Giảm nghèo nhờ trồng chanh không hạt

Xác định xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân, đồng thời phấn đấu hoàn thành chương trình NTM.
Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đã tập trung nguồn lực và thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, giúp người dân vươn lên, ổn định cuộc sống.
Ông Hà bên vườn chanh không hạt.
Ngay khi bắt tay vào xây dựng NTM, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành (Hậu Giang) là 11,28%.
Bằng nhiều giải pháp khác nhau, xã tập trung cho công tác giảm nghèo, đến nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,2%.
Chia sẻ về kinh nghiệm giảm nghèo của địa phương, ông Nguyễn Phước Thảo, Bí thư xã Đông Thạnh, cho biết: “Để mục tiêu giảm nghèo thành công, bên cạnh việc đảm bảo trợ cấp thường xuyên và cung ứng các nguồn vốn vay cho người nghèo, xã luôn coi trọng công tác đào tạo nghề và nhất là phổ biến các mô hình kinh tế hiệu quả trong dân”.
Chanh không hạt là một trong những mô hình xã triển khai thực hiện đầu tiên.
Với những ưu điểm trái to, vỏ mỏng, không hạt, nhiều nước, năng suất cao, đầu ra ổn định, nên chanh không hạt đã được nhiều hộ dân lựa chọn làm mũi nhọn trong phát triển kinh tế gia đình.
Loại cây trồng này không những giúp bà con xã Đông Thạnh tăng thêm thu nhập mà còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Cũng nhờ trồng chanh không hạt mà đời sống của gia đình ông Hồ Văn Hà, ở ấp Phước Tiến có nhiều thay đổi.
Ông Hà chia sẻ: “Hồi trước, hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu trước hụt sau, nhưng từ ngày địa phương cho vay vốn làm ăn rồi chỉ cách trồng chanh không hạt thì cuộc sống dần được cải thiện”.
Gần một năm rưỡi miệt mài chăm sóc, những cây chanh không hạt đầu tiên đơm bông kết trái.
Với 200 gốc chanh, bình quân mỗi năm xuất bán từ 10-11 tấn trái, thu về được gần 100 triệu đồng/năm.
Cũng theo ông Hà, cây chanh không hạt trồng càng lâu thì năng suất càng cao, lại không thường xuyên mắc các bệnh khó trị giống các cây “tiểu thư” như: cam, quýt… Những lúc giá xuống thấp cũng từ 8.000-10.000 đồng/kg, nhưng vào các mùa nắng nóng giá từ 20.000-30.000 đồng/kg, thậm chí vào thời điểm hút hàng có khi lên đến 40.000 đồng/kg.
Còn với 3,5 công chanh không hạt của gia đình ông Bùi Văn Xuân, ở ấp Phú Quới mỗi tháng cũng cho thu hoạch trên dưới 1 tấn trái.
“Với giá 35.000 đồng/kg cao gấp 2-3 lần so với chanh thường.
Để tăng thêm thu nhập, đầu năm 2015, gia đình đã mở rộng thêm 4 công chanh nữa”, ông Xuân cho hay.
Ngụ cùng ấp Phú Qưới là ông Tô Chí Tâm cho hay, căn nhà khang trang mà gia đình đang ở cũng là do số tiền từ 400 gốc chanh không hạt.
Trung bình, mỗi năm ông bán được 20 tấn trái, thu được từ 400-500 triệu đồng.
Số lượng bao nhiêu cũng có người mua nên không lo đầu ra.
Đến nay, chanh không hạt không những tiêu thụ mạnh trong nước thông qua các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, mà còn là loại trái cây gia vị được các DN ngoại đẩy mạnh thu gom để XK sang thị trường ngoài nước.
Trong đó, HTX Nông nghiệp Thạnh Phước ở xã Đông Thạnh và Cty The Fruit Republic của Hà Lan là đầu mối tiêu thụ chủ yếu cho vùng chanh không hạt.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Phước, cho biết, HTX thu mua về toàn bộ chanh của các hộ dân.
Mỗi tháng, HTX xuất khẩu khoảng 60 tấn chanh không hạt sang các thị trường Trung Đông và Châu Âu… Bên cạnh việc áp dụng mô hình trồng chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, cách đây gần 2 năm, HTX Nông nghiệp Thạnh Phước còn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Chanh không hạt Hậu Giang".
Đây là những yếu tố để trái chanh không hạt ở vùng đất này đứng vững trên thị trường trong, ngoài nước.
“HTX cũng đã trình lên tỉnh xin ý kiến thành lập cánh đồng lớn chanh không hạt và hiện tại HTX cũng đang phối hợp với huyện Châu Thành triển khai kế hoạch này”, ông Chiến cho hay.
Giờ đây, trên con đường bê tông bằng phẳng đầy màu xanh dẫn về trung tâm xã, hay vùng nông thôn sâu đều thấy cảnh mái ngói khang trang mọc lên san sát, người dân ai cũng vui mừng vì không còn lo cái ăn, cái mặc như trước đây.
Tất cả đều nhờ địa phương triển khai kịp thời, hiệu quả các mô hình kinh tế, điều này còn góp phần để xã đạt tiêu chí hộ nghèo và được công nhận xã NTM vừa qua.
Có thể bạn quan tâm

Bill Battle chăm chú ngó qua cửa chiếc xe tải hạng nhẹ đậu trong trang trại cá da trơn của mình, trang trại Pride of the Pond, gần Tunica, Mississippi. Đất đai nơi đây dẹp lép như chiếc bánh kếp, bị chia tách bởi những ao lớn, một số chứa đến 100.000 pound cá da trơn (1 pound = 453 gram).

Đã qua, nhiều hộ chụp lưới cá thu hoạch mỗi đợt từ 5-7 triệu đồng. Năm nay, giá cá khá cao, nhiều hộ mở rộng diện tích nuôi cá đồng ở vụ tiếp theo.

Sản lượng thu hoạch đến cuối tháng 2-2014 hơn 2.930 tấn, đạt 5,64% kế hoạch, tăng 4,75% so với cùng kỳ. Một số địa phương có diện tích thả nuôi lớn như: huyện An Minh 31.940ha, Vĩnh Thuận 18.554ha, An Biên 8.683ha…

Từ đầu năm đến nay, các tổ chức cá nhân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố Hải Phòng thu hoạch 7.401 tấn thủy sản các loại, vượt 9,56% kế hoạch 2014. Riêng trong tháng 2 vừa qua, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 12.335 ha, giảm 179 ha so với cùng kỳ năm trước.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An (Phú Yên), kể từ sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đến nay, nhờ hoạt động khai thác thủy sản trên biển ổn định, được mùa nên sản lượng khai thác thủy sản của huyện đạt khá cao.