Giúp Hội Viên Phát Triển Kinh Tế

Nhằm giúp các hội viên nông dân khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương, nhiều năm qua, Hội Nông dân xã Phúc Ninh (Yên Sơn) đã tạo điều kiện cho các hội viên tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng, đồng thời xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình kinh tế hiệu quả..
Những năm trước, gia đình hội viên nông dân Nguyễn Văn Giàu, thôn Ao Dăm cũng như những gia đình hội viên nông dân trong xã gặp nhiều khó khăn, vất vả. Anh Giàu chia sẻ, anh đã tìm tòi và học hỏi nhiều nơi về các mô hình chăn nuôi và trồng trọt có hiệu quả cùng với các kiến thức đã tiếp thu được qua các lớp tập huấn của Hội Nông dân xã áp dụng vào mô hình kinh tế của gia đình. Gia đình anh có diện tích đất đồi và soi bãi rộng lớn hơn 10 ha rất thích hợp để trồng cây ăn quả được anh đầu tư trồng hàng trăm gốc bưởi diễn, quýt đường, thanh long ruột đỏ…
Do được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, diện tích cây ăn quả của gia đình anh phát triển tốt. Hiện nay, gia đình anh có 1.800 cây bưởi diễn, 600 gốc thanh long ruột đỏ và 1.600 cây quýt đường đang cho thu hoạch. Mỗi năm, tổng thu nhập từ các loại cây ăn quả của gia đình anh Giàu từ 700 - 800 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động tại địa phương để chăm sóc cây.
Ông Nguyễn Doanh Tuân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Ninh cho biết: Hiện nay, Hội Nông dân xã Phúc Ninh có trên 730 hội viên sinh hoạt ở 16 chi hội. Trong nhiều năm qua, các chi hội nông dân của xã đã thực hiện nhiều biện pháp thiết thực, cụ thể tuyên truyền, vận động hội viên phát huy tinh thần đoàn kết, ra sức thi đua lao động sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế, góp phần xây dựng hội ngày càng vững mạnh.
Nhiều hội viên nông dân xã Phúc Ninh đã có được cuộc sống ổn định và vươn lên làm giàu chính đáng. Trong đó, nhiều hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi từ cấp xã đến cấp tỉnh, điển hình như hộ chị Đỗ Thị Tươi, các anh: Trần Huy Quang, Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Văn Giàu…
Hội Nông dân xã đã tổ chức các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên; khuyến khích hội viên đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Các chi hội xây dựng quỹ giúp đỡ hội viên vay phát triển kinh tế. Hội nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 125 hộ vay vốn phát triển kinh tế, nâng tổng số dư nợ của hội lên trên 1.748 tỷ đồng. Từ sự hỗ trợ của hội, sự đoàn kết giúp đỡ giữa các hội viên với nhau, số hộ hội viên khá và giàu đạt trên 70%.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Phúc Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên hưởng ứng các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo làm giàu chính đáng và đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Trước việc một số diện tích lúa ĐX cấy giống BC15 bị hiện tượng lép hạt, gây thiệt hại đáng kể cho một số tỉnh phía Bắc, ngày 21/5, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã có cuộc họp cùng các nhà khoa học và các địa phương tìm rõ nguyên nhân và bàn các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho nông dân thiệt hại.

Xu thế gần đây khá nhiều hộ chăn nuôi gà thịt lựa chọn phương thức chăn nuôi gà theo hướng thả vườn bởi thực tế cách chăn nuôi trên có nhiều ưu điểm và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Trong những năm gần đây, nhờ sự giúp đỡ của các ban ngành, đặc biệt là ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên, nhiều hộ nông dân ở xã Thanh Chăn huyện Điện Biên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tập trung đầu tư phát triển kinh tế trang trại vườn rừng, xóa được đói nghèo từng bước vươn lên làm giàu.

Ếch Thái Lan dễ nuôi, nông dân có thể tận dụng diện tích mặt nước của ao, hồ hoặc những khoảng đất trống trong vườn để đầu tư nuôi ếch theo phương pháp công nghiệp, tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, do giá cả thức ăn ngày càng tăng cao, trong khi giá ếch thương phẩm bán vào vụ thuận không cao nên nông dân thu lãi ít, thậm chí thua lỗ. Điều này đã làm cho nhiều hộ nông dân từ bỏ việc nuôi ếch.

Mong muốn làm kinh tế tại quê hương, nên ngay khi địa phương có chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại, gia đình chị Phạm Thị Loan (xã Ngô Quyền, Tiên Lữ) đã hăng hái tham gia. Từ khoảng 2 mẫu đất ruộng, gia đình chị Loan đã cải tạo thành vườn, ao và một số dãy chuồng trại chăn nuôi.