Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hà Giang Tạm Dừng Chương Trình Trồng Cây Caosu

Hà Giang Tạm Dừng Chương Trình Trồng Cây Caosu
Ngày đăng: 18/06/2012

Sau những đợt rét đậm kéo dài khiến nhiều hécta caosu bị chết, Hà Giang quyết định tạm dừng triển khai chương trình trồng loại cây này.

“Tạm dừng triển khai chương trình trồng cây caosu; tập trung chỉ đạo trồng hết số giống cây caosu chịu lạnh IAN 873 do đã được thí điểm trồng và đang phát triển tốt. Thực hiện tốt công tác bảo vệ, quy trình chăm sóc và chế độ theo dõi chặt chẽ, có tính nghiên cứu khoa học đối với diện tích trồng thí điểm, làm cơ sở cho việc tổng kết, đánh giá…”

Đó là quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đối với chương trình trồng cây caosu - một loại cây được coi là cây chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của Hà Giang tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

Trước đó, đợt rét đậm kéo dài cuối năm 2010, đầu năm 2011 làm chết 1.159 ha caosu của Hà Giang được triển khai trồng từ năm 2009, 2010 và một số diện tích trồng thử nghiệm năm 2008 trên địa bàn các huyện Bắc Quang, Quang Bình.

Đây là thiệt hại do thiên tai gây ra đối với sản xuất nông nghiệp của Hà Giang nói chung và đối với chương trình trồng cây caosu nói riêng.

Đầu năm 2008, trong chương trình phát triển kinh tế, tỉnh Hà Giang quyết tâm triển khai trồng cây caosu với mong muốn cây caosu sẽ là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, mở ra hướng làm giàu cho nông dân nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc.

Tháng 7/2008, Hà Giang tiến hành trồng thử nghiệm bảy giống caosu gồm IAN873, RRIC 121, GT1, RRIM 600, LH88/72, RRIV1 và RRIM 712 với diện tích 9,2 ha tại xã Vô Điếm (huyện Bắc Quang) và xã Trung Thành (huyện Vị Xuyên).

Sau một thời gian trồng, hai vườn caosu thực nghiệm phát triển tốt, không sâu bệnh. Đặc biệt là các giống GT1, RRIM 600 thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Hà Giang.

Từ kết quả trồng thử nghiệm, tỉnh Hà Giang xây dựng kế hoạch phát triển 1 vạn ha caosu đến năm 2015.

Qua công tác quy hoạch trên địa bàn 24 xã của ba huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên do Công ty Tư vấn thuộc Tập đoàn Công nghiệp Caosu Việt Nam, kế hoạch phát triển vùng cây caosu của tỉnh Hà Giang được đặt ra: Năm 2009, trồng 1.000 ha; từ năm 2010, mỗi năm trồng 1.500 ha và đến năm 2015 tỉnh Hà Giang có vùng caosu đại điền với quy mô 1 vạn ha.

Nguồn vốn đầu tư trồng 1 vạn ha caosu được đầu tư là 1.500 tỷ đồng. Để thực hiện mục tiêu kế hoạch đặt ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành chuyên môn, các huyện đẩy mạnh công tác trồng cao su.

Trong năm 2009, tại ba huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình mới có gần 600 hộ tham gia góp 1.230 ha đất trồng caosu. Với diện tích đất đó, Công ty Cổ phần Caosu Hà Giang đã khai hoang được 550 ha, trồng được 300/1.000 ha.

Khi chương trình trồng cây caosu đã được đồng thuận của các địa phương và nhân dân, đợt rét đậm rét hại cuối năm 2010 và đầu năm 2011 đã làm chết gần như toàn bộ số cây caosu mà Hà Giang đã trồng.

Cụ thể, năm 2008 Hà Giang trồng 9,2 ha cây caosu thực nghiệm thì đợt rét đậm rét hại đã chết sạch, chỉ còn gần 1 ha; toàn bộ 1.159 ha caosu được trồng trong hai năm 2009 và 2010 cũng chết gần hết.

Trước thiệt hại của cây cao su trong đợt rét đậm rét hại cuối năm 2009, đầu năm 2010 tại một số tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc nằm trong quy hoạch phát triển cây caosu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra và đưa ra khuyến nghị: Vùng Đông Bắc chưa chính thức được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch caosu cả nước.

Trước mắt, các địa phương trong vùng (trong đó có Hà Giang) chỉ phát triển trồng caosu ở quy mô thử nghiệm để rút kinh nghiệm và mở rộng khi được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt quy hoạch bổ sung.

Sau khuyến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời qua kiểm tra thực tế diện tích trồng cây caosu thực hiện từ năm 2008 và diện tích trồng caosu tái canh trên địa bàn ba huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, mới đây Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã quyết định tạm dừng triển khai chương trình trồng cây caosu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang, Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang và ba huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình cần phối hợp tốt trong việc thống nhất triển khai trồng màu trên diện tích khoảng 3.000ha đã bàn giao cho Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang (gồm diện tích đã khai hoang nhưng chưa trồng caosu và diện tích hiện đã trồng); đồng thời có phương án thu mua sản phẩm để đảm bảo thu nhập, ổn định đời sống nhân dân.

Có thể bạn quan tâm

Phát Hiện Những Quả Lạc Tiên Có Hình Thù Kỳ Lạ Phát Hiện Những Quả Lạc Tiên Có Hình Thù Kỳ Lạ

Một người làm vườn ở thành phố San Jose de Ribamar, phía Bắc Brazil mới đây đã phát hiện được những quả lạc tiên hình "cái ấy" của đàn ông trong khu vườn trồng quả để làm rượu

28/04/2011
Thương Lái Trung Quốc Ồ Ạt Gom Nguyên Liệu Thương Lái Trung Quốc Ồ Ạt Gom Nguyên Liệu

Tình trạng thu gom tôm nguyên liệu, kể cả tôm chất lượng thấp, tôm bị bơm tạp chất của thương lái TQ ở ĐBSCL đang khiến nhiều nhà máy chế biến thủy sản lâm vào cảnh thiếu nguyên liệu trầm trọng

28/09/2011
“Đau Lòng” Nhìn Cá Chết Trắng Ở Nghi Sơn “Đau Lòng” Nhìn Cá Chết Trắng Ở Nghi Sơn

Khoảng 20 năm trở lại đây, gần 100 hộ dân ở xã đảo Nghi Sơn ăn nên làm ra nhờ vào nghề nuôi cá lồng. Không chỉ giúp các hộ dân thoát nghèo mà nghề nuôi cá lồng còn góp phần rất lớn vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở xã đảo Nghi Sơn

28/09/2011
Bảo Hiểm Vi Mô Cải Thiện Đời Sống Của Người Nghèo Bảo Hiểm Vi Mô Cải Thiện Đời Sống Của Người Nghèo

Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 44 của ADB, ngày 5 – 6/5 Hội thảo “Vai trò của Khu vực tư nhân trong việc thúc đẩy hội nhập khu vực: Thương mại và Hạ tầng xuyên biên giới” cũng được tổ chức

07/05/2011
Trà Vinh: Tôm Chết Hàng Loạt Do Thả Nuôi Trái Vụ Trà Vinh: Tôm Chết Hàng Loạt Do Thả Nuôi Trái Vụ

Do thả nuôi trái lịch thời vụ, độ mặn trong nước chưa thích hợp nên đã có 106 hộ nuôi tôm ở Trà Vinh với hơn 9,2 triệu con tôm sú bị chết.

06/03/2012