Hà Nam Sẽ Tiếp Tục Phát Triển, Nhân Rộng Mô Hình Liên Kết Sản Xuất Cà Chua Bi

Mô hình liên kết sản xuất cà chua bi được triển khai thực hiện vào vụ Đông năm 2013 tại xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên (Hà Nam). Đây là địa phương đầu tiên được UBND tỉnh chọn xây dựng thí điểm mô hình liên kết sản xuất cà chua bi, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Chế biến nông sản Hội Vũ cung ứng và bao tiêu sản phẩm.
Tuy đây là mô hình mới, nhưng bước đầu đã đem lại hiệu quả giúp người nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng có chất lượng cao đảm bảo tính thời vụ và khoa học, nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.
Với diện tích 5,2 ha, mô hình được quy hoạch gọn vùng, giao thông nội đồng thuận lợi, hệ thống thủy lợi kênh mương đáp ứng năng lực tưới tiêu. Toàn bộ 21 hộ tham gia thực hiện mô hình được tỉnh, huyện hỗ trợ toàn bộ chi phí tiền giống, xã hỗ trợ hệ thống kênh mương tiêu thoát nước và Công ty Hội Vũ phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn quy trình sản xuất nhằm đảm bảo hiệu quả mô hình.
Bước đầu thực hiện, cà chua trong mô hình năng suất đạt khoảng gần 02 tấn quả/sào với giá bán theo hợp đồng là 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, bình quân người trồng có lãi 06 - 07 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, do triển khai muộn so với thời vụ, thời tiết không thuận lợi nên năng suất đạt được chưa cao so với hiệu quả thực tế của cây trồng.
Từ những kết quả đã đạt được của mô hình liên kết sản xuất cà chua bi năm 2013 tại xã Mộc Bắc, UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục phát triển, nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh. Theo Đề án Mô hình liên kết sản xuất cây hàng hóa xuất khẩu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2014-2015, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng thì dự kiến mô hình tiếp tục được triển khai tại 06 huyện, thành phố.
Trong đó, năm 2014 sẽ xây dựng 03 mô hình với quy mô 05 ha/1 mô hình trong vụ Thu Đông ở 03 huyện: Duy Tiên, Lý Nhân và Kim Bảng. Còn lại 06 mô hình sẽ được triển khai trong năm 2015.
Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức tập huấn, cung cấp tài liệu cho nông dân.
Đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật bám sát mô hình cùng triển khai và hướng dẫn nông dân sản xuất để đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hà Nam tạo điều kiện để người dân vay vốn phát triển mô hình sản xuất khi có nhu cầu.
Về việc bao tiêu sản phẩm, UBND tỉnh đề nghị Công ty TNHH Chế biến nông sản Hội Vũ tiếp tục tổ chức ký kết hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân ngay từ đầu vụ. Quan trọng hơn, để khuyến khích nông dân tham gia thực hiện mô hình, UBND tỉnh Hà Nam cũng có cơ chế hỗ trợ sau đầu tư với 100% tiền giống và 20% tiền vật tư (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật).
Những kết quả bước đầu đạt được trong liên kết sản xuất cà chua bi có thể khẳng định việc nhân rộng mô hình là rất cần thiết. Qua đó có thể hình thành vùng sản xuất cây trồng hàng hóa xuất khẩu mang tính bền vững, đạt hiệu quả; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các nhóm hộ sản xuất với doanh nghiệp, xây dựng chuỗi sản xuất hợp lý, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, tạo sản phẩm an toàn với giá trị cao.
Có thể bạn quan tâm

Thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh vào dịp lễ của các vùng giáo về tinh thần đoàn kết trong nhân dân, đoàn kết lương giáo, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi hội viên, nông dân vào việc xây dựng tổ chức hội vững mạnh.

Dự án khai thác tài nguyên bền vững vùng đồi dốc ở huyện Cẩm Thủy được Hội Khoa học thủy lợi Thanh Hóa thực hiện tại xã Cẩm Tâm từ năm 2010. Theo đó, dự án xây dựng 2 mô hình để thực hiện hỗ trợ, gồm: mô hình thu trữ nước mó và mô hình hạn chế lũ quét, bảo vệ môi trường.

Từ đầu năm đến tháng 10-2014, toàn xã đã đóng mới được 37 phương tiện, trong đó 8 phương tiện có công suất từ 48 đến 63 CV, 29 phương tiện có công suất từ 90 đến 550 CV và thành lập được 1 tổ dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển với 4 tàu từ 250 CV trở lên, chủ yếu khai thác các loại hải sản xuất khẩu có giá trị kinh tế cao ở tầm trung và khơi xa.

Theo chân cán bộ xã Thạch Quảng, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi dưới tán rừng của gia đình anh Bùi Văn Cự tại làng Thố. Không giấu nổi niềm vui khi đã chọn được con đường làm giàu đúng đắn, anh Cự nhiệt tình dẫn chúng tôi đi thăm những chuồng trại dưới đồi mía và keo.

Vài năm gần đây, nông dân Đắk Lắk và một số tỉnh bắt đầu “bén duyên” với ca cao, loại cây trồng được xem như “cú hích” thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình. Nguồn thu nhập từ ca cao không những giúp nhiều hộ đồng bào cải thiện cuộc sống mà còn giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.