Giàu lên nhờ trồng cam

Cây “siêu” lợi nhuận
Giữa heo hút đồi núi bao trùm là khu trang trại nhỏ của vợ chồng ông Trần Công Lâm (thôn 1, xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) với những khoảnh màu xanh ngắt của cà phê, cam, quýt… Bắt đầu trồng cam từ năm 1993, ban đầu chỉ là 20 cây cam Bố Hạ được ông đưa giống từ Bắc Giang vào để trồng thử nghiệm trong vườn nhà.
Phép thử thật nhiều bất ngờ khi cây cam xứ Bắc khi trồng trên đất Sơn Lang vẫn cho năng suất, chất lượng không thua kém so với ở vùng bản xứ…
Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn cam ở cuối vườn, ông phấn khởi bảo rằng, đến nay, vườn nhà ông đã có khoảng 600 cây cả cam và quýt (tương đương 2 ha), trong đó có 500 cây đang cho thu hoạch. Cam vườn nhà ông tới ngày chín rộ, thương lái đánh xe ô tô về tận nơi, có bao nhiêu lấy hết bấy nhiêu, thậm chí tới mùa lễ, Tết, thương lái giành nhau mua về bán.
“Trung bình mỗi năm gia đình tôi thu được chừng 60 tấn cam và quýt tươi, giá bán ngày thường dao động trong khoảng 25 - 30 ngàn đồng/kg, ngày lễ, Tết có khi lên tới 45 - 50 ngàn đồng/kg. Tính trung bình cũng thu được bạc tỷ nhờ loại cây này”- ông Lâm phấn khởi, cho biết.
Hơn 20 năm gắn bó với cây cam, bằng kinh nghiệm của mình, ông Lâm cho rằng, trồng cam không khó. Chỉ cần bón đậm phân chuồng, tưới tiêu đều đặn để giữ độ ẩm cần thiết cho cây sinh trưởng, phát triển. Việc cắt cành, tỉa chồi hoàn toàn không khó bởi tốt nhất nên tôn trọng sự phát triển tự nhiên của cây.
Nếu có thể, chỉ cần phun thuốc kích ra hoa, đậu trái, thuốc trị một vài loại sâu bệnh, rầy rệp khi cần thiết. Điều kiện tự nhiên ở Sơn Lang còn khá hoang sơ, trong lành nên rất ít bị sâu bệnh, chất đất tốt đã tạo điều kiện cho cam đạt năng suất khá cao.
Cam cho thu quanh năm nên nhà vườn chỉ cần theo sát cây, tỉa bớt trái và giữ lại lượng vừa đủ để cây nuôi dưỡng là có thể đảm bảo đạt năng suất ổn định… Tuy vậy, so với đầu tư cà phê, trồng cam cũng sẽ tốn kém gấp 3 - 4 lần.
So với nhiều cây trồng khác như: cà phê, cao su… cam là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn. “Cà phê ở Sơn Lang thông thường chỉ đạt 10 - 15 tấn tươi/ha, nếu giá như hiện tại sẽ được khoảng 70 triệu đồng, còn cam có thể đạt 30 tấn/ha, thu về hơn 800 - 900 triệu đồng.
Như vậy, rõ ràng cam đem lại lợi nhuận kinh tế gấp nhiều lần so với trồng cà phê”- ông Lâm, nhẩm tính. Cũng nhờ nguồn thu nhập ổn định từ cây cam, gia đình ông có đủ điều kiện lo cho 2 cô con gái học hành. Hiện tại, một em đang là sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn và em còn lại đang là sinh viên Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh…
Xây dựng thương hiệu cam Sơn Lang
“Hiện nay, trên địa bàn xã Sơn Lang đã phát triển được trên 10 ha cam, được trồng từ cách đây trên 10 năm và hiệu quả đã được kiểm chứng thực tế khá rõ ràng. Các hộ trồng cam chủ yếu là người Kinh từ miền Bắc vào Tây Nguyên lập nghiệp, mang theo các giống cam đặc sản quê hương” - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lang- ông Dương Quốc Điệp, cho biết.
Thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng, cây cam trên đất Sơn Lang cho quả to và đẹp không thua kém cam ở chính quê hương gốc gác của mình. “Đúng vụ tôi thu được những trái cam nặng 0,8 - 0,9 kg/trái là chuyện thường, trái mùa trái cam cũng phải đạt tối thiểu 0,3 - 0,5 kg/trái. Cam màu sắc vàng, thơm, vị ngọt đậm đà, ngay cả phần cùi cam cũng có vị ngọt bùi… Thương lái tới đặt mua rất thích cam ở đây” - ông Trần Công Lâm, cho biết.
Chính bởi ưu thế vượt trội, chính quyền xã Sơn Lang đã tính đến chủ trương nhân rộng loại cây trồng này. “Trước mắt, xã lên kế hoạch trong năm nay sẽ phát triển thêm khoảng 10 ha trồng cam, chủ yếu trong đối tượng người Kinh vì cây cam đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trình độ và kỹ thuật canh tác phải đạt đến độ nhất định.
Đặc biệt, chính quyền địa phương cũng lồng ghép chủ trương này gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cụ thể sẽ hỗ trợ vốn 30 triệu đồng/ha cam cho hộ nào chọn hướng đi này” - Phó Chủ tịch UBND xã Dương Quốc Điệp, cho biết.
“Chúng tôi đang có ý định sẽ đề nghị với huyện để xây dựng thương hiệu cam Sơn Lang. Tất nhiên sẽ còn nhiều khó khăn, song nếu phát huy tốt, đây chắc chắn là loại cây trồng tương lai sẽ làm giàu cho không ít hộ ở Sơn Lang.
Đây không chỉ để khẳng định giá trị cho cam của quê hương mình, mà còn là tiền đề và điều kiện quan trọng để thúc đẩy việc phát triển cây cam theo hướng bền vững, mở rộng thị trường…” - ông Điệp bày tỏ quan điểm.
Có thể bạn quan tâm

Đồng Hỷ là huyện miền núi có diện tích trồng cây ăn quả lớn của tỉnh Thái Nguyên, trong đó diện tích trồng vải khoảng 835 ha và 290 ha nhãn. Cây vải chủ yếu là vải thiều Thanh Hà, thời vụ thu hoạch ngắn từ 15 – 30/6 hàng năm, giá bán thấp nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Cây nhãn chủ yếu là giống nhãn địa phương, trồng bằng hạt, chất lượng chưa được ngon, quả nhỏ, hạt to, cùi mỏng, năng suất thấp.

Ông Nguyễn Hữu Ánh, phó trưởng Trạm khuyến nông - lâm - ngư huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) cho biết để khắc phục tình trạng bị thoái hóa giống, nâng cao năng suất trên cùng một diện tích đất canh tác, một nhóm kỹ sư của trạm đã nhân giống thành công chuối già lùn bằng phương pháp nuôi cấy mô. So với các loại giống chuối thông thường, chuối nuôi cấy mô có thời gian trồng đến khi thu hoạch ngắn hơn, thu hoạch đại trà cả vườn một lần, năng suất cao...

Hươu ở Hương Sơn đang có bước tăng đột phá cả về tổng đàn và giá trị kinh tế nhờ biết kết hợp các hình thức nuôi. Hà Tĩnh đang tập trung các giải pháp để tìm đầu ra cho nhung hươu.

Mong muốn tìm ra được loại giống đậu bắp thuần chủng đạt chuẩn, kháng sâu bệnh, năng suất cao, đáp ứng được thị trường xuất khẩu, lão nông Lê Văn Trung (xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, Vĩnh Long) đã sang Nhật và “săn” được giống tốt.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương (khóa X) của Đảng về phát triển kinh tế biển, ngư dân đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã nuôi gần 500 lồng cá bớp thương phẩm, giúp người dân vươn lên làm giàu.