Giống nhãn đặc sản ở Tân Chính

Thay vì cây vải thiều đang hiện diện ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tân Yên, tại xã Đại Hóa, cây nhãn có vai trò chủ đạo. Nhãn được trồng ở khắp nơi: ven đường làng, trên vườn bãi, ngoài đồng… Nhãn ở Đại Hóa nhiều, nhưng nhiều nhất, lâu đời nhất và ngon có tiếng là ở làng Tân Chính, hay còn gọi là làng Nhãn.
Nhãn Tân Chính đang vào mùa hoa, thoảng trong gió là hương nhãn. Trên các ngọn cây, bày ong mật tất bật lượn đi lượn lại như đang giăng một tấm lưới vô hình, cảnh quê rộn trong tiếng ong bay. Ông Vương Đăng Chính- một trong những hộ có nhiều gốc nhãn 60 – 70 năm tuổi cho biết: Tân Chính có 70 hộ, hầu như nhà nào cũng trồng nhãn. Loại từ 50 tuổi trở lên có khoảng 400 cây, còn ít năm hơn thì cũng chưa ai tính đếm, nên cứ vào mùa hoa, thợ ong các nơi lại đưa ong về đây.
Hơn 100 năm trước ông Cử Phách là người đã đưa giống nhãn lồng từ Hưng Yên về trồng thành đồi, dân gian giờ vẫn gọi đồi ông Cử Phách. Tại đây, vẫn còn những cây nhãn trên 100 năm, gốc xù xì, rễ cuộn nổi trên mặt đất. Từ những cây nhãn đầu tiên này, nhãn lan dần sang các chòm dân cư. Đất đai khí hậu vùng quê này dường như phù hợp với cây nhãn nên đã nâng tầm giống nhãn Hưng Yên trở thành sản phẩm đặc trưng riêng có của Tân Chính, nhãn có vị ngọt, hương thơm.
Đưa tôi đi thăm các vườn nhãn, ông Chính giới thiệu ở đây đều là những cây nhãn vài chục năm tuổi, được người dân tuyển chọn và để lại. Số không ngon, hầu như đã chặt, hoặc đốn cành để ghép lại. Nhưng đây đều chưa phải giống nhãn đặc trưng để Tân Chính tự hào.
Chúng tôi đến đồi nhãn ông Cử Phách, cụ Đỗ Mạnh Dương - hậu nhân của ông Cử Phách dẫn chúng tôi đến bên những gốc nhãn cổ. Từ những gốc nhãn này sau đó nó phân chia làm hai dòng nhãn riêng biệt. Giống nhãn quả khá to, ngọt, hương thơm nhưng hạt to giờ đang rất phổ biến tại Đại Hóa. Vào vụ, giá bán 10 - 12 nghìn đồng/kg. Tại Tân Chính không hiếm cây nhãn loại này mỗi năm cho từ 8 tạ đến 1 tấn quả.
Còn một dòng nhãn khác, quả nhỏ hơn, chỉ chừng đầu ngón tay cái người lớn, hạt nhỏ như hạt thóc, nhăn nheo hoặc không có hạt - đây là loại nhãn đặc sản làm nên tên tuổi của làng nhãn Tân Chính. Cây gốc năm nay chừng 80 tuổi, xưa nằm trong đồi nhãn nhà ông Cử Phách, sau khi hoà bình lập lại, đã được chia cho các hộ dân và cây nhãn này giờ thuộc về gia đình bà Vương Thị Bắc.
Vì nó nằm cạnh ngôi miếu nhỏ nên thường được người dân ở đây gọi Nhãn Miếu, hoặc nhãn điếc vì không có hạt. Hơn 10 năm trước, gia đình bà Bắc chiết 40 cành để nhân giống, tuy nhiên chỉ dăm cành có rễ, các cây này được trồng ở thôn Đồi Thông, xã Đại Hóa, xã Tiến Thắng (huyện Yên Thế) và trong vườn ông Dương cũng có một cây.
Bà Đỗ Thị May, vợ ông Dương kể: Cây chiết vẫn cho quả hệt như cây mẹ. Mang đi bán tại xã Hoàng Thanh (Hiệp Hoà), ban đầu nhiều người cho là nhãn cỏ, nhưng khi bóc ra, cùi nhãn dầy, trắng, đưa lên miệng đã cảm nhận được vị ngọn, thơm ngát, hạt bé tẹo. Thấy vậy mọi người xô vào mua, có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu. Chỉ tiếc là không có nhiều để bán.
Đất đai, khí hậu ở Đại Hóa phù hợp với cây nhãn và cây nhãn được người dân địa phương coi trọng. Vấn đề chính, đó là phải nhân được giống nhãn đặc sản của Tân Chính. Biết vậy, UBND huyện Tân Yên giao cho phòng NN và PTNT lưu tâm bảo tồn và nhân rộng.
Có thể bạn quan tâm

Để nâng cao hiệu quả giám sát 3 dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc gia cầm là lợn tai xanh, dịch lở mồm long móng, cúm gia cầm, hiện nay Cục Thú y đang lấy ý kiến xây dựng Dự thảo về báo cáo thu thập thông tin về dịch bệnh gia súc gia cầm.

Hiện nay đang vào đầu mùa mưa, chính là thời điểm sinh sản duy trì nòi giống của các loại thuỷ sản, trong đó có nguồn cá đồng. Tuy mới bắt đầu mùa sinh sản, cá còn rất nhỏ nhưng đã xuất hiện nhiều hình thức bắt cá non, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì nguồn lợi cá đồng sẽ cạn kiệt nhanh.

Những năm gần đây, nhiều hộ dân tại xã Sơn Bình (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) đã đầu tư trồng cây chôm chôm Thái. Với đặc tính dễ trồng, ít sâu bệnh, cây chôm chôm Thái đang trở thành một giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Mùa trồng mới cao su năm 2013 đã bắt đầu. Để hoàn thành kế hoạch trồng mới 870ha (trong đó, diện tích trồng tái canh 300ha), Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về giống, phân bón cũng như nguồn lao động để đáp ứng công tác trồng mới đảm bảo kỹ thuật, tiến độ mùa vụ…

Nuôi tôm nước lợ tại Quảng Nam gặp khó là chuyện… biết rồi, khổ lắm nói mãi. Theo ngành chức năng, ưu tiên chất lượng con giống trong việc chuyển đổi đối tượng nuôi là điều cần thiết hiện nay.