Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giống Lúa Chịu Hạn, Chống Rét

Giống Lúa Chịu Hạn, Chống Rét
Ngày đăng: 02/04/2013

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có một diện tích đất trồng lúa dựa vào nguồn nước trời và thực tế thu hoạch khá bấp bênh. Giống lúa P6 đột biến bén duyên với mảnh đất Quảng Nam bước đầu đem lại tín hiệu khả quan cho người nông dân.

Đây là giống lúa do tiến sĩ Hà Văn Nhân - Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa thuần (Viện Cây lương thực - thực phẩm Việt Nam) chọn tạo, được trồng thí điểm tại thôn An Tây (xã Quế Thọ, Hiệp Đức). Qua khảo sát thực địa, huyện Hiệp Đức chọn các cánh đồng Bàu và Hố Chuối để trồng thử nghiệm. Nông dân Nguyễn Việt Hùng (tổ 1, thôn An Tây) cho biết: “Vì những cánh đồng trên này không có nước tưới nên lâu nay trồng cây lúa lúc được ít, lúc trắng tay.

Được chính quyền địa phương khuyến khích trồng giống lúa mới chịu được hạn, chúng tôi phấn khởi tham gia trồng thử nghiệm”. Theo đó, cùng thời vụ sản xuất giống lúa thử nghiệm, nhóm hộ nông dân thôn An Tây dành một phần diện tích ruộng gieo sạ các giống lúa khác như Xi 23, X 21, BC 15… để theo dõi và đối sánh. Với giống P6 đột biến, nông dân được hướng dẫn dùng thuốc cruiser ủ giống từ đầu để tránh bị bọ trĩ gây hại cho lúa non và áp dụng phương pháp sạ hàng với mật độ 3 kg/sào.

Với giống lúa P6, những cánh đồng nước trời xơ xác, trơ trụi trước đây ở An Tây được “thay áo” bởi những bông lúa chắc nịch. Lão nông Trần Văn Lãm (tổ 3, thôn An Tây) không giấu được niềm vui: “Với giống lúa mới này, đám ruộng gần 1,5 sào tôi gặt được hơn 3 tạ thóc. Mấy năm trước trồng đủ thứ giống mà thu hoạch cứ lẹt xẹt, chủ yếu cắt về cho trâu, bò”. Thống kê năng suất qua vụ đông xuân này, giống lúa P6 đột biến đạt trung bình 45 tạ/ha. Riêng các hộ Cao Văn Hai, Trần Thị Đề (thôn An Tây), Nguyễn Văn Xuân (thôn Phú Cốc Tây) vừa thu hoạch cách đây vài ngày cho năng suất 50 - 60 tạ/ha.

Tốt hơn hẳn những giống lúa trước đây, đặc biệt là khả năng “chịu hạn, chống rét”, P6 đột biến góp phần tạo niềm tin cho nông dân xã Quế Thọ nói riêng và huyện Hiệp Đức nói chung. Người nông dân hoàn toàn yên tâm sản xuất giống lúa này trên những cánh đồng nghèo chất dinh dưỡng, không chủ động nguồn nước tưới. Đây là giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn (85 ngày trong vụ hè thu; 95 ngày trong vụ đông xuân), ít sâu bệnh. Chất lượng gạo tốt, ngon cơm, rất phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hiện nay.

Ông Huỳnh Năm - Trưởng phòng NN&PTNN Hiệp Đức nói: “Qua quá trình nghiệm thu, tổng kết, chúng tôi đánh giá cao giống lúa này. Năng suất rất ổn định, tạo điều kiện để nông dân tăng thêm sản lượng thu hoạch”. Còn ông Nguyễn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức bày tỏ: “Giống lúa P6 đột biến chịu hạn rất cao, giảm phân bón, chi phí thấp. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục nhân rộng mô hình, chuyển giao cho nông dân trồng trên khoảng 900ha”.


Có thể bạn quan tâm

Giá Heo Tăng, Nông Dân Tăng Đàn Giá Heo Tăng, Nông Dân Tăng Đàn

Thời gian gần đây, do sợ dịch cúm gia cầm, người tiêu dùng đã chuyển từ ăn thịt gà sang thịt heo. Nhờ đó giá heo tăng cao, nông dân phấn khởi tái đàn.

19/03/2014
Mùa Thuốc Cá Mùa Thuốc Cá

Đã thành thông lệ, cứ thu hoạch xong vụ lúa là nông dân làm theo mô hình lúa - tôm ở ĐBSCL lại tiến hành thuốc cá, tạo “môi trường sạch” để thả nuôi vụ tôm mới.

22/02/2014
Tồn Kho Phân Ure Tăng Cao Tồn Kho Phân Ure Tăng Cao

Doanh nghiệp phân bón trong nước đang chịu áp lực lớn từ lượng phân bón giá rẻ của Trung Quốc được nhập khẩu. Riêng phân ure, lượng tồn kho cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

19/03/2014
Cá Tra Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long Tăng Giá Vừa Mừng, Vừa Lo Cá Tra Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long Tăng Giá Vừa Mừng, Vừa Lo

Sau thời gian dài rớt giá thê thảm thì những ngày gần đây giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL tăng liên tục theo chiều hướng có lợi cho người nuôi. Cá tăng đã giúp nông dân các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, TP Cần Thơ… bắt đầu có lợi nhuận. Tuy nhiên, kèm theo đó là nỗi lo khi nhiều hộ ùn ùn thả nuôi cá tra trở lại sẽ dẫn đến thừa nguyên liệu, nguy cơ giá rớt xảy ra.

19/03/2014
Người Nuôi Tôm Trước Nỗi Lo Thiếu Điện Người Nuôi Tôm Trước Nỗi Lo Thiếu Điện

Thời gian gần đây, diện tích nuôi tôm công nghiệp ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) không ngừng tăng lên. Đặc biệt là bước sang những tháng đầu năm 2014, diện tích ao đầm nuôi tôm công nghiệp của huyện tăng hơn 50% (khoảng 153 ha) so với năm 2013, nâng tổng số hiện nay toàn huyện có hơn 435 ha.

22/02/2014