Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Gỡ vướng nghề nuôi tôm hùm

Gỡ vướng nghề nuôi tôm hùm
Ngày đăng: 19/08/2015

Sản lượng tăng ít, giá cả bấp bênh

Theo Vụ Nuôi trồng thủy sản, tôm hùm ở nước ta phân bố từ Quảng Bình đến Bình Thuận, nhưng tập trung nhiều nhất tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa. Tôm hùm có giá trị kinh tế cao, hiện nay đang được chú trọng phát triển và chủ yếu được nuôi lồng. Nghề tôm hùm lồng thực sự phát triển từ năm 2000. Đến nay, số lượng lồng nuôi ước tính hơn 53.000 lồng, trong đó Phú Yên có trên 23.627 lồng, Khánh Hòa 28.455 lồng với khoảng 8.000 - 10.000 hộ nuôi, sản lượng đạt khoảng 1.600 tấn/năm, đem lại nguồn thu gần 4.000 tỷ đồng/năm.

Trên thực tế, nghề nuôi tôm hùm từng một thời đem đến cho người dân các vùng biển có cuộc sống ấm no, nhiều “làng tỷ phú” từ nghề tôm hùm. Với những con số như trên, có thể nói Việt Nam là quốc gia hàng đầu trong khu vực về sản xuất tôm hùm. Tuy nhiên, đến thời điểm này các vùng nuôi tôm hùm vẫn chưa có quy hoạch chi tiết, việc quản lý lỏng lẻo.

Tuy có giá trị cao, nhưng thực tế nghề tôm hùm bộc lộ những yếu kém, thiếu bền vững. Cụ thể, đối với nguồn giống tôm hùm hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào đánh bắt tự nhiên, ước tính hàng năm khai thác được từ 7 đến 9 triệu con giống. Năm 2014, do khan hiếm tôm giống, nên mỗi con tôm hùm con có giá lên đến 400.000 - 450.000 đồng, cao gấp 10 - 15 lần trước đây. Dịch bệnh trên tôm tùm vẫn xảy ra thường xuyên, với bệnh lý như đỏ thân, long đầu, bệnh sữa. Ông Phạm Khánh Ly, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) dẫn chứng, ngoài đại dịch năm 2007 khiến 2/3 diện tích tôm hùm bị bệnh thì chỉ tính từ đầu năm 2015 đến nay, tỷ lệ tôm hùm bị bệnh sữa, sữa đỏ chiếm khoảng 25% - 30%, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi. Những dịch bệnh này vẫn chưa giải quyết được gốc rễ. Còn theo ông Nguyễn Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3, năm 2005, sản lượng tôm đạt 1.500 tấn, nhưng 10 năm sau, sản lượng chỉ nhích một chút. Trong khi đó, chi phí nuôi tôm hùm hiện nay đã cao gấp nhiều lần so với 10 năm trước nhưng giá bán có khi thấp hơn.

Cần một chương trình tổng thể

Theo định hướng, đến năm 2020 sản lượng tôm hùm nước ta đạt 2.000 - 2.500 tấn, tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng nếu không giải quyết được những tồn tại hiện nay để nâng cao sức cạnh tranh, thì giá trị và thương hiệu tôm hùm nước ta bị thu hẹp dần. Ông Huỳnh Kim Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Khánh Hòa cho biết, để phát triển tôm hùm bền vững, trước tiên chúng ta cần phải quy hoạch vùng nuôi, tiếp đến là con giống. Bởi hiện nay con giống phục vụ cho người nuôi rất bị động và chưa sản xuất được. Thế nhưng nguồn tôm giống trong nước đang cạn kiệt dần do mất môi trường sống. Tại Khánh Hòa, hiện nay con giống khai thác tự nhiên chỉ đáp ứng được 30% - 40%, còn lại chủ yếu nhập khẩu con giống từ nước ngoài như Singapore, Malaysia. Do vậy mà tôm giống từ chỗ 30.000 - 40.000 đồng/con, nay tăng gấp 10 - 15 lần nên giá tôm hùm thương phẩm bán ra phải cao, dẫn đến khó cạnh tranh và ít thị trường tiêu thụ.

Với nguồn thu 200 triệu USD/năm, nghề tôm hùm đã chứng minh được thế mạnh và thương hiệu, nhưng đến nay vẫn chưa có một chương trình phát triển cụ thể. Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thúy, nguyên cán bộ khoa học Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 cho biết, trong mấy năm qua đã có khá nhiều đề tài nghiên cứu về nuôi tôm hùm, nhưng những nghiên cứu này chỉ dừng ở quy mô nhỏ, nghiên cứu xong rồi thôi. Nhiều kết quả công trình nghiên cứu trước không ai kế thừa, tiếp tục chắp nối nên không phát huy hiệu quả. “Ở Nhật, tuy nghề tôm hùm không mạnh nhưng họ có đến 7 đời nghiên cứu về phát triển tôm hùm. Còn ta, một nước đứng đầu về khai thác tôm hùm nhưng nghiên cứu khoa học mới bước vào thế hệ thứ 3” - Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thúy phân tích thêm.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, nghề tôm hùm Việt Nam đã có tiếng trên thế giới, nhưng những ý kiến tại hội nghị này đưa ra, cho thấy còn có nhiều vấn đề bất cập. Trước mắt, Bộ NN-PTNT giao Tổng cục Thủy sản phối hợp với các đơn vị chuyên trách tháo gỡ những tồn tại bấy lâu nay. Ngoài việc nghiên cứu để áp dụng khoa học vào nuôi tôm, các cơ quan chuyên môn phải nghiên cứu kỹ thị trường đầu ra để khuyến cáo dân có hướng nuôi phù hợp.


Có thể bạn quan tâm

Thấp Thỏm Với Nguồn Giống Cá Tra Thấp Thỏm Với Nguồn Giống Cá Tra

Sau Tết Nguyên đán, giá cá tra nguyên liệu tăng nhẹ khiến nhiều hộ nuôi tại khu vực ĐBSCL phấn khởi khi thả vụ mới. Tuy nhiên, chất lượng con giống vẫn khiến hàng trăm hộ lo lắng.

10/03/2012
Làng Biển Nuôi Cá Nước Ngọt Làng Biển Nuôi Cá Nước Ngọt

Xã Ngư Thủy (Lệ Thủy- Quảng Bình) anh hùng thời chống Mỹ với đội nữ pháo binh cả nước biết đến. Bây giờ, Ngư Thủy được chia thành 3 xã gồm: Ngư Thuỷ Bắc, Ngư Thuỷ Trung và Ngư Thuỷ Nam. Có lẽ cả dải đất ven biển nước Việt, ít có vùng nào lại nuôi cá nước ngọt như ở đây.

13/03/2012
Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Cá Tầm Trên Địa Bàn Huyện Đại Từ Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Cá Tầm Trên Địa Bàn Huyện Đại Từ

Từ nay đến tháng 11-2013, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ được tỉnh Thái Nguyên giao triển khai Dự án “Nhân rộng mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ nuôi cá Tầm” với kinh phí thực hiện là trên 200 triệu đồng, được trích từ nguồn sự nghiệp khoa học của tỉnh. Theo đó, khu vực được lựa chọn để nuôi cá tầm là vùng nước lạnh thuộc các xã nằm ven dãy núi Tam Đảo của huyện.

19/05/2012
Làm Giàu Từ Rau Sạch Ở Hà Nội Làm Giàu Từ Rau Sạch Ở Hà Nội

Từ những năm 2000, khi người tiêu dùng Hà Nội còn "mù mờ" với khái niệm rau an toàn (RAT), nông dân phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai đã bắt đầu làm quen với quy trình sản xuất này. Nghề trồng rau đã làm giàu cho hàng trăm hộ dân.

19/05/2012
Mở Đường Cho Trái Xoài Vào Hàn Quốc Mở Đường Cho Trái Xoài Vào Hàn Quốc

Các cơ quan chức năng của hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đang tiến hành những công đoạn cuối cùng trong khâu thủ tục hành chính để trái xoài Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc.

11/03/2012