệp thu mua thanh long tại các nước trong khu vực, trên thế giới đều yêu cầu xuất xứ nơi sản xuất thanh long, đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP…

“Với những giải pháp triển khai, Hàm Thuận Nam sẽ cấp mới 720 ha thanh long sản xuất tiêu chuẩn VietGAP, đạt 90% kế hoạch vào cuối năm nay. Tương tự, năm 2015, huyện phấn đấu cấp mới 780 ha; nâng tổng diện tích thanh long VietGAP lên 5.700ha, chiếm hơn 50% diện tích thanh long toàn huyện”, ông Phúc nói.


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Nuôi Lợn Rừng Đạt Giá Trị Kinh Tế Cao Mô Hình Nuôi Lợn Rừng Đạt Giá Trị Kinh Tế Cao

Dọc theo con đường nhựa nằm uốn mình bên cạnh các sườn núi và có những điểm lên đồi xuống vực tạo cho chúng tôi một cảm giác chơi vơi nhưng rồi địa điểm chúng tôi cần cũng đã hiện ra trước mắt, đó chính là trang trại nuôi heo (lợn) rừng của ông Đoàn Văn Đệ - thôn 8 xã Nam Bình - huyện Đắk Song

23/06/2013
Bệnh Viện Cây Trồng Tổ Chức Khám Bệnh Lưu Động Bệnh Viện Cây Trồng Tổ Chức Khám Bệnh Lưu Động

Ngày 01/6/2013, Bệnh viện Cây trồng Sóc Trăng tổ chức khám bệnh lưu động tại huyện Kế Sách. Nhân lực tham gia đợt khám bệnh lưu động gồm đội ngũ bác sĩ cây trồng của tỉnh Sóc Trăng và các bác sĩ cây trồng của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam.

06/06/2013
Hút Hàng Giống Cây Trồng Hút Hàng Giống Cây Trồng

Chỉ mới đầu mùa mưa nhưng thị trường giống cây trồng ở ĐBSCL đang nóng từng ngày, giá đã tăng từ 30 - 60% so với cùng kỳ năm trước. Tuy giá cao, nhưng vẫn không đủ nguồn cung theo đơn đặt hàng.

06/06/2013
Người Phụ Nữ Làm Giàu Từ Chăn Nuôi Lợn Người Phụ Nữ Làm Giàu Từ Chăn Nuôi Lợn

Được sự quan tâm và tạo điều kiện của UBND xã Hải Lệ (Thị xã Quảng Trị) và tư vấn, sự giúp đỡ của Sở NN & PTNT tỉnh, năm 2004, gia đình chị Nguyễn Thị Nhi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp quy mô 150 con lợn nái nội và 1.000 con lợn thịt hậu bị, hàng năm đưa ra thị trường gần 200 tấn lợn thịt và hơn 700 lợn giống.

23/06/2013
Thanh Long Ruột Đỏ Thanh Long Ruột Đỏ "Bén Rễ" Trên Vùng Đất Nhiễm Phèn

Là người tiên phong trong việc chọn vùng đất nhiễm phèn (Thạnh Tân, Tân Phước, Tiền Giang) để phát triển thanh long ruột đỏ, lúc đầu từng bị cho là “dở hơi” nhưng giờ đây anh Đoàn Văn Sang đã có thể thuyết phục được mọi người về quyết định táo bạo của mình khi mà hiệu quả mang lại hơn cả sự mong đợi

26/10/2013