Giúp Hội Viên Phát Triển Kinh Tế

Nhằm giúp các hội viên nông dân khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương, nhiều năm qua, Hội Nông dân xã Phúc Ninh (Yên Sơn) đã tạo điều kiện cho các hội viên tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng, đồng thời xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình kinh tế hiệu quả..
Những năm trước, gia đình hội viên nông dân Nguyễn Văn Giàu, thôn Ao Dăm cũng như những gia đình hội viên nông dân trong xã gặp nhiều khó khăn, vất vả. Anh Giàu chia sẻ, anh đã tìm tòi và học hỏi nhiều nơi về các mô hình chăn nuôi và trồng trọt có hiệu quả cùng với các kiến thức đã tiếp thu được qua các lớp tập huấn của Hội Nông dân xã áp dụng vào mô hình kinh tế của gia đình. Gia đình anh có diện tích đất đồi và soi bãi rộng lớn hơn 10 ha rất thích hợp để trồng cây ăn quả được anh đầu tư trồng hàng trăm gốc bưởi diễn, quýt đường, thanh long ruột đỏ…
Do được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, diện tích cây ăn quả của gia đình anh phát triển tốt. Hiện nay, gia đình anh có 1.800 cây bưởi diễn, 600 gốc thanh long ruột đỏ và 1.600 cây quýt đường đang cho thu hoạch. Mỗi năm, tổng thu nhập từ các loại cây ăn quả của gia đình anh Giàu từ 700 - 800 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động tại địa phương để chăm sóc cây.
Ông Nguyễn Doanh Tuân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Ninh cho biết: Hiện nay, Hội Nông dân xã Phúc Ninh có trên 730 hội viên sinh hoạt ở 16 chi hội. Trong nhiều năm qua, các chi hội nông dân của xã đã thực hiện nhiều biện pháp thiết thực, cụ thể tuyên truyền, vận động hội viên phát huy tinh thần đoàn kết, ra sức thi đua lao động sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế, góp phần xây dựng hội ngày càng vững mạnh.
Nhiều hội viên nông dân xã Phúc Ninh đã có được cuộc sống ổn định và vươn lên làm giàu chính đáng. Trong đó, nhiều hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi từ cấp xã đến cấp tỉnh, điển hình như hộ chị Đỗ Thị Tươi, các anh: Trần Huy Quang, Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Văn Giàu…
Hội Nông dân xã đã tổ chức các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên; khuyến khích hội viên đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Các chi hội xây dựng quỹ giúp đỡ hội viên vay phát triển kinh tế. Hội nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 125 hộ vay vốn phát triển kinh tế, nâng tổng số dư nợ của hội lên trên 1.748 tỷ đồng. Từ sự hỗ trợ của hội, sự đoàn kết giúp đỡ giữa các hội viên với nhau, số hộ hội viên khá và giàu đạt trên 70%.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Phúc Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên hưởng ứng các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo làm giàu chính đáng và đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Vụ hè thu năm 2014, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hải Dương triển khai thực hiện mô hình sản xuất cà chua an toàn (VietGAP) thuộc đề tài khoa học “Xây dựng mô hình sản xuất rau quả tươi an toàn theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm”.

Theo số liệu từ trung tuần tháng 10 đến nay, nông dân trong thị xã đã xuống trên 100 ha hành tím sớm, rải rác ở một số địa phương như phường 2, Vĩnh Hải, Vĩnh Phước, Lai Hòa; trong đó, Vĩnh Phước xuống giống nhiều nhất trên 80 ha. Ngoài các địa phương nói trên thì một số hộ xuống giống vào cuối tháng 9/2014, đến nay hành đã gần 1 tháng tuổi, với hi vọng hành bán được giá cao khi thu hoạch.

Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tuy An (Phú Yên) cho biết, hiện rệp sáp bột hồng gây hại trên cây sắn trồng ở niên vụ 2014 - 2015 tiếp tục diễn ra. Qua kiểm tra thực tế, đơn vị này đã phát hiện rệp sáp bột hồng gây hại 20ha sắn trồng tại các xã An Hòa, An Nghiệp, An Xuân, tỉ lệ gây hại từ 20% đến 50%.

Đứng trước ruộng sắn nước xanh um lá, anh Nguyễn Minh Tuấn (thôn Trung Hiệp 2, xã Cam Hiệp Bắc) cho biết, ruộng sắn nước nhà anh trông khá đẹp, nhưng khi nhổ thử thì củ quá nhỏ, năng suất ước 2,5 tấn/sào nên người mua chỉ trả giá 3 triệu đồng/sào. Với chi phí 5 triệu đồng/sào, anh lỗ khoảng chục triệu đồng.

Ngoài bán quả sa nhân, thời gian qua, nông dân xã Phìn Ngan còn có thêm thu nhập từ bán cây sa nhân giống cho nhân dân các xã trên địa bàn huyện Bát Xát và một số huyện khác của tỉnh. Thậm chí, nông dân tỉnh khác cũng đến Phìn Ngan tìm mua cây sa nhân tím về trồng. Giá mỗi cây giống từ 3.000 - 5000 đồng. Tuy chưa có thống kê đầy đủ, nhưng ước tính, tiền bán cây sa nhân giống của nông dân xã Phìn Ngan năm nay đạt trên 400 triệu đồng.