Gỡ Khó Cho Việc Phát Triển Cây Cacao Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, ông Nguyễn Văn Hòa, khẳng định nhu cầu của thị trường thế giới đối với hạt cacao là rất lớn và đây là loại cây trồng xen dưới vườn dừa, vườn cây ăn trái bền vững nhất hiện nay.
Tại hội thảo “Bài học kinh nghiệm tại Bến Tre và các giải pháp phát triển cacao bền vững cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức ở Bến Tre ngày 31/7, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Nguyễn Văn Hòa khẳng định nhu cầu của thị trường thế giới đối với hạt cacao là rất lớn và đây là loại cây trồng xen dưới vườn dừa, vườn cây ăn trái bền vững nhất hiện nay.
Tuy nhiên, việc phát triển diện tích cây cacao cũng như các vấn đề thu mua, sơ chế hạt vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Bến Tre là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích cacao. Việc phần lớn cacao tại Bến Tre được trồng xen trong vườn dừa đã giúp nông dân tăng thu nhập gần gấp đôi trên cùng diện tích. Đặc biệt, chất lượng hạt cacao Bến Tre được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn chuyên thu mua, sản xuất chocolate như Cargill, Puratos Grand Place đánh giá cao.
Mặc dù vậy, các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, cacao vẫn là loại cây trồng mới nhưng có nhiều sâu bệnh gây hại; kỹ thuật trồng, chăm sóc, sơ chế hạt khá phức tạp và mới mẻ đối với nông dân; thêm vào đó, cây cacao cũng bị một số loại cây ăn trái khác như bưởi da xanh, cam, chanh… cạnh tranh gay gắt khiến nông dân nản lòng với loại cây này. Ngoài ra, hệ thống thu mua, sơ chế chưa được xây dựng đồng bộ cũng gây ra nhiều khó khăn cho nông dân khiến họ “quay lưng” với cây cacao.
Để phát triển cacao bền vững cho cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, nhiều đại biểu tham gia hội nghị cho rằng, các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ khâu nghiên cứu, tuyển chọn giống cho người trồng, đồng thời, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho nông dân. Đặc biệt, việc phát triển diện tích cacao cần tập trung hơn, mỗi khu vực tối thiểu phải đạt 20ha để thuận lợi cho việc thu mua, sơ chế của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nâng mức thưởng đối với cacao đạt chứng chỉ UTZ - chứng nhận chất lượng tốt bên trong của sản phẩm nông nghiệp để khuyến khích nông dân canh tác theo tiêu chuẩn này.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre, toàn tỉnh hiện có gần 5.000ha cacao, giảm gần một nửa so với năm 2012. Nguyên nhân do giá quá thấp khiến nông dân ồ ạt đốn bỏ cacao vào cuối năm 2012, đầu 2013 để chuyển đổi cây trồng mới như bưởi da xanh, cam, chanh. Hiện toàn tỉnh Bến Tren có 127 điểm thu mua, sơ chế hạt cacao, cơ bản thu mua, sơ chế kịp thời cacao cho nông dân.
Điểm đáng chú ý, một số công ty, tập đoàn lớn như Cargill, Puratos Grand Place, Mars có chủ trương gắn bó lâu dài với địa phương bằng việc xây dựng hệ thống trạm thu mua, sơ chế, trong đó Công ty Puratos Grand Place đã xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy sơ chế hạt cacao với công suất 2.000 tấn hạt/năm.
Có thể bạn quan tâm

Buổi sáng hôm ấy, đuổi theo tầm mắt chúng tôi là màu xanh nối đuôi nhau. Cái màu xanh bàng bạc của keo lá tràm trên 10 năm tuổi đã làm cho trời Phong Bình, Phong Chương, Điền Môn, Điền Lộc, Phong Hải, Thừa Thiên - Huế... dịu hẳn lại. Khi hạ kính để nhoài mình ra không gian một lúc, chừng như tôi nghe mùi của biển trong tiếng sóng vẳng lại từ phía bên kia cánh rừng.

Nhiều năm qua, phong trào nuôi cá lóc mùa lũ ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) thu nhiều kết quả khả quan, được bà con nông dân nhân rộng.

Anh Trần Đình Toàn ở ấp An Định, xã An Bình (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) với mô hình nuôi ba ba thương phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao. Mỗi đợt thu hoạch, anh thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Từ nghèo khó, nhờ con ba ba mà gia đình anh đã vươn lên khá giàu.

Nhiều thương lái ở trong và ngoài tỉnh An Giang đến tận nơi thu mua cá lóc giống với giá dao động từ 320.000 đến gần 400.000 đồng/kg (tăng hơn khoảng 100.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước) để chở đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng Nam Bộ và xuất bán sang thị trường Campuchia.

Chi cục Thủy sản Tiền Giang phối hợp với Chi đoàn Chi cục Thủy sản và UBND xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông vừa tổ chức lớp tập huấn về Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP), có 60 bà con nuôi tôm dự.