Giải Quyết Điểm Nóng Dịch Bệnh Trên Tôm Tại Sóc Trăng

Ngày 19/03/2014, tại Thị xã Vĩnh Châu đã diễn ra hội nghị sơ kết sản xuất nông nghiệp – Thủy sản quí 1/2014 trên địa bàn thị xã. Ông Lê Thành Trí – PCT UBND tỉnh đã tham dự hội nghị.
Theo các báo cáo tại hội nghị, không như nhiều địa phương khác trong tỉnh, tình hình dịch bệnh trên tôm tại Thị xã Vĩnh Châu tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, tôm vẫn tiếp tục nhiễm bệnh, chết và nông dân vẫn tiếp tục thả giống bất chấp lệnh công bố dịch kể từ giữa tháng 2/2014 của địa phương.
Theo thống kê, từ đầu vụ đến nay, trên địa bàn thị xã đã thả nuôi được 2.302 ha tôm thẻ chân trắng, tổng diện tích bị thiệt hại là 1.516 ha (chiếm 65,86% diện tích), trong đó diện tích bị thiệt hại kể từ ngày công bố dịch là 534 ha. Về qui mô thâm canh có 622 ha, bị thiệt hại 292 ha (chiếm 46,95%), bán thâm canh là 1.680 ha, thiệt hại 1.224 ha (chiếm 72,86%).
Nhiều xã, phường trên địa bàn tỷ lệ tôm bị thiệt hại rất cao như xã Vĩnh Hiệp (93%), phường Khánh Hòa (87,3%), Hòa Đông (79,9%), phường 2 (75,8%), Vĩnh Phước (69%)….
Bên cạnh đó, diện tích thả nuôi tôm sú từ đầu vụ đến nay là 372 ha, diện tích bị thiệt hại là 96 ha, trong đó diện tích bị thiệt hại kể từ ngày công bố dịch là 21 ha.
Các ý kiến phát biểu cho rằng, nguyên nhân của tình hình dịch bệnh như trên là do giá tôm đang rất cao, hấp dẫn nông dân thả nuôi bất chấp lệnh công bố dịch của địa phương.
Diễn biến bất lợi của thời tiết, tiến độ thả giống năm trước kéo dài, thả nuôi xen kẽ ở hầu hết các vùng nuôi nên việc quản lý nguồn nước, giám sát tình hình dịch bệnh hết sức khó khăn.
Ngoài ra, tốc độ chuyển đổi sang nuôi tôm thẻ quá nhanh, chất lượng tôm giống không thể kiểm soát cũng là những yếu tố bất lợi ngay từ đầu vụ khiến cho diễn biến dịch bệnh trên tôm kéo dài và có xu hướng ngày càng phức tạp hơn tại Vĩnh Châu.
“Không như các địa phương, các huyện khác trong tỉnh, trong khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, khâu nuôi trồng đã được khôi phục và phát triển thì tình hình dịch bệnh tại Vĩnh Châu vẫn tiếp tục treo lơ lửng, gây đau đầu cho cơ quan quản lý, người nuôi tôm” Ông Lê Thành Trí nhận xét.
Đồng thời, từ các ý kiến phát biểu tại hội nghị, ông Trí cho rằng để kiểm soát được dịch bệnh, Thị xã Vĩnh Châu nên nâng cao và tăng cường vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác quản lý trong đó tập trung vào khung lịch thời vụ, kiểm soát tình hình thả giống của nông dân đặc biệt là tăng cường công tác kiểm dịch con giống nhập tỉnh, quản lý chất lượng thuốc, hóa chất thủy sản và công tác quan trắc môi trường.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, nuôi cá rô đồng trên ao có bao bọc vải nhựa xung quanh bờ và mặt đáy, đang được nhiều nông dân tại xã Phước Thạnh (Châu Thành – Bến Tre) áp dụng và thu lãi khá cao.
Đó là “Hệ thống lạnh cho tàu đánh bắt xa bờ”, do TS Phan Quí Trà và Ths Hồ Quốc Sơn (Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng) phối hợp với Sở KH&CN Đà Nẵng thực hiện.

Người nuôi cá ở tỉnh Ifigao, Philippin, đã tìm ra một phương án mới để tăng thu nhập cho mình. Các hợp tác xã nuôi cá địa phương tin rằng họ có thể tăng gấp đôi thu nhập của mình thông qua nuôi ghép cá rô phi và tôm.

Dong thuyền ngay con trăng đầu tiên trước thềm năm mới, hàng ngàn ngư dân bỏ lại niềm vui ngày Tết ở quê nhà để thu được những mẻ lưới đầy ắp hải sản. Những ngư dân ấy vừa cho tàu cập bến trong niềm hân hoan thắng lợi đầu năm mới…

Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh khuyến cáo các hộ nuôi tôm ở vùng ngập mặn, ven biển thuộc 4 huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành lùi lịch thời vụ thả tôm giống, chờ đến khi thời tiết ấm lên và môi trường ổn định trở lại mới bắt đầu thả giống.