Gian Nan Cá Tra Xuất Ngoại

Gần 20 năm xuất ngoại, cá tra Việt Nam đã “bơi” đến 149 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang về gần 2 tỷ USD mỗi năm. Cá tra đã góp phần không nhỏ trong việc khẳng định thương hiệu ngành thủy sản Việt Nam. Nhưng đường “bơi” cho “con cá vàng” của thủy sản Việt Nam dường như còn lắm gian nan.
Giá bán quá thấp
Tình cờ và may mắn, tôi có dịp được trò chuyện với Jean-Charles Diener - Giám đốc Công ty OFCO Sourcing Việt Nam (một doanh nghiệp chuyên cung cấp thủy hải sản Việt Nam cho người mua trên toàn thế giới), người đã có gần 15 năm am hiểu về cá tra Việt Nam. Những chia sẻ cởi mở nhưng đầy chân tình của ông đã để lại nhiều điều đáng suy ngẫm.
Khi tôi hỏi, vì sao cá tra Việt Nam liên tiếp phải đối diện với hàng loạt chiến dịch truyền thông tiêu cực và rào cản thương mại ở nhiều nước nhập khẩu, câu trả lời không nằm ngoài dự đoán: “Cá tra Việt Nam dễ trở thành đối thủ cạnh tranh lớn của nhiều loài thủy sản khác vì những ưu điểm vốn có của nó. Hơn thế nữa, giá bán của cá tra lại quá thấp”.
Theo Jean-Charles Diener: “Cá tra là một mặt hàng tuyệt vời và nếu xét về một vài khía cạnh thì đây có lẽ là con cá tốt nhất trên thế giới. Nhưng chính người mua đang dần mất đi sự quan tâm đối với loài cá này bởi giá quá thấp và không phải cứ thấp là họ thích. Giá thấp thực sự không phải là tốt như nhiều nhà cung cấp Việt Nam vẫn nghĩ. Chính điều này đã đẩy cá tra Việt Nam liên tiếp đối diện với những thông tin bôi xấu. Nghịch lý thay, với mức giá cao hơn, thị trường cho cá tra Việt Nam lại có thể được mở rộng hơn”.
Phải nhìn lại mình
Không thể phủ nhận, cá tra là nguyên liệu lý tưởng để tạo ra vô số món ăn hấp dẫn vì ít mùi tanh, vị nhẹ lại có thớ thịt mịn màng. Loài cá này rất dễ thích ứng với những phong cách nấu nướng khác nhau và có giá rẻ hơn so với các loài cá thịt trắng khác. Vì thế cá tra Việt Nam đã nhanh chóng vươn đến sự thành công khi đã, đang được hàng triệu người tiêu dùng ưa chuộng và có những bước tiến ngoạn mục dần xác lập vị thế đáng nể trên thị trường thủy sản thế giới.
Trên con đường hội nhập và phát triển, chắc chắn cá tra Việt Nam còn phải chịu sức ép của những cuộc cạnh tranh thiếu công bằng của các nhà sản xuất, kinh doanh thủy sản trên thế giới.
Đấu tranh đòi sự công bằng là việc phải làm. Tuy nhiên, những người có trách nhiệm với sản phẩm chiến lược quốc gia này cũng phải nhìn lại mình. Từ khi xuất khẩu được giá trị lớn đến nay, ngành sản xuất kinh doanh cá tra hầu như vẫn tự phát. Người nuôi cứ mặc sức nuôi, gây áp lực tiêu thụ lên chính quyền và đổ lỗi cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp thì có hiện tượng ép giá cá nguyên liệu trong nước để kiếm lời; thi nhau chào bán phá giá để giành hợp đồng, cạnh tranh không lành mạnh làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân đối, ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh...
Giải thích về chuyện hạ giá bán hàng, một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cho rằng, do áp lực trả nợ và lãi vay ngân hàng, các doanh nghiệp đều muốn mau chóng thu hồi vốn... Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định, chuyện các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh nhau bằng cách hạ giá thấp không phải mới. Những năm trước, lúc doanh nghiệp được coi là “mạnh khỏe” hơn bây giờ thì chuyện bán phá giá đã xảy ra. Vì thế, lý do mà các doanh nghiệp đưa ra để lý giải chuyện hạ giá không mấy thuyết phục.
Dĩ nhiên hạ giá bán thì chất lượng sản phẩm đương nhiên cũng phải tệ đi bởi không thể nào “sống” được khi bán một món hàng có chất lượng cao với giá quá rẻ. Hạ giá kéo theo hạ chất lượng sản phẩm, nên việc sử dụng chất cấm, tỷ lệ mạ băng cao… đã xảy ra.
Các nước nhập khẩu cá tra Việt Nam tăng cường biện pháp kiểm tra, hàng loạt container hàng bị trả về hoặc hủy tại chỗ. Hậu quả là con cá tra Việt Nam liên tục hứng chịu các cuộc điều tra chống bán phá giá, bị kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt hơn, nguy cơ mất thị trường hiển hiện…
Đơn cử mới đây, Cơ quan thú y Nga vừa có quyết định áp đặt lệnh đình chỉ nhập khẩu tạm thời đối với sản phẩm cá tra và một số sản phẩm cá khác của 7 doanh nghiệp Việt Nam, bắt đầu từ 31/1/2014. Đây là cái vòng luẩn quẩn của ngành sản xuất, xuất khẩu cá tra Việt Nam trong bao nhiêu năm qua vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Cho rằng cá tra Việt Nam được sản xuất “bẩn”, bán phá giá thì không đúng, nhưng quả thật chọn phương thức cạnh tranh bằng giá như hiện nay đang dần giết chết ngành xuất khẩu mang về giá trị 2 tỷ USD mỗi năm của Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm

Trong nửa đầu tháng 7/2013, có 2 cuộc họp quan trọng tại ĐBSCL do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì để bàn giải pháp cứu ngành cá tra.

Vụ lúa Đông Xuân 2013 - 2014 được dự báo vẫn còn không ít khó khăn, thách thức về thiên tai, dịch bệnh cũng như những bất lợi về giá cả và thị trường tiêu thụ lúa gạo. Song, nếu tuân thủ khuyến cáo của ngành nông nghiệp, bà con nông dân chẳng những có được một vụ mùa bội thu, mà còn tiết kiệm được chi phí và giảm đáng kể giá thành sản xuất.

Đây là lần đầu tiên tỉnh Gia Lai tổ chức thả cá ra các ao hồ tự nhiên nhằm tái tạo nguồn cá nước ngọt. Đồng thời hỗ trợ người dân đánh bắt cá theo phương thức truyền thống, tạo nguồn thực phẩm tại chỗ cho người dân sinh sống khu vực gần hồ.

Cụ thể, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 2 hộ thuộc thôn Giếng Êm, xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn với tổng đàn gồm 700 con vịt, 475 con gà. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, Chi cục Thú y tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo địa phương thực hiện tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, vệ sinh, tiêu độc khử trùng xung quanh ổ dịch. Như vậy, tính đến ngày 14/10, cả nước còn tỉnh Hòa Bình có dịch cúm gia cầm, tỉnh Quảng Nam có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.

Bão số 10 đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình, riêng đối với lĩnh vực thủy sản hầu hết diện tích nuôi trồng đều bị ngập, trong đó có nhiều hộ bị mất trắng.