Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giải Pháp Phát Triển Chăn Nuôi Bền Vững Ở Lào Cai

Giải Pháp Phát Triển Chăn Nuôi Bền Vững Ở Lào Cai
Ngày đăng: 11/06/2012

Những năm gần đây, chăn nuôi theo hình thức trang trại đã hình thành và phát triển mạnh. Toàn tỉnh Lào Cai, hiện có 167 cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chí trang trại, trong đó 81 trang trại nuôi lợn, 86 trang trại nuôi gia cầm. Các mô hình trang trại chăn nuôi đã ứng dụng công nghệ mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, đây cũng là hướng phát triển được chú trọng trong thời gian tới.

Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến cuối năm 2011 (trước khi xảy ra dịch bệnh lở mồm, long móng và dịch tai xanh), đàn lợn trên địa bàn tỉnh có 422 nghìn con, đàn trâu 123 nghìn con, đàn bò 17 nghìn con và đàn gia cầm trên 2,9 triệu con. Tuy số lượng giảm so với cùng kỳ, nhưng sản lượng thịt tăng đáng kể, năm 2011, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại gia súc, gia cầm đạt 32 nghìn tấn, tăng 7,5% so với 2010. Sản lượng này cơ bản đáp ứng nhu cầu về thực phẩm trên thị trường trong tỉnh và một phần xuất bán sang tỉnh khác.

Tuy nhiên, thời gian qua, lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh đứng trước nhiều khó khăn, như dịch tai xanh, dịch lở mồm, long móng gây thiệt hại đáng kể cho người chăn nuôi. Dịch lở mồm, long móng xảy ra từ đầu tháng 3/2012 tại 15 thôn, bản của 8 xã thuộc 5 huyện làm 50 con trâu, bò và 164 lợn mắc bệnh. Dịch tai xanh xảy ra cuối năm 2011 cũng đã gây thiệt hại không nhỏ, trong đó, riêng đợt dịch từ ngày 14/4/2012 đến ngày 7/5/2012, xảy ra tại 115 hộ thuộc 37 thôn, tổ của 9 xã, thị trấn ở 3 huyện: Bảo Thắng, Bát Xát và Bắc Hà đã làm 1.482 con lợn mắc bệnh, số lợn đã tiêu hủy là 1.060 con (56 tấn).

Điều dễ nhận thấy là các điểm phát sinh dịch hầu hết đều ở những mô hình chăn nuôi theo hình thức truyền thống với quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Việc chưa chủ động được nguồn giống khiến chăn nuôi của tỉnh thiếu bền vững trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Ông Nguyễn Hữu Lý, Trưởng phòng Kinh tế huyện Bảo Thắng cho rằng: Một trong những nguyên nhân làm cho dịch bệnh khó kiểm soát là do địa bàn chưa tự sản xuất đủ con giống, việc nhập lợn giống từ các tỉnh khác vào địa bàn hàng năm rất lớn dễ là nguồn lây lan bệnh dịch. Ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ chăn nuôi, như trung tâm sản xuất giống chất lượng cao, cơ sở chế biến thức ăn đang là yêu cầu cần thiết. Theo chủ trương của tỉnh, huyện Bảo Thắng đang lên kế hoạch xây dựng khu sản xuất giống để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, điều này sẽ tạo nên những thuận lợi đáng kể cho người chăn nuôi Bảo Thắng nói riêng và ngành chăn nuôi Lào Cai nói chung.

Sau dịch bệnh, tâm lý người chăn nuôi đang bị ảnh hưởng đáng kể, vấn đề đang đặt ra trước mắt là các địa phương cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để hộ gia đình, các trang trại tái đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi. Tuy nhiên, việc tái đàn cần được kiểm soát tốt hơn, không thực hiện một cách ồ ạt, không nhập con giống trôi nổi. Tái đàn phải đi đôi với những giải pháp triệt để như: Nâng cao trình độ kỹ thuật, điều kiện chăn nuôi, nhận thức về chủ động phòng, chống dịch bệnh. Hạn chế việc chăn nuôi đại gia súc phụ thuộc chủ yếu vào thức ăn tự nhiên, nâng cao tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh, phòng, chống rét.

Để phát triển chăn nuôi thực sự bền vững, ngành nông nghiệp và các địa phương cần tính đến những giải pháp mang tính chiến lược, như áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tăng năng suất và hiệu quả chăn nuôi. Tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng tăng trang trại công nghiệp, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ, sớm quy hoạch lại vùng chăn nuôi hàng hóa. Tăng cường công tác quản lý môi trường trong chăn nuôi nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và lây lan bệnh dịch.

Có thể bạn quan tâm

Vân Canh (Bình Định) Nghiệm Thu Mô Hình Trồng Cây Sa Nhân Dưới Tán Rừng Vân Canh (Bình Định) Nghiệm Thu Mô Hình Trồng Cây Sa Nhân Dưới Tán Rừng

Được biết, mô hình này triển khai 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, bắt đầu trồng từ tháng 10.2014, với số lượng 2.000 cây, trên diện tích 0,5ha; giai đoạn 2 sẽ trồng tiếp 0,5 ha trong năm 2015. Sau khi trồng thí điểm thành công, Ban Quản lý rừng phòng hộ sẽ tiến hành chuyển giao kỹ thuật, mở rộng diện tích giúp người dân phát triển kinh tế gia đình và tham gia bảo vệ rừng.

29/12/2014
Để Chè Shan Tuyết Nghệ An Để Chè Shan Tuyết Nghệ An "Vươn Xa"

Với khoảng thời gian hơn 10 năm, cây chè Shan tuyết khẳng định ưu thế trên vùng đất Huồi Tụ và Mường Lống của huyện biên giới Kỳ sơn. Sản phẩm chè Shan tuyết ở Nghệ An đã được người tiêu dùng biết đến. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị, cần tăng cường công tác chế biến và quảng bá cho thương hiệu vươn xa hơn…

29/12/2014
Lấp Vò (Đồng Tháp) Vào Mùa Thu Hoạch Rộ Khoai Môn Và Kiệu Lấp Vò (Đồng Tháp) Vào Mùa Thu Hoạch Rộ Khoai Môn Và Kiệu

Hiện tại, bà con vùng màu của huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đang vào mùa thu hoạch rộ khoai môn và củ kiệu. Theo phản ánh của bà con nông dân, do năm nay thời tiết không thuận lợi nên năng suất của kiệu và khoai môn giảm trung bình từ 20 – 30% so với cùng kỳ năm trước.

29/12/2014
Rau Quả Xuất Siêu Gần 1 Tỉ Đô La Mỹ Rau Quả Xuất Siêu Gần 1 Tỉ Đô La Mỹ

Năm nay, do những thông tin rau quả nhập từ Trung Quốc không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên kim ngạch nhập khẩu rau quả từ quốc gia này trong 11 tháng của năm 2014 ở mức gần 136 triệu đô la Mỹ, bằng 95% cùng kỳ năm 2013. Thái Lan trở thành quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu rau quả lớn nhất với giá trị đạt gần 140 triệu đô la Mỹ trong 11 tháng của năm nay, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước và chiếm hơn 29% thị phần.

29/12/2014
Sự Kiện Quản Lý Bệnh Vi Khuẩn Hại Lúa Sự Kiện Quản Lý Bệnh Vi Khuẩn Hại Lúa

Các vụ lúa gần đây bệnh vi khuẩn bộc phát mạnh, gây hại nặng làm tăng chi phí sản xuất, giảm năng suất lúa. Tham dự sự kiện này, nông dân được tham quan 4 trại trưng bày mẫu vật bao gồm các mẫu lúa bị nhiễm bệnh, hướng dẫn cách nhận diện chính xác triệu chứng các bệnh do nấm, do vi khuẩn, biện pháp chủ động phòng trị hiệu quả, an toàn và nhận dạng thuốc bảo vệ thực vật chính hiệu, hạn chế tình trạng mua nhầm hàng kém chất lượng.

29/12/2014