Giúp Nhà Nông Đưa Máy Xuống Đồng

Với sự hỗ trợ của Hội ND, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên cùng Công ty TNHH Cường Đại, nhiều hộ ND ở Thái Nguyên đã mua được máy cày theo phương thức trả chậm.
Thiếu tiền vẫn có máy cày
Anh Lê Văn Hoàn ở xóm Diện, xã Hồng Tiến, huyện Phổ Yên, cho biết: "Trước đây việc làm đất của gia đình tôi chỉ nhìn vào con trâu. Làm xong ruộng của gia đình, hai vợ chồng thay nhau đi cày bừa thuê cho các gia đình khác nhưng cũng chỉ đủ ăn. Tôi có ý định mua máy cày từ lâu nhưng tích cóp mãi vẫn chưa đủ tiền. Khi biết Công ty TNHH Cường Đại có chương trình giúp ND mua máy cày, tôi mạnh dạn đề xuất và được công ty bán cho một chiếc máy cày BH12 giá 28 triệu đồng. Gia đình tôi chỉ phải trả trước 10 triệu đồng, số tiền còn lại tôi được nợ 6 tháng không phải trả lãi. Có con trâu sắt, vợ chồng tôi làm dịch vụ, chỉ vài vụ sẽ trả hết tiền mua máy".
Anh Đồng Văn Phương ở xã Hồng Tiến (Phổ Yên) là một trong những người đầu tiên mua máy cày khi Công ty Cường Đại có chương trình hỗ trợ ND, chia sẻ: "Tôi là người đầu tiên trong làng mua chiếc máy cày này (năm 2010), giá 25 triệu đồng. Tôi chỉ phải trả 10 triệu đồng, số tiền còn lại được công ty cho nợ, 6 tháng đầu không tính lãi. Vụ đầu tiên có máy cày tôi cày bừa thuê 30 mẫu ruộng, mỗi mẫu được 1,5 triệu đồng, trừ chi phí gia đình tôi thu về 39 triệu đồng. Hai tháng sau khi mua máy tôi có tiền trả hết nợ chiếc máy cày". Bên ngôi nhà 2 tầng mới xây, anh Phương tiết lộ, năm 2012 này, anh sẽ mua thêm chiếc máy tuốt lúa của Công ty và giới thiệu cho người em họ ở xã bên mua cùng.
Theo ông Trần Văn Nguyên- Trưởng ban Kinh tế- xã hội Hội ND tỉnh Thái Nguyên: Năm 2009, khi Công ty TNHH Cường Đại là đại lý phân phối chính thức của Công ty Máy kéo và máy nông nghiệp, Hội ND đã phối hợp với Ngân hàng NNPTNT và Công ty Cường Đại giúp ND mua máy nông nghiệp theo hình thức trả chậm.
Ông giám đốc của nông dân
Nói về lý do cho ND mua máy nợ tiền, anh Cường bảo: “Tôi sinh ra, lớn lên tại xóm Hiệp Đồng, xã Đồng Tiến, huyện Phổ Yên, Bố tôi là liệt sĩ, nhà chỉ có hai mẹ con, học hết lớp 7 rồi phải bỏ học đi làm. Tôi từng bươn chải nhiều nghề kể cả đi làm thuê, nên tôi thấu hiểu cái cảnh vất vả làm ruộng của người dân quê tôi vì không có máy móc". Không chấp nhận số phận, anh Cường vay mượn bạn bè cùng với số tiền mình tích cóp được mở một cửa hàng kinh doanh các mặt hàng sắt, thép, tấm lợp, máy nông nghiệp. Năm 2006 anh thành lập Công ty TNHH Cường Đại chuyên kinh doanh sắt, thép, vật tư, máy nông nghiệp...
Anh Cường cho biết, trong 2 năm 2009- 2010 Công ty phối hợp với Hội ND tỉnh cung ứng 500 máy nông nghiệp các loại chủ yếu là máy cày và máy tuốt lúa cho ND theo hình thức hỗ trợ, lãi suất của Chính phủ.
Năm 2011, Công ty tiếp tục phối hợp với Hội ND hỗ trợ ND mua máy. Cụ thể, với các khách hàng mua máy móc, phương tiện phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản được Công ty cho nợ 50% tiền mua sản phẩm, 6 tháng không phải trả lãi. Anh Cường cho biết, năm 2011 Công ty đã bán 120 máy nông nghiệp cho ND trong huyện theo phương thức này. “Chỉ sau một, hai vụ bà con có đủ tiền để trả cho công ty"- anh Cường khẳng định.
Không chỉ bán máy, Công ty rất quan tâm đến chăm sóc khách hàng, như: Cử cán bộ xuống tận hộ ND kiểm tra máy, hướng dẫn sử dụng, bảo dưỡng máy; nhận con em ND nghèo vào làm. Hiện nay 40 lao động đang làm việc tại Công ty với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Thị Anh, công nhân cơ khí của công ty phấn khởi: "Từ khi vào làm việc tại Công ty Cường Đại tôi đã có thu nhập ổn định...".
Có thể bạn quan tâm

Cây hồ tiêu đã có mặt ở xã Tân Hội, Đức Trọng (Lâm Đồng) hơn 20 năm nay nhưng do giá cả bấp bênh, năng suất, hiệu quả thấp nên cây tiêu ở đây không phát triển được. Đã có lúc người dân phá bỏ cây tiêu để chuyển sang các loại cây trồng khác. Hiện nay, tiêu được giá, cho thu nhập cao nên nhiều hộ dân Tân Hội quay lại đầu tư phát triển vườn tiêu. Những vườn tiêu đang xanh lại trên đất Tân Hội và mở ra triển vọng mới cho người nông dân nơi đây.

Mô hình nuôi tôm càng xanh của anh đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 6 lần so với trồng lúa đã được phổ biến để giúp bà con nông dân chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp tăng thu nhập cho gia đình. Năm 2014, anh được Hội Nông dân tỉnh bình chọn là nông dân tiêu biểu cấp tỉnh, được đề nghị UBND tỉnh tặng thưởng bằng khen.

Nhằm khuyến khích người dân mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) nuôi thử nghiệm mô hình này bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ. Ngày 14/10, ngành chức năng của huyện phối hợp với hộ nuôi tiến hành thu hoạch tôm. Kết quả bước đầu khá thành công.

Tỉnh Đồng Tháp hiện có 90 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cá tra (trong đó có 01 trung tâm giống cấp tỉnh và 05 trại giống cấp huyện), ngoài ra còn có khoảng 2.000 hộ ương giống. Hằng năm cung cấp hơn 2 tỷ con cá tra giống, khiến Đồng Tháp trở thành một trong những địa điểm cung cấp giống cá tra hàng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tổng diện tích mặt nước có tiềm năng nuôi trồng thủy sản (NTTS) của toàn TP là hơn 30.800ha, chưa kể mặt nước của các con sông. Thực hiện Chương trình phát triển NTTS, hàng năm, TP đầu tư từ 15 - 20 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển vùng NTTS tập trung, đảm bảo môi trường, dịch bệnh và ATTP như xây dựng hạ tầng, cung cấp thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học. Đến nay, toàn TP có trên 200 vùng nuôi có quy mô diện tích từ 30 - 200ha và hàng ngàn trang trại NTTS.