Giồng Trôm (Bến Tre) Chú Trọng Cây Chanh Trong Tái Cơ Cấu Ngành Nông Nghiệp

Giồng Trôm (Bến Tre) luôn chú trọng phát triển mạnh các loại cây có múi, tạo thương hiệu cho chanh Lương Quới, quýt đường Long Mỹ…
Theo ông Lê Vĩnh Bình - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, trong việc triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với các loại cây đặc sản các địa phương cần phải tính đến điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng của từng vùng khác nhau để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt và bền vững với giá trị gia tăng. Xét trên điều kiện tự nhiên ấy, Giồng Trôm và Chợ Lách đang có những bước đi đúng hướng, phù hợp với lợi thế của địa phương.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Trôm cho biết: Tổng diện tích đất trồng cây ăn trái năm 2014 của huyện gần 5 ngàn héc-ta, tăng 525 héc-ta so với năm 2013 (trong đó, diện tích trồng chuyên hơn 3 ngàn héc-ta, trồng xen hơn 1,5 ngàn héc-ta, diện tích đang cho trái gần hơn 4 ngàn héc-ta). Chanh, cam, bưởi da xanh, quýt… phát triển theo hướng chuyên canh, nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng.
Với chức năng chuyên môn, Phòng cũng đã xây dựng nhiều mô hình vườn cây ăn trái vận hành theo hướng GAP tại 3 xã trọng điểm Lương Quới, Lương Hòa và Bình Hòa; chủ yếu là bưởi da xanh. Tuy nhiên, hiện nay, bà con nhà vườn đang phát triển mạnh diện tích trồng chanh.
Trong 525 héc-ta cây có múi tăng trong năm 2014, phần lớn là chanh, được trồng tại các xã như Bình Hòa, Châu Bình, Châu Hòa, Phong Nẫm, Lương Quới, vì trong những năm gần đây, giá chanh rất ổn định. Hiện tại, vụ chanh đang vào mùa thuận nhưng giá vẫn còn ở mức 6 - 8 ngàn đồng/kg (vào thời điểm này, vài năm về trước, giá chanh có lúc chỉ 1 - 1,5 ngàn đồng/kg). Tháng 2 và tháng 3 là thời điểm nghịch vụ, chanh có giá trên 30 ngàn đồng/kg. Chanh là cây trồng chính của nhà vườn trong huyện, bởi từ lâu, Giồng Trôm có thương hiệu chanh Lương Quới xuất đi khắp các tỉnh, thành cả nước.
Theo ông Phạm Thanh Nhàn - Phó Chủ tịch UBND xã Lương Quới, diện tích trồng cây ăn trái của xã hơn 500 héc-ta, trong đó phần lớn là diện tích trồng chanh. Riêng năm 2014, nhiều diện tích lúa kém hiệu quả, một số ruộng lúa xen trong vườn cây ăn trái cũng được bà con chuyển sang trồng chanh.
Chợ chanh Lương Quới không xây dựng thành chợ đầu mối, thu mua tập trung vì phần lớn chủ vựa, cơ sở đều có mặt bằng riêng. Mặt khác, do đường giao thông nông thôn hiện nay rất thuận lợi, thương lái đến tận vườn thu mua rồi chuyển lên xe tải xuất đi các tỉnh trong khu vực. Chợ chanh Lương Quới có tiếng vì nơi đây thuận lợi cả đường bộ lẫn đường thủy để tập kết chanh rồi xuất bán đi khắp nơi.
Hiện nay, Giồng Trôm vẫn xác định trong phát triển kinh tế vườn thì cây có múi giữ vai trò chủ yếu, trong đó cây chanh là chủ lực vì đã có thương hiệu từ lâu.
Theo kết quả khảo sát của HĐND tỉnh, trong việc triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nhiều địa phương còn lúng túng, chỉ dừng lại ở việc phát triển theo hướng lợi thế cây, con của địa phương mình. Dù vậy, những bước đi này cũng là tiền đề để hướng đến hoàn thành mục tiêu của Đề án.
Có thể bạn quan tâm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết những mô hình ứng dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) thành công đều có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, có vai trò của doanh nghiệp hoặc nhà nước hỗ trợ chứng nhận và tiêu thụ sản phẩm.

Đến thời điểm này, những hộ nông dân trồng củ sắn (củ đậu) ở 4 ấp thuộc xã An Thạnh Đông (huyện Cù Lao Dung - Sóc Trăng) đạt lợi nhuận gần 50 triệu đồng/công sau khi trừ chi phí. Đây được xem là “mùa vàng” với người trồng củ sắn ở xã An Thạnh Đông khi giá bán đạt... “kỷ lục” 7.000 đồng/kg!

Người nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu (Phú Yên) cho biết, hiện giá tôm hùm thương phẩm xuống thấp, chỉ còn 1,2 triệu đồng/kg, giảm 200.000 đồng/kg so với đầu tháng 3 và giảm 600.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm 2015. Giá tôm xuống thấp khiến người nuôi hòa vốn hoặc lãi ít sau gần 2 năm nuôi.

Hướng tới việc khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao và bền vững, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đề ra nhiệm vụ tổ chức lại sản xuất trên biển, đồng thời thực hiện chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020.

Nghề nuôi cá nước chảy có ở hầu khắp các xã huyện Bình Liêu (Quảng Ninh), nhưng chỉ mang tính nhỏ lẻ, mỗi xã lác đác có khoảng chục hộ nuôi. Ở xã Tình Húc nghề nuôi cá nước chảy phát triển quy mô hơn bởi ở đây có nhiều đồi sườn dốc thoai thoải, có khe nước chảy qua thích hợp với nghề nuôi cá nước chảy.