Giao thương nông sản Việt Nam - Australia sẽ tăng tốc mạnh

Người tiêu dùng Australia hào hứng với sự hiện diện của trái vải Việt Nam
Năm 2015 được đánh dấu là năm đầu tiên trái cây Việt, cụ thể là trái vải tươi được phép xuất khẩu (XK) chính thức theo đường chính ngạch vào thị trường Australia.
Việc đưa trái vải thành công vào thị trường Australia được đánh giá sẽ mở ra cơ hội mới cho một số loại trái cây khác như thanh long, nhãn, xoài.
Tiềm năng phát triển sản phẩm XK vào thị trường này là rất lớn, mang đến nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Australia cũng là thị trường nhiều thách thức.
Tại Diễn đàn An toàn thực phẩm (ATTP) Việt Nam - Australia 2015 vừa tổ chức tại Hà Nội, TS.Marion Healy - Giám đốc Khoa học kiêm Phó giám đốc điều hành Trung tâm Giám sát hệ thống an toàn thực phẩm của Australia - cho hay, Chính phủ Australia đặt ra rất nhiều các quy định nhập khẩu (NK), đặc biệt là các quy định nghiêm ngặt về ATTP và kiểm dịch động thực vật được sử dụng như một hàng rào kỹ thuật NK.
Nông sản, thực phẩm NK vào Australia phải áp dụng kiểm dịch đối với nhiều loại thực phẩm chưa chế biến bao gồm: Trứng và các sản phẩm từ trứng, sản phẩm từ sữa, thịt không đóng hộp, hạt giống và hạt, rau quả tươi.
Với ngành thủy sản, Australia đang kiểm soát chất lượng bằng Bộ tiêu chuẩn thực phẩm của Australia và New Zealand (FSANZ).
Đối với các mặt hàng thực phẩm, Australia áp dụng quy định “Lệnh giữ hàng” để xử lý các lô hàng không đạt yêu cầu về chất lượng hoặc yêu cầu về đóng gói, bao bì, ký mã hiệu.
Khi doanh nghiệp (DN) bị áp dụng lệnh giữ hàng, các lô hàng tiếp theo sẽ không được phép NK vào thị trường hoặc phải chịu kiểm tra chặt chẽ trong 5 chuyến sau đó, nếu vi phạm lần đầu và là vi phạm các lỗi nhỏ thuộc về nhãn mác, bao bì.
Vì vậy, các DN Việt Nam muốn thâm nhập vào thị trường Australia cần phải nắm rõ 2 nguyên tắc, đó là nghiên cứu kỹ quy định NK đối với từng loại mặt hàng và hiểu rõ thị trường.
Ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) - cho hay, tham gia vào TPP, sản phẩm nông sản của Australia và Việt Nam sẽ có cơ hội tăng cường hợp tác thương mại, đặc biệt là những sản phẩm không cạnh tranh lẫn nhau.
Tuy nhiên, theo ông Hồng, mặc dù hàng rào thuế quan được mở, nhưng các DN Việt Nam vẫn phải bảo đảm quy định hành rào kỹ thuật về kiểm dịch thực vật và ATTP vì phía Australia có những quy định nghiêm ngặt về vấn đề này.
Đồng quan điểm, Đại sứ Australia - ông Hugh Borrowman- nhận định, Việt Nam gia nhập TPP chắc chắn là cơ hội tốt không chỉ trong ngành nông nghiệp mà cả các ngành khác của nền kinh tế.
Vấn đề đặt ra là các nhà sản xuất, các DN của Việt Nam làm thế nào để đáp ứng được các yêu cầu về ATTP và kiểm dịch thực vật.
Theo ông Hugh Borrowman, bên cạnh các sản phẩm chất lượng hàng đầu, Australia cũng là đối tác tin cậy trong việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam để nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp.
Bằng việc chuyển giao những kiến thức chuyên môn tới Việt Nam, Australia có thể hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nâng cao các tiêu chuẩn về ATTP, hiện đại hóa ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và mang lại những lợi ích về sức khỏe và kinh tế cho đất nước.
Hiện nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Australia từ 3,3 tỷ USD năm 2009 đã tăng gần 2 lần vào năm 2014 với giá trị đạt hơn 6 tỷ USD, trong đó kim ngạch XK của Việt Nam đạt 3,99 tỷ USD và NK đạt 2,06 tỷ USD.
Như vậy năm 2014, Việt Nam đã xuất siêu 1,93 tỷ USD sang Australia.
Có thể bạn quan tâm

Sáng 15/8, Ban quản lý Các dự án nông nghiệp (Sở NN-PTNT) phối hợp với UBND xã An Chấn (huyện Tuy An) tổ chức lễ công bố và ký kết thỏa thuận hỗ trợ thực hiện kế hoạch đồng quản lý nghề cá ven bờ xã An Chấn (thí điểm) thuộc dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững.

Hơn một năm nay, do sản phẩm gặp khó khăn về đầu ra nên nhiều hộ dân tham gia Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở thôn Lang Châu Bắc (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) phải chuyển sang canh tác rau thông thường hoặc trồng các loại hoa màu khác.

Làng Đại Bình trước kia có đến 80% người dân sinh sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm. Những bãi bồi dọc sông Thu Bồn chính là vựa dâu xanh tốt giúp làng dâu tằm Đại Bình, Hương Quế nổi tiếng một thời.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 7-2014 sản lượng khai thác thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 7.494 tấn, bằng 106,8% so với cùng kỳ và bằng 8,9% so với kế hoạch. Riêng hoạt động khai thác trên biển đạt 7.198 tấn, bằng 106,5% so với cùng kỳ và bằng 8,9% so với kế hoạch.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nay trên địa bàn tỉnh sâu cuốn lá lứa 6 đang phát sinh và gây hại, sâu non tuổi 1 gây hại từ ngày 8 đến 13-8-2014, đợt 2 tập trung từ ngày 15 đến 18-8-2014 trên các trà lúa mùa sớm, chính vụ và rải rác cho tới 25-8-2014 trên trà lúa cấy muộn, khả năng trong những ngày tới, nếu không có biện pháp phòng trừ tích cực, quyết liệt thì sẽ xuất hiện đợt dịch sâu cuốn lá nhỏ trên diện rộng, ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là các huyện ven biển, thiệt hại do sâu gây ra sẽ là rất lớn, đặc biệt là trên diện tích trà lúa mùa muộn.