Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Gian Nan Đầu Ra Cho Sản Phẩm Làng Nghề

Gian Nan Đầu Ra Cho Sản Phẩm Làng Nghề
Ngày đăng: 17/11/2014

Sản phẩm thủ công từ các nghề truyền thống đang dần mất đi tính cạnh tranh trên thị trường, bởi vậy câu chuyện về đầu ra cho sản phẩm đang là vấn đề nan giải đối với các làng nghề.

Từ những thập kỷ 90 của thế kỷ XX trở về trước, hình ảnh thiếu nữ ngồi bên khung cửi dệt vải trở nên quen thuộc ở các địa phương miền núi.

Nhưng, giờ đây, những hình ảnh đó đã dần đi vào quá khứ. Bà Hứa Thị Ngãi, xã Nguyệt Ấn (Ngọc Lặc), cho biết, thế hệ các cô gái trẻ hiện nay gần như không biết dệt thổ cẩm, bởi một phần do nhu cầu sử dụng sản phẩm thổ cẩm của bà con không còn nhiều như trước, họ lựa chọn các sản phẩm may sẵn, vừa tiện lợi, đẹp, rẻ mà lại hợp với xu thế.

Theo đó, thị trường bị thu hẹp, sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ, nên nghề càng bị mai một, làm cho nét văn hóa đặc trưng vùng miền cũng dần mất đi.

Cũng như nghề dệt thổ cẩm, nghề làm nón lá từng hưng thịnh một thời, nay đang đối mặt với sự thăng trầm vì không có đầu ra. Chúng tôi tìm về xã Xuân Lộc (Triệu Sơn), nơi từng nổi tiếng một thời với nghề làm nón lá, có nhiều nghệ nhân làm nón nổi tiếng từng truyền nghề cho nhiều thế hệ ở khắp mọi nơi và là địa phương có tới hơn 1.000 hộ làm nghề, mỗi ngày bán ra cả nghìn sản phẩm.

Nhưng đến nay, cả xã chỉ còn chưa tới 100 hộ theo nghề, những nghệ nhân cũng dần vắng bóng. Tìm hiểu nguyên nhân khiến nghề làm nón bị suy thoái, chúng tôi được người dân xã Xuân Lộc cho biết: Trước đây, chiếc nón luôn là đồ dùng đồng hành với người dân mỗi khi ra khỏi nhà, nên nhu cầu mua nón lá rất lớn, nhưng nay thay vì đội nón, người dân ra đường đội mũ bảo hiểm, mũ rộng vành để đi lại cho tiện, bởi thế số lượng hàng làm ra khó khăn trong việc tiêu thụ, theo đó thu nhập của mỗi lao động ngày càng giảm, bình quân chỉ đạt 25-30.000 đồng/ngày, không đủ trang trải cho sinh hoạt nên nhiều người đã bỏ nghề tìm việc khác.

Nghề mộc được xem là nghề đang phù hợp với xu thế phát triển, bởi các sản phẩm làm từ gỗ luôn được nhiều người ưa chuộng. Thế nhưng nghề mộc Đạt Tài, xã Hoằng Đạt, xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa) cũng không tránh khỏi guồng quay của sự suy thoái do không có đầu ra.

Được biết, các sản phẩm mộc Đạt Tài khá tinh xảo, tuy nhiên sản phẩm lại không thể vươn xa. Theo như các chủ xưởng mộc xã Hoằng Đạt cho biết, đã có thời kỳ các cơ sở đã liên kết lại để tìm kiếm thị trường ra các tỉnh bạn, nhưng cũng không mở rộng được nhiều do sản phẩm vẫn chưa chiếm được lòng tin của khách hàng.

Bởi thế, có những cơ sở đầu tư tới 400-500 triệu đồng để mua máy đục điêu khắc mỹ nghệ như cơ sở của gia đình bà Lê Thị Sáu và gia đình ông Lê Quảng Hùng nhằm phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nhưng cũng không mấy khả quan.

Hôm chúng tôi đến xã Hoằng Đạt may mắn được gặp anh Lê Bình Hưng, người ở địa phương thoát ly vào tỉnh Bình Dương mở xưởng mộc về thăm quê,  khi được hỏi sản phẩm mộc Đạt Tài trên đất khách, anh cho biết: Trước kia anh từng có xưởng mộc ở quê nhà, nhưng do không có thị trường, làm ăn khó khăn nên anh quyết định “Nam tiến”.

Đúng như tính toán của anh, nhu cầu về đồ gỗ ở khu vực phía Nam rất lớn, trong khi nguồn cung ứng không nhiều, nên không lâu sau đó anh đã phát triển được xưởng mộc lớn với nhiều chi nhánh, số lượng lao động lên tới 400 người. Anh Hưng khẳng định, sản phẩm mộc Đạt Tài không thua kém bất cứ sản phẩm nào cả về chất lượng và mẫu mã, nên được người dân ưa chuộng, song do công tác tiếp cận thị trường chưa tốt và chưa có tiềm lực về tài chính để quảng bá thương hiệu với quy mô lớn trên thị trường.

Tình trạng “thoái trào” các sản phẩm làng nghề nói trên tuy không phổ biến trên địa bàn tỉnh nhưng cũng đủ để minh họa cho một thực tế chung của sự phát triển các làng nghề hiện nay.

Để sản phẩm làng nghề vươn xa

Việc các sản phẩm làng nghề thiếu đầu ra là bởi hầu hết các làng nghề đều hoạt động theo phương thức tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, vừa làm vừa bán, thiếu sự liên kết giữa các hộ làm nghề để xây dựng thương hiệu chung và tìm đầu ra cho sản phẩm, trong khi chưa có nhiều doanh nghiệp liên kết để tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Bởi vậy, người làm nghề phụ thuộc nhiều vào tư thương và thường bị động, lúng túng khi thị trường gặp khó. Kể cả những sản phẩm vốn có thị trường tiêu thụ ổn định, thuận lợi, như: Tơ nhiễu Hồng Đô, trống đồng Đông Sơn... cũng không ổn định, giá cả bấp bênh và đôi khi vẫn bị tư thương ép giá.

Thực tế cho thấy, vấn đề thiếu đầu ra cho sản phẩm làng nghề bị chi phối bởi nhiều yếu tố, như: nhu cầu thị trường, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, phát triển thương hiệu hay chất lượng, giá thành sản phẩm...

Vì vậy, để thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm làng nghề, thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển làng nghề nhằm nâng cao năng lực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của những người làm nghề, như: tổ chức đón bằng công nhận làng nghề, hỗ trợ các làng nghề tham gia hội chợ thương mại, hỗ trợ kinh phí khôi phục và phát triển làng nghề, tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật mới cho người làm nghề...

Bởi thế, tình hình tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề đã có sự chuyển biến. Tuy nhiên, để làng nghề thực sự khởi sắc, sản phẩm làng nghề vươn xa, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân làm nghề cần nỗ lực cải thiện năng lực sản xuất, đầu tư thiết bị, nâng cao chất lượng và cải tiến mẫu mã; đồng thời, chủ động nắm bắt thông tin thị trường, năng động hơn nữa trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Nguồn bài viết: http://www.baothanhhoa.vn/vn/kinh-te/n131573/Gian-nan-dau-ra-cho-san-pham-lang-nghe


Có thể bạn quan tâm

Vải sạch Lục Ngạn bán hết veo sau một ngày có mặt tại Mỹ Vải sạch Lục Ngạn bán hết veo sau một ngày có mặt tại Mỹ

Ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang cho biết, lô vải thiều 2,1 tấn đầu tiên của Lục Ngạn sau khi được đưa sang thị trường Califonia (Mỹ) đã bán hết chỉ trong vòng một ngày.

10/06/2015
Huyện Phú Thiện chú trọng sản xuất lương thực Huyện Phú Thiện chú trọng sản xuất lương thực

Vụ Đông Xuân vừa qua, toàn huyện Phú Thiện gieo trồng gần 8.400 ha cây trồng các loại, trong đó lúa với diện tích 6.066 ha gồm các giống lúa như: HT1, Ma Lâm, Q5, OM4900, hương cốm, tám thơm, DV 108….; còn lại là các loại cây lương thực khác (bắp 350 ha), thực phẩm (rau các loại, đậu), cây công nghiệp ngắn ngày (lạc, thuốc lá, khoai lang) và cây công nghiệp dài ngày (mía trồng mới 800 ha).

10/06/2015
Do đâu nông dân vẫn chưa mặn mà với cây mắc ca? Do đâu nông dân vẫn chưa mặn mà với cây mắc ca?

Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực nghiệm nhiều mô hình trồng cây mắc ca trên địa bàn các huyện: Kbang, Mang Yang, Chư Pah, Chư Pưh, Chư Sê, Đak Đoa và nhiều hộ dân các huyện: Kông Chro, Đak Pơ, Đức Cơ, Chư Prông và TP. Pleiku tự đầu tư trồng mắc ca. Đến nay, diện tích cây mắc ca toàn tỉnh là 215,6 ha. Tuy nhiên hiệu quả kinh tế của nó vẫn còn bỏ ngỏ.

10/06/2015
Tỷ phú ở Ia Chía Tỷ phú ở Ia Chía

Vượt qua trở ngại về tuổi tác, điều kiện sức khỏe, ông Ksor Jú (làng Kom Yố, xã Ia Chía, huyện Ia Grai) luôn nêu gương sáng trong lao động sản xuất, trở thành trụ cột về tinh thần lẫn vật chất cho gia đình và giúp đỡ những người khó khăn trên địa bàn.

10/06/2015
Dồn điền, đổi thửa và chỉnh trang đồng ruộng ở Bắc Quang Dồn điền, đổi thửa và chỉnh trang đồng ruộng ở Bắc Quang

Những năm qua, việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) giúp cho nông nghiệp ở Bắc Quang có những bước tiến đáng kể với năng xuất, sản lượng lương thực dẫn đầu toàn tỉnh. Để tiếp tục tạo đột phá, năm 2015 huyện Bắc Quang bắt đầu triển khai Kế hoạch dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), chỉnh trang đồng ruộng. Đây là điều không còn lạ, nhưng mới ở Hà Giang.

10/06/2015