Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giấc Mơ Thương Hiệu Chè Thượng Nguyên

Giấc Mơ Thương Hiệu Chè Thượng Nguyên
Ngày đăng: 29/10/2014

Một tay rót chén nước chè thơm lừng mời chúng tôi và cũng một tay ấy, anh nâng ly lên, nhấp từng chút một, thưởng thức vị thơm, ngon của nước chè xanh.

Anh nói, đời anh làm gì cũng bằng… một tay, một tay tiên phong trong việc trồng chè và tạo dựng thương hiệu chè xanh trên vùng gò đồi Thượng Nguyên (Hải Lâm, Hải Lăng, Quảng Trị) với hơn 1 ha chè, mà cứ mỗi sáng thức giấc là “bỏ túi” 500.000 đồng, một tay đưa cuộc sống gia đình vượt lên khó khăn, làm giàu trên đất khó. Anh chính là Nguyễn Văn Thành mà mọi người vẫn trìu mến gọi là Thành “một tay”.

Đứng giữa vườn chè bát ngát màu xanh, chúng tôi mới cảm nhận hết được giá trị cũng như vị thơm ngon của nước chè xanh vừa mới được thưởng thức.

Cây chè của anh Thành phát triển trong điều kiện khí hậu, thời tiết và đất đai trên vùng gò đồi nên có những đặc tính riêng trong quá trình sinh trưởng và phát triển, từ đó cho ra những bát nước chè xanh thơm ngon, hương vị đặc biệt, không thể lẫn với các loại chè khác. Thêm một điều để người ta ưa chuộng chè của anh chính là loại chè ấy kết tinh của những nỗ lực không biết mệt mỏi trên vùng đất khó.

Anh Thành nhớ lại, ngày trước, cuộc sống gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn. Tuổi trẻ giàu nhiệt huyết và quyết tâm thay đổi cuộc sống, anh không quản ngại khó khăn, vất vả khi ngày đêm cơm đùm gạo bới, tay mang cuốc, tay cầm rựa đi khai hoang vùng gò đồi Hải Lâm.

Trong một lần khai hoang, nhát cuốc của anh trúng phải bom mìn nằm ẩn dưới lòng đất. Một tiếng nổ chát chúa vang lên. Tỉnh dậy, thấy mình nằm trong bệnh viện và cánh tay phải không còn, anh đau đớn vô cùng. Sau ngày định mệnh năm 1979 ấy, cuộc sống của anh gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng anh chưa bao giờ mặc cảm, tự ti về thân phận khuyết tật.

“Vài tháng sau ngày định mệnh ấy, tôi tập làm quen với cuộc sống chỉ có một tay. Xác định rõ khó khăn gặp phải sẽ nhiều hơn, nên cần phải nỗ lực lớn hơn nữa mới mong vượt qua tất cả, có cuộc sống tươi đẹp”, anh tâm sự.

Sức khỏe dần hồi phục, anh tiếp tục hành trình đang còn dang dỡ. Những giọt nước mắt, mồ hôi chảy xuống đã biến mảnh đất khó trở thành mảnh đất đầy hy vọng với 3 ha rừng phát triển tốt, mang lại cho anh khoản thu nhập lớn.

Niềm vui càng được nhân lên khi cô thôn nữ Nguyễn Thị Lợi đồng ý lời cầu hôn của anh và lần lượt sinh cho anh 4 đứa con. Đó chính là động lực lớn để anh thêm vững vàng niềm tin và hạ quyết tâm đánh thức tiềm năng, lợi thế vùng gò đồi, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Năm 2009, anh có một quyết định khá táo bạo là trồng chè trên diện tích hơn 1 ha rừng tràm vừa mới khai thác xong. Anh Thành chia sẻ: “Cuộc sống người dân ở vùng đất này luôn gắn với cây chè. Nhà nào cũng trồng chè, vừa để uống hàng ngày, vừa bán cho mọi người. Nhưng chưa có ai trồng với số lượng lớn. Từ đó, tôi tin mình sẽ gặt hái thành công với cây chè”.

Quyết tâm đổi thay cuộc đời bằng cây chè của anh trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả. Hơn 3 tháng trời ngày cũng như đêm, đánh vật với những đống đất đá, từng mớ rễ cây hỗn độn nằm sâu trong lòng đất, anh Thành “một tay” đã chinh phục thành công vườn gò đồi. Anh trở về nhà chọn những gốc, nhánh chè chất lượng đem lên trồng. Anh cho biết thêm, việc trồng chè, giai đoạn đầu tốn rất nhiều công sức, tiền của.

Từ khi trồng đến khi thu hoạch mùa vụ đầu tiên phải mất ba năm. Đến năm 2012, hơn 1 ha chè của anh cho thu hoạch, chính thức đánh dấu sự đổi thay không chỉ cho gia đình anh, mà còn mang đến cho vùng đất gò đồi Thượng Nguyên một cây trồng mới mang tính bền vững và hiệu quả cao.

1 giờ sáng, anh Thành đánh thức chúng tôi dậy, uống chén nước chè xanh bốc khói và bắt đầu đi hái “lộc chè”. Mặt trời hé những tia sáng đầu tiên, cũng là lúc công việc hái chè của vợ chồng anh kết thúc. Anh Thành châm điếu thuốc lá, rít một hơi dài rồi cười tươi, vậy là đã “hái” được 500.000 đồng.

Những ngày thường, bình quân thu nhập là thế, còn vào những ngày mùa hè nóng nực, thì vợ chồng anh hái chè với số lượng nhiều hơn, bởi người tiêu dùng cần nhiều. Điều đó đồng nghĩa là số tiền thu về lớn hơn. Chị Lợi chào chúng tôi, rồi bỏ mấy bao tải chè lên xe, hướng về thị trấn Hải Lăng để giao hàng cho thương lái đem chè đi phân phối ở nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh.

Anh Thành tâm sự: “Muốn thay đổi cuộc sống, trước tiên là phải đi đầu trong việc ứng dụng mô hình mới mà chưa ai từng làm. Không có gì vui bằng khi trải qua nhiều thăng trầm trong phát triển kinh tế để rồi một lúc nào đó những giọt mồ hôi đổ ra đã hóa thành những mùa quả ngọt”.

Với những am hiểu tường tận về thời tiết, đất đai vùng gò đồi, anh Thành còn chú trọng phát triển các cây trồng khác bên cạnh cây chè như: sắn, sả, dứa… Anh nhấn mạnh, các cây trồng đó vừa giúp ổn định cuộc sống gia đình, vừa có nguồn vốn trợ lực cho ước mơ phủ xanh cây chè trên vườn đồi hơn 3 ha.

Hiện nay, mô hình kinh tế tổng hợp của anh bình quân mỗi năm lãi ròng hơn 150 triệu đồng, từ hơn 1 ha chè, 2 ha rừng, gần 1 ha sắn, dứa, sả, hơn 40 con lợn nái, lợn thịt, trên 200 con gà. Trong đó, cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập lớn và ổn định nhất là cây chè, với thu nhập bình quân mỗi ngày 500.000 đồng.

Khi cây chè mang lại hiệu quả cao, anh cũng tích cực hướng dẫn người dân địa phương về kỹ thuật, kinh nghiệm, nguồn giống… để cùng nhân rộng mô hình trồng chè, hướng đến xây dựng thương hiệu chè Thượng Nguyên trên vùng gò đồi Hải Lăng.

Câu chuyện về “Thành một tay” đưa cuộc sống gia đình vượt lên khó khăn được mọi người truyền tai nhau, với biết bao lời khen ngợi, xen lẫn lòng khâm phục.

Anh Thành phóng tầm mắt ra xa, rồi dừng lại ở những cây chè xanh tốt. “Thời gian tới, sau khi khai thác 2 ha rừng, tôi sẽ chuyển diện tích này sang trồng chè, đồng thời, dành một phần diện tích còn lại để trồng các loại cây như cam, chanh, thanh long ruột đỏ, phát triển mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn hơn, nhằm làm đa dạng cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở vùng gò đồi”.

Và anh mơ một ngày không xa, thương hiệu chè Thượng Nguyên sẽ có mặt trên mọi miền đất nước, trong mỗi nếp nhà...


Có thể bạn quan tâm

Cây Trồng Chủ Lựcở Khánh Sơn (Khánh Hòa) Nhiễm Sâu Bệnh Cây Trồng Chủ Lựcở Khánh Sơn (Khánh Hòa) Nhiễm Sâu Bệnh

Chưa bao giờ tình hình sâu bệnh hại cây trồng tại Khánh Sơn (Khánh Hòa) lại diễn biến phức tạp và nghiêm trọng như hiện nay. Các loại cây trồng chủ lực của huyện như: sầu riêng, mít nghệ, hồ tiêu… đều đã bị nhiễm sâu bệnh trên diện rộng, gây nhiều thiệt hại cho bà con nông dân.

06/08/2014
Giải Pháp Phát Triển Hợp Tác Xã Phục Vụ Cho Đề Án Tái Cơ Cấu Ngành Nông Nghiệp Giải Pháp Phát Triển Hợp Tác Xã Phục Vụ Cho Đề Án Tái Cơ Cấu Ngành Nông Nghiệp

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Sở Công Thương, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh vừa phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển HTX phục vụ cho Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh” với sự tham gia của đại diện các sở, ngành, đoàn thể; lãnh đạo các địa phương, các HTX và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

28/07/2014
Ký Hợp Đồng Bao Tiêu 800 Ha Lúa Của Hợp Tác Xã Bình Thành Ký Hợp Đồng Bao Tiêu 800 Ha Lúa Của Hợp Tác Xã Bình Thành

Được biết, vùng sản xuất lúa ở Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bình Thành có hệ thống giao thông hoàn chỉnh, có thể vận chuyển lúa bằng xe tải hoặc ghe; hệ thống ô bao và tưới tiêu đảm bảo sản xuất đồng loạt đáp ứng được khối lượng lớn lúa mà doanh nghiệp yêu cầu; Hợp tác xã đủ năng lực để doanh nghiệp giao dịch ký hợp đồng.

28/07/2014
Giá Gừng Hạ Nhiệt, Cam Xoàn Tăng Giá Giá Gừng Hạ Nhiệt, Cam Xoàn Tăng Giá

Các tiểu thương cho biết, hiện giá gừng đã giảm một nửa so với cách đây một tuần. Hiện tại, giá gừng non chỉ ở mức 40.000-45.000 đồng/kg (lúc cao nhất lên đến 80.000-100.000 đồng/kg). Tuy nhiên với giá này vẫn còn cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013.

06/08/2014
Những Nông Dân Vượt Khó, Vươn Lên Làm Giàu Những Nông Dân Vượt Khó, Vươn Lên Làm Giàu

Những năm qua, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi được nông dân huyện Cao Lãnh tích cực hưởng ứng. Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng bằng chính đôi tay, khối óc của mình.

28/07/2014