Giá trị xuất khẩu tiêu giảm nhẹ dù giá vẫn tăng

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT): 8 tháng đầu năm, xuất khẩu tiêu chỉ đạt 104 nghìn tấn với giá trị 978 triệu USD.
Mặc dù tính chung xuất khẩu tiêu giảm cả lượng và giá trị, tuy nhiên suốt từ đầu năm đến nay, giá tiêu xuất khẩu vẫn luôn ở mức cao. Tính bình quân 7 tháng đầu năm giá xuất khẩu đạt 9.373 USD/tấn, tăng 28,11% so với cùng kỳ năm 2014. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam là Hòa Kỳ, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và Singapore với 38,86% thị phần.
Theo bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA): Năm nay, giá xuất khẩu tiêu luôn ở mức cao nhưng hàng xuất khẩu đi bị trả về nhiều hơn hẳn những năm trước, đặc biệt là ở những thị trường “khó tính” như EU, Nhật Bản.
Nguyên nhân là bởi hàng xuất đi không đảm bảo các yêu cầu về chất lượng. Trong quá trình thu hoạch và trữ tiêu, nông dân đã sử dụng chất Carbendazim để trữ tiêu và trừ nấm.
Bên cạnh đó, tiêu được thu mua qua hệ thống thương lái từ các hộ nhỏ dẫn tới tình trạng tiêu sạch và tiêu bẩn trộn lẫn nhau rồi đem bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu khiến chất lượng tiêu không đảm bảo.
Ngoài ra, khó khăn doanh nghiệp gặp phải vẫn là vấn đề thiếu phòng kiểm định chất lượng tiêu có thể đáp ứng yêu cầu. Hiện nay các phòng kiểm định đạt tiêu chuẩn quốc tế có thể phân tích được 543 chỉ tiêu để kiểm soát hàng hoá nông sản liên quan đến xuất khẩu, trong đó có hồ tiêu nhưng các phòng kiểm định trong nước chỉ phân tích được chưa đến 200 chỉ tiêu.
Vì vậy, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu tiêu sang các thị trường “khó tính” thường phải gửi mẫu xuất khẩu ra nước ngoài trước 2 tuần để kiểm định với chi phí không hề nhỏ.
Để giải quyết vấn đề này, VPA đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét đầu tư xây dựng đơn vị kiểm định chất lượng của Nhà nước có năng lực phân tích mẫu theo tiêu chuẩn quốc tế (phân tích được 543 chỉ tiêu) để kiểm soát hàng hoá nông sản liên quan đến xuất khẩu, cấp giấy chứng nhận, giúp DN giảm chi phí và thời gian, đồng thời giúp kịp thời xử lý các vấn đề liên quan tới chất lượng hồ tiêu xuất khẩu.
Hình thức đầu tư có thể từ nguồn ngân sách hoặc bằng hình thức góp vốn, xã hội hoá đầu tư.
Có thể bạn quan tâm

Với những ưu thế kỹ thuật nuôi mới, giá cả, thị trường tiêu thụ, tôm chân trắng đã trở thành sự lựa chọn của không ít hộ nông dân. Tuy nhiên, tôm chân trắng là đối tượng không phù hợp cho nuôi trong vùng nước ngọt. Tình trạng phát triển nuôi ở vùng nước ngọt được xem là “lợi bất cấp hại” và cần phải được kiểm soát chặt chẽ.

Theo ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP, hiện chỉ có 7 DN đã được dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ XK thủy sản vào Liên bang Nga (5 DNXK cá tra và 2 DNXK tôm). “Con số này là quá ít trong khi đó đã có nhiều DN thủy sản Việt Nam hội đủ các điều kiện về an toàn thực phẩm, công suất chế biến có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường này”.

Nuôi tôm trên chân ruộng lúa mùa lũ thời gian qua mang lại lợi nhuận khá cao cho nhiều nông dân. Năm nay nước lũ về sớm gần 1 tháng nên con tôm “lên đồng” sớm hơn. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của mực nước thượng nguồn khiến nhiều hộ nuôi tôm hết sức lo lắng.

Trưa, cái nắng đầu hè như đang “rán” chúng tôi trên đường đất cát dẫn đến mô hình trang trại “chăn nuôi tổng hợp” của một kỹ sư ngành công nghệ thông tin. Anh là Nguyễn Thanh Tuấn (38 tuổi; ở thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).

Thuỷ Bằng có khoảng 74 ha thanh trà, nhiều nhất của thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế). Đây là một trong những giống cây chủ lực của địa phương, tập trung chủ yếu ở vùng Tân Ba, Vĩ Dạ và một số thôn khác dọc theo sông Hương như: Cư Chánh 2, Dạ Khê, An Ninh, Dương Phẩm, Võ Xá, Bằng Lãng. Không nhiều, nhưng Thuỷ Bằng cũng có hơn 5ha thanh trà được tham gia sử dụng nhãn hiệu “Thanh trà Huế”.