Giám sát chặt dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Chủ tịch UBND TP đã có Công điện số 12 ngày 30/9/2015 gửi Giám đốc các sở: NN&PTNN, Công thương, CA TP, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã.
Công điện nêu rõ: 9 tháng đầu năm 2015, dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn ra phức tạp trong cả nước, đến nay đã có 14 tỉnh có dịch cúm gia cầm (dịch cúm A/H5N1 và A/H5N6), làm chết và tiêu hủy trên 2,5 vạn gia cầm; ngoài ra 5 tỉnh có dịch lở mồm, long móng gia súc...
Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, cũng đã có một số điểm có dịch nhỏ lẻ… Để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh (PCDB) gia súc, gia cầm; công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn những tháng cuối năm 2015, Chủ tịch UBND TP yêu cầu:
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã:
Thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ, Bộ NN& PTNT, UBND TP về PCDB cho động vật, quản lý về chăn nuôi, kiểm soát, vận chuyển, kinh doanh (KD), giết mổ đông vật, sản phẩm động vật trên địa bàn.
Theo đó, phân công rõ trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo và tăng cường chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc công tác PCDB đàn gia súc, gia cầm; phát hiện, xử lý kịp thời khi có dịch bệnh, kiên quyết không để dịch bùng phát và lây lan diện rộng.
Công điện cũng nhấn mạnh, các xã, phường, thị trấn tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ đàn gia súc, gia cầm, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; công tác PCDB và quản lý giết mổ, KD gia súc gia cầm trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Xác định trách nhiệm đối với chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và cán bộ thú y phụ trách lơ là trong công tác quản lý, không báo cáo kịp thời khi phát hiện dịch bệnh, các dấu hiệu vi phạm công tác PCDB và công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm.
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP nếu để dịch bệnh, các vi phạm trong công tác PCDB và công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm do chủ quan, thiếu trách nhiệm. Chủ động bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ trên.
Giao nhiệm vụ cho Sở NN&PTNT, với tư cách là cơ quan thường trực, cần tham mưu, đề xuất với UBND TP chỉ đạo triển khai công tác PCDB gia súc, gia cầm; công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật trên địa bàn cũng như thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, UBND TP và phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt các nhiệm vụ trên.
Cùng với đó, phối hợp các cơ quan liên ngành, tăng cường hoạt động của các chốt, trạm kiểm dịch liên ngành (24/24 giờ, kể cả ngày nghỉ lễ).
Chỉ đạo lực lượng thú ý, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về PCDB, kiểm dịch, vận chuyển, KD động vật, sản phẩm động vật và chất cấm trong chăn nuôi theo quy định.
Tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc công tác tiêm phòng, tổng vệ sinh, tiêu độc môi trường.
Chủ động chuẩn bị đầy đủ vắcxin, hóa chất… đáp ứng yêu cầu công tác phòng dịch; Tổ chức giám sát sự lưu hành của virus nhằm dự báo, cảnh báo sớm dịch bệnh để chủ động ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản, tăng cường kiểm tra việc KD, chế biến động vật, sản phẩm động vật.
Công điện giao Sở Công thương, CA TP chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai và thực hiện tốt Công điện này của TP.
Chỉ đạo các đơn vị phân công cán bộ thường trực tại các chốt kiểm dịch liên ngành của TP, đảm bảo quân số và thời gian quy định. Tổ chức kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp vận chuyển, KD buôn bán gia cầm, nhập lậu vào địa bàn TP.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu, Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị của TP, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện các nhiệm vụ trên, báo cáo UBND TP theo quy định (qua Sở NN&PTNT tổng hợp).
Có thể bạn quan tâm

Tham gia vào Hội có 50 thành viên. Mục đích chính của Hội là xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh có tổ chức theo hướng thương mại hóa, cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ cho các hội viên trong sản xuất, kinh doanh "cá Tràu tiến vua".

Nguyên nhân diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến tăng nhanh là do mô hình này có chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro, cho thu nhập ổn định. Hiện nay, người dân từng bước chuyển đổi diện tích nuôi tôm quảng canh truyền thống sang quảng canh cải tiến, nhằm tăng thu nhập.

Là vùng đất có tiềm năng lớn trong nuôi trồng thuỷ sản, cùng với việc đầu tư phát triển nuôi tôm, nuôi cá lồng bè, những năm gần đây, Quảng Ninh phát triển mạnh nghề nuôi nhuyễn thể như: Tu hài, ốc đá, ốc màu, ốc nhảy, ốc hương, hàu biển... góp phần xoá đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống của nhân dân.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuỷ sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2014 ngành thuỷ sản đóng góp khoảng 3,7% vào GDP chung của cả nước. Lĩnh vực này hiện đang giải quyết việc làm cho trên 4,5 triệu lao động. Tổng sản lượng thuỷ sản năm 2014 ước khoảng 6,2 triệu tấn cho giá trị sản xuất vào khoảng 300 nghìn tỉ đồng.

Chính quyền địa phương và Hội Nông dân xã Cam Thịnh Đông cũng đã hỗ trợ cho nông dân vay vốn, mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng ốc hương, hướng dẫn người dân tìm đầu ra ổn định để tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tình trạng "được mùa mất giá". Mặc dù ốc hương là đối tượng nuôi có nhiều triển vọng, nhưng hiện nay chưa thể khuyến khích phát triển đại trà. Các ngành chức năng đang tiến hành quy hoạch vùng nuôi ốc hương và khuyến khích người dân nuôi tại vùng đã quy hoạch.