Gừng Được Giá

Đồng bào dân tộc Mông ở các xã Na Ngoi, Huồi Tụ, Nậm Cắn, Tây Sơn… của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đang rất phấn khởi, bởi gừng tươi được giá, lại rất dễ tiêu thụ.
Gừng Kỳ Sơn được trồng ở vùng núi cao, khí hậu lạnh, không sử dụng thuốc BTTV cũng như các loại phân bón hóa học nên chất lượng rất tốt, hàm lượng tinh dầu cao. Gừng trở thành cây xóa đói giảm nghèo ở các xã vùng cao.
Hiện toàn huyện có khoảng 375 ha gừng. Trước đây do đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh nên diện tích gừng lên xuống theo từng năm. Bằng nhiều nỗ lực của các ngành chức năng trong huyện, tỉnh, cộng với "cái tiếng gừng Kỳ Sơn", nên đầu ra củ gừng có nhiều thuận lợi.
Tín hiệu tích cực đầu tiên phải kể là HTX Dịch vụ Nông nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn (có trụ sở tại thị trấn Mường Xén) đã đầu tư thêm nhiều máy móc thiết bị hiện đại phục vụ cho việc chế biến sản phẩm gừng tươi; đồng thời cam kết thu mua với giá cả hợp lý cho bà con. Bên cạnh đó, HTX còn liên kết thành công với các đối tác để xuất khẩu gừng ra nước ngoài.
Thời điểm này đang là cuối vụ thu hoạch gừng cũ, nguồn hàng không dồi dào nhưng gừng tươi loại 1 (bán tại trung tâm thị trấn Mường Xén) vẫn rất đắt, lên đến 35.000 đ/kg, chất lượng xấu hơn giá trên dưới 30.000 đ/kg.
Tuy gừng đang được giá, song quan điểm của huyện Kỳ Sơn là không phát triển ồ ạt, dẫn tới cung vượt cầu thì giá gừng lại rơi vào vết xe đổ như những năm trước đây.
Theo ghi nhận của PV, phải gần 2 tháng nữa, huyện Kỳ Sơn mới bước vào mùa thu hoạch gừng mới, nhưng ngay từ lúc này không khí đã nhộn nhịp lạ thường. Rất nhiều DN, thương lái đã đổ về đây để thống nhất trước giá cả và đặt tiền cọc mua gừng vụ tới.
HTX Dịch vụ Nông nghiệp- Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn đang mua gừng thu hoạch muộn với giá 34.000 đ/kg. Theo nhiều người trồng gừng, với giá này ai còn nhiều gừng bán thì thắng to.
“Gia đình tôi vừa thu hoạch lứa gừng còn sót được chừng nửa tấn, cánh thương lái đến mua ngay tại rẫy, tôi thu tổng cộng gần 15 triệu đồng. Cây gừng đang có giá nhưng không còn mà bán, tiếc lắm chú ạ! Có thể năm tới nhiều khả năng gia đình tôi sẽ mở rộng thêm diện tích trồng gừng”, ông Lầu Tồng Sùa (trú tại bản Tổng Khư, xã Na Ngoi) phấn khởi nói.
Theo ông Nguyễn Văn Luân - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Nông nghiệp- Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn, thời điểm trung tuần tháng 9, cây gừng ở Kỳ Sơn luôn được giá, nhưng ở mức cao như năm nay thì chưa từng có tiền lệ. Nếu không có biến động thì năm nay các hộ trồng gừng sẽ thắng lớn.
Có thể bạn quan tâm

Diễn biến thời tiết bất thường, lũ xuất hiện trái mùa xảy ra cuối tháng 3 vừa qua khiến nông dân dọc vùng sông Vu Gia - Thu Bồn thiệt hại về hoa màu không nhỏ. Chính điều này, buộc ngành trồng trọt phải cơ cấu lại sản xuất, dần bỏ thói quen canh tác theo… kinh nghiệm.

Với ngành nông nghiệp hiện chiếm khoảng 17% trong cơ cấu kinh tế của địa phương, nhưng tác động trực tiếp tới đời sống của gần 70% dân số như Quảng Ngãi thì việc tăng sức cạnh tranh cho ngành nông nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế là hết sức cần thiết.

Sau gần 7 tháng thi công đóng mới, sáng 20.5, hai chiếc tàu vỏ thép của ngư dân Quảng Ngãi đã chính thức về cảng Sa Kỳ trong niềm vui của ngư dân và lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi.

Vụ đông xuân 2014-2015, khi cuối mùa đi đến đâu cũng thấy có nhiều ruộng lúa chín vàng rất đẹp khiến cho nhiều người cứ tưởng đây là vụ lúa được mùa bội thu, nhưng tính ra sản lượng lại không đạt.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là tiền đề quan trọng của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn mà mục tiêu trước mắt là thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Trên cơ sở khảo sát về nhu cầu học nghề của người dân, những năm qua tỉnh đã có kế hoạch đào tạo nghề cụ thể, hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động nông thôn.