Hạ Hòa Khắc Phục Khó Khăn Trong Sản Xuất Vụ Đông

Trong những năm gần đây diện tích ngô vụ đông trên địa bàn huyện Hạ Hòa giảm dần. Nguyên nhân do yêu cầu khắt khe về thời vụ, ngô phải gieo trước ngày 30-9, trong khi đó lao động đi làm ăn xa, hoặc chọn công việc khác thu nhập cao hơn dẫn đến thiếu lao động khi vào mùa vụ. Hơn nữa, thời điểm thu hoạch lúa mùa, gieo trồng ngô đông thường mưa nhiều nên cũng làm chậm tiến độ sản xuất.
Đồng chí Lữ Mạnh Thắng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Trước thực trạng như vậy, huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu vụ mùa, bố trí cấy lúa mùa sớm để kịp làm cây vụ đông ưa ấm; đồng thời tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách mới đến người dân nhằm khuyến khích bà con tích cực tham gia sản xuất. Huyện đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng hóa cây trồng, ưu tiên các cây có giá trị kinh tế cao. Ngoài ngô là cây chủ lực huyện khuyến khích mở rộng diện tích trồng bí, khoai tây, rau xanh các loại…”.
Vụ đông năm nay toàn huyện Hạ Hòa đã trồng được 535ha ngô, 450ha rau, 20ha lạc, 65ha khoai lang, 10ha khoai tây và 21ha đậu đỗ các loại… Các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như bí đao, dưa chuột lai, cà chua, ớt… được trồng tập trung ở các xã trong vùng Dự án Nông nghiệp cận đô thị và các xã có điều kiện, kinh nghiệm và khả năng đầu tư thâm canh cao gồm: Văn Lang, Chuế Lưu, Hiền Lương, Liên Phương, Minh Hạc, Mai Tùng, Vĩnh Chân…
Đặc biệt xã Văn Lang đã mở rộng diện tích trồng bí đao lên 56ha, trong đó có 26ha thuộc Dự án nông nghiệp cận đô thị, 30ha người dân tự trồng. Đây là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi ha đạt 50 triệu đồng/vụ, tương ứng 150 triệu đồng/ha/năm. Ngoài cây bí, xã Văn Lang còn mở rộng diện tích trồng cà chua, rau xanh các loại cung cấp cho thị trường. Không riêng Văn Lang, các xã khác trên địa bàn cũng được huyện khuyến khích tiếp tục trồng rau xanh các loại còn trong khung lịch thời vụ.
Tuy nhiên, khó khăn trong sản xuất vụ đông ở Hạ Hòa còn do hệ thống thủy lợi chưa đảm bảo tưới tiêu chủ động. Ông Nguyễn Trọng Đông ở khu 9 xã Văn Lang cho biết: “Nhìn các khu khác trồng bí, trồng rau có hiệu quả chúng tôi cũng muốn làm cây vụ đông nhưng ruộng sâu trũng, úng nước không thể làm được”.
Để khắc phục khó khăn cho sản xuất vụ đông, Phòng Nông nghiệp phối hợp với Phòng Tài chính, các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND huyện về biện pháp tổ chức thực hiện trong công tác chỉ đạo sản xuất và đôn đốc kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kịp thời, hiệu quả.
Trạm Khuyến nông phối hợp với Đài truyền thanh huyện tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, thường xuyên xây dựng các chuyên mục về kỹ thuật chăm sóc cây trồng; tập huấn chuyển giao TBKT; phối hợp với Công ty cổ phần supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao cung ứng kịp thời cho các xã, thị trấn tham gia chương trình mua phân bón chậm trả phục vụ sản xuất vụ đông.
Trong những ngày này, Trạm BVTV đang tăng cường công tác điều tra, dự tính, dự báo các đối tượng sâu bệnh hại cây trồng kịp thời tham mưu cho UBND huyện để chỉ đạo phòng trừ đạt hiệu quả cao, đảm bảo an toàn cho sản xuất. Trạm Thủy nông và các HTX dịch vụ thủy lợi cung cấp nước tưới cho cây trồng vụ đông.
Thiết nghĩ để nâng cao hiệu quả sản xuất vụ đông ở Hạ Hòa, ngoài giải pháp trên, cần tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ người dân về giống, tiến bộ KHKT; phát triển mạnh chăn nuôi để tiêu thụ sản phẩm trồng trọt; triển khai chính sách liên kết với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ sản phẩm cho người dân; quan tâm đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi nhằm đảm bảo tưới tiêu cho sản xuất vụ đông.
Nguồn bài viết: http://baophutho.vn/kinh-te/nong-lam-nghiep/201411/ha-hoa-khac-phuc-kho-khan-trong-san-xuat-vu-dong-2378226/
Có thể bạn quan tâm

Mô hình nuôi cá trắm đen đã được các hộ trong tỉnh Nam Định đưa vào nuôi thử nghiệm từ năm 2008. Các hộ nuôi thường cho cá trắm đen, chủ yếu đối với loại cá có trọng lượng trên 1 kg ăn ốc bươu vàng và dắt biển. Cá chỉ ăn ruột ốc, ruột dắt biển, còn lại thải ra môi trường nên lượng vỏ ốc, vỏ dắt biển tồn dư trong ao nhiều, dễ gây ô nhiễm môi trường nước, khiến cá chậm lớn và dễ bị nhiễm bệnh. Các hộ nuôi cá trắm đen ở xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) những năm qua đều lao đao vì gần như năm nào cá trắm đen cũng bị dịch bệnh.

Sau những đợt rét đậm kéo dài khiến nhiều hécta caosu bị chết, Hà Giang quyết định tạm dừng triển khai chương trình trồng loại cây này.

Chiều 9.4, ông Đỗ Kim Đồng – Trưởng phòng NNPTNT huyện Đông Hòa (Phú Yên) - cho biết, hiện đã có 80% diện tích trong tổng số 504 ha ao hồ ở hạ lưu sông Bàn Thạch thả nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại.

UBND tỉnh Hải Dương vừa phê duyệt Dự án “Nâng cao hiệu quả kinh tế vùng sản xuất tập trung đối với các cây vải, ổi, na tỉnh Hải Dương giai đoạn 2012-2015”.

Sau Lâm Đồng, TPHCM vừa ký kết thỏa thuận hợp tác sản xuất và tiêu thụ rau quả an toàn với 3 tỉnh Tiền Giang, Long An và Tây Ninh. Đây là 4 địa phương có nguồn cung lớn nhất cho TPHCM, chiếm hơn 50% sản lượng rau quả các tỉnh. Có thể nói, ngành nông nghiệp đã có bước dài trong việc tiến tới kiểm soát chất lượng rau quả trên thị trường TPHCM.