Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giúp Nông Dân Tăng Thêm Thu Nhập

Giúp Nông Dân Tăng Thêm Thu Nhập
Ngày đăng: 25/07/2014

Năm 2014 là năm đầu tiên tỉnh phân cấp quản lý dạy nghề nông thôn về cho địa phương, đây là điều kiện thuận lợi để địa phương chủ động trong việc quản lý, dạy nghề cho nông dân nhưng cũng là khó khăn cho địa phương vì chưa có kinh nghiệm trong việc thực hiện.

Trao đổi vấn đề này với cán bộ Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Ia Grai, được biết, trên cơ sở từ chủ trương chung, Phòng đã tham mưu cho huyện xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn 2014.

Trên cơ sở phân bổ chỉ tiêu đào tạo nghề, huyện đã lập kế hoạch nhu cầu đào tạo nghề của người dân ở từng thôn làng, sau đó tổ chức tuyên truyền, dựa trên nhu cầu học nghề của người dân và phối hợp với các đơn vị dạy nghề trên địa bàn tỉnh phối hợp mở lớp.

Với quy trình như vậy, đến thời điểm trung tuần tháng 7-2014, huyện Ia Grai đã mở được 9/19 lớp thuộc hai nhóm nghề: nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Tại lớp học trồng chăm sóc thu hoạch tiêu ở xã Ia Pếch, anh Siu H’Lét, làng Sa Hâu, cho biết: Thời gian gần đây, một số hộ trên địa bàn xã đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng tiêu. Tuy nhiên, kỹ thuật trồng, chăm sóc trên cây tiêu của bà con chỉ là học hỏi những người đi trước. Vì thế, được học nghề là cơ hội tốt cho bà con tiếp cận khoa học kỹ thuật, quy trình trồng và chăm sóc cây tiêu để tiêu đạt chất lượng và cho năng suất cao.

Còn anh Ping, xã Ia Chía tham gia lớp học sửa chữa máy cày công suất nhỏ, tâm sự: Gia đình tôi mới mua được chiếc xe công nông, trước đây chưa tham gia lớp học nghề này nên không nắm được quy trình vận hành máy. Bây giờ được học, khi về làng mình sẽ phát huy và sống được bằng nghề, bởi ở các làng trong vùng có rất nhiều máy nông nghiệp.

Tại xã Ia Dêr, lớp học trồng rau sạch được các thầy, cô trường Cao đẳng nghề Gia Lai dạy cho chị em ngay trên ruộng rau. Theo quan sát của chúng tôi, bà con dân tộc thiểu số xã Ia Dêr rất có ý thức trong việc phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây rau.

Hầu hết ruộng rau của bà con chủ yếu là bón phân bò trộn lẫn trấu, thuốc bảo vệ thực vật dùng rất ít. Chính vì thế, rau của các hộ dân ở xã Ia Dêr khi đem bán ở các chợ ngoại thành Pleiku, như: Chợ Bà Định (đường Nguyễn Trãi), chợ Yên Thế được người dân tin tưởng mua nhiều. Chị Siu Khoát, làng Beng II, cho biết: Nhà mình có 2 ruộng rau chừng khoảng 1 sào, chuyên để trồng rau bán.

Khi được tham gia lớp học trồng rau sạch, mình mới biết là mình làm đúng quy trình. Mình nghĩ, phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây rau không tốt, vừa mua thuốc tốn tiền vừa không có lợi cho sức khỏe. Vì thế, hầu hết ruộng rau của mình đều chỉ rải phân bò và phân đạm để cho cây rau phát triển thôi. Quan trọng kỹ thuật trồng và khâu làm đất sạch thì rau sẽ phát triển, ít bị sâu bệnh.

Huyện Ia Grai xác định, dạy nghề cho người dân là phải gắn với giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho bà con ngay từ những nghề bà con đang làm, nên hầu hết các lớp nghề được mở ra đều đáp ứng với nhu cầu ứng dụng thực tế của bà con. Mỗi vùng, địa phương có lợi thế cây trồng, vật nuôi khác nhau.

Đơn cử như các xã: Ia Hrung và Ia Bă lợi thế thổ nhưỡng tập trung phát triển cây cà phê; Ia Dêr trồng rau sạch; Ia O, Ia Khai trồng, chăm sóc mủ cao su. Và dựa vào những lợi thế thổ nhưỡng về cây trồng như thế, huyện Ia Grai mới phân khai mở các lớp dạy nghề.

Cùng với đó, trên cơ sở đăng ký nhu cầu học nghề của bà con, các cơ sở dạy nghề đã dạy nghề, dạy những vấn đề bà con chưa nắm được để không chỉ giúp bà con nâng cao trình độ tay nghề về những nghề mà bà con đang làm mà còn hướng dẫn bà con cách làm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước khi chưa được học nghề.

Đó cũng là những giải pháp của huyện Ia Grai, giúp nông dân sau khi học nghề không rơi vào cảnh thất nghiệp, ly hương. Theo thống kê hiện toàn huyện Ia Grai có trên 92.000 người, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 47.000 người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 49,6%, tương đương với 42.639 người.

Ở đây, sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm phần lớn, nên đời sống của người dân, nhất là ở 5 xã đặc biệt khó khăn: Ia O, Ia Khai, Ia Chía, Ia Grăng và Ia Krái vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, năm 2014, dự kiến huyện Ia Grai đào tạo cho trên 500 lao động nông thôn và giúp cho các hộ học nghề có được việc làm và thu nhập ổn định.


Có thể bạn quan tâm

Theo Đuổi Giá Trị Của Con Cá Ngừ Theo Đuổi Giá Trị Của Con Cá Ngừ

Khối các quốc gia Bắc Thái Bình Dương có hoạt động khai thác được gọi là PNA, đã đưa ra các biện pháp để duy trì trữ lượng và chia sẻ hạn ngạch khai thác cá ngừ hiện có cho các quốc gia địa phương, chứ không phải là nguồn tài nguyên này được khai thác bởi các quốc gia xa xôi.

08/10/2014
Các Nước Đang Cố Gắng Cắt Giảm Sản Lượng Khai Thác Cá Ngừ Các Nước Đang Cố Gắng Cắt Giảm Sản Lượng Khai Thác Cá Ngừ

Trong việc đấu thầu để giảm sản lượng khai thác các loài cá ngừ quan trọng ở khu vực Trung Tây Thái Bình Dương (cá ngừ vằn, cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to), Tổ chức Diễn đàn Nghề cá Thái Bình Dương (FFA) đang thử nghiệm Đề án Ngày hoạt động của tàu (VDS).

08/10/2014
Bến Tre Nuôi Tôm Càng Xanh Trong Mương Vườn Dừa Đạt Hiệu Quả Bến Tre Nuôi Tôm Càng Xanh Trong Mương Vườn Dừa Đạt Hiệu Quả

Dự án Phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh trong mương vườn dừa, do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bến Tre thực hiện từ tháng 10 - 2012 đến tháng 4 - 2014, với tổng kinh phí gần 1,8 tỷ đồng, trên diện tích 20 ha ở các xã: Định Thủy, Phước Hiệp (huyện Mỏ Cày Nam); Lương Phú, Thuận Điền (huyện Giồng Trôm).

08/10/2014
Thả Con Giống Tái Tạo Nguồn Lợi Thủy Sản Thả Con Giống Tái Tạo Nguồn Lợi Thủy Sản

Sáng 06/10/2014, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng tổ chức Lễ phát động thả giống thủy sản để tái tạo nguồn lợi thủy sản trong Vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ (thuộc quần đảo Long Châu – Thị trấn Cát Bà).

08/10/2014
Huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) Cải Thiện Cuộc Sống Nhờ Nuôi Ếch Huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) Cải Thiện Cuộc Sống Nhờ Nuôi Ếch

Trong những năm trở lại đây, những hộ nghèo, cận nghèo của huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ đã ngày càng được nâng cao về nhận thức trong việc làm kinh tế gia đình, chí thú làm ăn, để từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Trong đó nổi bật là thành công của mô hình tận dụng những diện tích đất hẹp xung quanh nhà để nuôi ếch của nhiều gia đình.

08/10/2014