Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giống bơ ghép cháy hàng

Giống bơ ghép cháy hàng
Ngày đăng: 05/09/2015

Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng chuẩn bị bơ giống cho niên vụ 2016

“Sốt” giống bơ ghép đầu dòng!

Hiện nay, tại Lâm Đồng đang có nhiều giống bơ ghép đầu dòng cho năng suất, chất lượng tốt và mang lại hiệu quả cao cho người nông dân. Những năm gần đây, nhu cầu trồng bơ không ngừng tăng lên, tạo thành một “cơn sốt” cây giống. Sau nhiều ngày đến các trung tâm và cơ sở sản xuất giống bơ ghép đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) công nhận là cây đầu dòng tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm thì hầu hết đều thông báo là hết hàng để bán.

Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng (51 Hà Giang, TP Bảo Lộc) là địa chỉ tin cậy số 1 của bà con nông dân. Ngoài việc sản xuất các loại giống chè, cà phê, sầu riêng…, thì bơ ghép cũng là cây giống đang được Trung tâm chú trọng sản xuất. Ông Trần Minh Điện, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Trung tâm đang sở hữu một vườn bơ đầu dòng có diện tích hơn 2 sào với 21 dòng bơ đã được Sở NN - PTNT Lâm Đồng công nhận là cây đầu dòng, chuyên lấy chồi sản xuất giống”.

Cũng theo ông Điện, Trung tâm có các giống bơ ghép như BLĐ/004, BLĐ/005, BLĐ/007, BLĐ/011, BLĐ/018, BLĐ/033, CĐD.BO.43.01 (cây bơ 36),CĐD.BO.43.02 (cây bơ 34)... đã và đang được người dân lựa chọn trồng nhiều nhất. Từ năm 2014 trở về trước, trung bình mỗi năm, Trung tâm sản xuất từ 14 - 16 ngàn cây bơ giống và giá bán cũng chỉ ở mức từ 35 - 40 ngàn đồng/cây.

Riêng năm nay, con số đó đã tăng lên 22 ngàn cây và giá bán đạt tới mức từ 45 - 60 ngàn đồng/cây. Do giống bơ ghép đang “sốt”, nên chỉ trong vòng hơn 1 tháng (từ đầu tháng 6 đến đầu tháng 7), Trung tâm đã xuất bán hết.

Tại huyện Bảo Lâm, Trang trại cây giống Trung Hiếu (đóng tại thôn Tiền Yên, xã Lộc Đức) cũng là một địa chỉ sản xuất giống bơ có uy tín. Ông Nguyễn Đăng Trung, Chủ Trang trại Trung Hiếu, cho biết: Hiện nay, trang trại của ông đang có 2.500 cây bơ trồng xen với 10ha cà phê và đã cho thu hoạch; trong đó, có 3 giống bơ ghép BLD/05, BLD/034 và BLD/036 được Sở NN - PTNT công nhận cây bơ đầu dòng để sản xuất giống.

Năm nay, trang trại của ông đã sản xuất được khoảng 60 ngàn cây bơ giống, nhưng đã bán hết ngay từ đầu mùa mưa với giá từ 40 - 50 ngàn đồng/cây.

Theo kế hoạch, trong mùa mưa năm 2016, Trang trại Trung Hiếu sẽ sản xuất khoảng 100 ngàn cây bơ giống để cung cấp cho người dân. Tương tự, tại các cơ sở sản xuất giống bơ đã được Sở NN - PTNT công nhận cây bơ đầu dòng, như: Hòa Linh (phường Lộc Phát), Xuân Bách (phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc), Bùi Văn Chính (thôn 12, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm) và Cơ sở cây giống Trung Thành (xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm)… đều đã bán hết giống bơ ghép từ cuối tháng 7 vừa qua.

Mối lo giống bơ ghép không rõ nguồn gốc!

Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù tại các cơ sở sản xuất giống bơ có uy tín tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm đã hết cây giống để bán, nhưng nhu cầu của người dân thì vẫn còn rất lớn.

Nắm bắt được điều này, nhiều cơ sở sản xuất giống tư nhân đã vận chuyển cây bơ giống từ các tỉnh miền Tây, như: Sóc Trăng, Tiền Giang, Bến Tre… về bán cho người dân tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, nhưng hầu hết chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận là cây đầu dòng. Chính vì thế, chất lượng bơ giống như thế nào đang là câu hỏi đặt ra đối với cơ quan chức năng và người dân địa phương.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, tại một số cơ sở kinh doanh cây giống tư nhân, như: Phố Hoa, Ba Thiện (phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc), Hạnh Nhơn, Thanh Huệ (thôn 4, xã Lộc An, Huyện Bảo Lâm)… thì cây bơ giống họ đang bán đều được chuyển từ miền Tây lên. Trong đó, tại xã Lộc An (huyện Bảo Lâm) đang có khoảng 10 cơ sở kinh doanh, buôn bán các giống bơ do miền Tây sản xuất.

Hiện, giá bơ giống miền Tây dao động từ 20 - 28 ngàn đồng/cây (chỉ bằng một nửa giá các giống bơ đầu dòng do Lâm Đồng sản xuất). Họ còn tiết lộ, ở miền Tây không trồng bơ, nên chồi ghép cây giống được lấy từ các vườn bơ của người dân ở 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắc Lắc.

Nói về vấn đề này, ông Đậu Văn Xuân, Trưởng Phòng NN - PTNT huyện Bảo Lâm, cho biết: “Tính đến nay, Bảo Lâm đã có trên 1.000ha bơ ghép được người dân trồng xen với cây cà phê; trong đó, có hơn 300ha được trồng mới trong năm 2015. Qua khảo sát, bơ đang là 1 trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương.

Trong 2 năm trở lại đây, người dân địa phương đang chú trọng phát triển cây bơ trồng xen với cây cà phê để tăng thu nhập. Tuy nhiên, bơ là cây trồng lâu năm và phải mất ít nhất 4 năm mới cho thu hoạch.

Vì thế, người dân nên cẩn trọng tìm đến các cơ sở sản xuất giống có uy tín để chọn những giống bơ có nguồn gốc rõ ràng nhằm tránh hiện tượng trồng rồi phải chặt bỏ, gây thiệt hại kinh tế về sau”.


Có thể bạn quan tâm

​Nông Sản Đà Lạt Tăng Giá ​Nông Sản Đà Lạt Tăng Giá

Bà Ngô Hoài Nam, trưởng phòng kinh tế - huấn luyện (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng), cho biết sau mùa mưa, nhiều loại nông sản không được canh tác trong nhà kính bị hư hại, năng suất sụt giảm nghiêm trọng khiến lượng hàng lưu thông trên thị trường bị thiếu hụt, đẩy giá tăng cao.

27/11/2014
Tái Cấu Trúc Ngành Lúa Gạo Theo Hướng Nâng Cao Khả Năng Cạnh Tranh Tái Cấu Trúc Ngành Lúa Gạo Theo Hướng Nâng Cao Khả Năng Cạnh Tranh

Thực hiện “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Viện nghiên cứu lúa quốc tế triển khai các nghiên cứu và và tham vấn hỗ trợ kỹ thuật của Viện đối với các lĩnh vực của ngành lúa gạo như: Giống, công nghệ sinh học, sản xuất bền vững và chính sách nhằm giúp cải thiện ngành lúa gạo Việt Nam, nâng cao thu nhập của nông dân.

27/11/2014
Ưu Tiên Làm Thủ Tục Xuất Khẩu Đối Với Vải Tươi Ưu Tiên Làm Thủ Tục Xuất Khẩu Đối Với Vải Tươi

Theo đó, cơ quan hải quan bố trí công chức chuyên trách tư vấn giải quyết thủ tục xuất khẩu mặt hàng vải quả tươi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Không để xảy ra tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu, giải quyết nhanh các vướng mắc phát sinh trong xuất khẩu vải tươi. Đây là biện pháp hỗ trợ của cơ quan hải quan nhằm giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

26/06/2014
Già Làng Hạng Dụng Chúng Gương Mẫu, Làm Kinh Tế Giỏi Già Làng Hạng Dụng Chúng Gương Mẫu, Làm Kinh Tế Giỏi

Già làng Hạng Dụng Chúng là công nhân Lâm trường Đặc sản Lai Châu, năm 1989 ông về nghỉ hưu tại bản Trung Dình, xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà. Về địa phương, ông tham gia các phong trào hoạt động ở địa bàn dân cư, là Bí thư Chi bộ bản Hô Chim, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã...

26/06/2014
Giải Pháp Phát Triển Cá Tra Bền Vững? Giải Pháp Phát Triển Cá Tra Bền Vững?

Trong những ngày qua cá tra ở ĐBSCL tăng giá trở lại, do một số nhà máy cần nguyên liệu đưa giá thu mua lên 24.000-24.500đ/kg. Tuy nhiên, vào thời điểm này chỉ có lợi cho người nuôi cá liên kết gia công hoặc nuôi theo hợp đồng bán cho các nhà máy chế biến. Trong khi đó không ít người từng có ao nuôi cá tra trước đây khoanh tay ngồi nhìn vì nợ nần, cạn vốn.

27/11/2014