Giá Tôm Tăng Cao, Nhiều Hộ Dân Thu Bạc Tỷ

Trong khoảng hơn nửa tháng trở lại đây, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng (tôm nước lợ) trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng tiếp tục tăng và hiện đứng ở mức cao.
Cũng như mọi năm, sau Tết Nguyên đán thường là thời điểm nguyên liệu tôm chế biến khan hiếm nên giá tôm được đẩy lên cao.
Nhiều hộ dân nhờ giá tôm tăng mạnh đã thu bạc tỷ chỉ trong thời gian 2-3 tháng thả nuôi với loại tôm thẻ chân trắng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều hộ nuôi tôm tại thị xã Vĩnh Châu, Trần Đề, Mỹ Xuyên thu hoạch tôm với giá được các thương lái về tận ao thu mua cao hơn so với trước Tết Nguyên đán khoảng 5.000 đồng/kg.
Trong mấy ngày qua, giá tôm thẻ chân trắng loại 50 con/kg, được bán ở mức 180-190.000 đồng/kg, loại 60 con/kg có giá 165-170.000 đồng/kg, còn loại tôm kích cỡ nhỏ khoảng 100 con/kg cũng có giá tới 120.000 đồng/kg (tăng trung bình từ 20-30.000 đồng/kg so với thời điểm cùng kỳ năm trước.
Đối với tôm sú loại 20 con/kg, giá đứng ở mức 285-300.000 đồng/kg, còn tôm sú loại 30 con/kg giá 245-250.000 đồng/kg (trung bình giá tôm sú hiện nay cũng cao hơn cùng kỳ khoảng trên 30.000 đồng/kg).
Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam, nhiều khả năng từ nửa cuối tháng Ba tới, giá tôm mới hạ nhiệt do tôm nguyên liệu Thái Lan đang đà hồi phục.
Do giá tôm tăng cao nên người nuôi tôm Sóc Trăng đang tích cực cải tạo ao vuông tiếp tục thả nuôi cả tôm thẻ chân trắng và tôm sú.
Hiện toàn tỉnh đã thả được trên 4.600ha tôm nước lợ, trong đó chủ yếu là tôm thẻ với khoảng 4.200ha, còn lại là tôm sú.
Với những diện tích thả sớm, người nuôi đã thu hoạch được trên 700ha tôm thẻ do có thời gian nuôi nhanh thu hoạch hơn, chỉ 80-100 ngày là thu hoạch.
Tuy nhiên, do nuôi ồ ạt nên việc chăm sóc, cải tạo chưa kỹ, cộng với nguồn giống tôm chưa đảm bảo nên trong những ngày nắng nóng gần đây, hiện tượng tôm tốt chết đã có dấu hiệu gia tăng. Đã có gần 1.300ha tôm chết, chủ yếu là tôm thẻ, chiếm tới 28% diện tích thả nuôi, tập trung nhiều nhất là ở huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu.
Ngành nông nghiệp của tỉnh đã khuyến cáo các hộ nuôi tạm ngưng thả giống ở những vùng trọng điểm dịch bệnh và thận trọng xem xét các yếu tố thời tiết, môi trường nguồn nước xung quanh trước khi thả nuôi...
Có thể bạn quan tâm

Gần 100 hộ nuôi cá lồng tại đầm Lập An ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, không dám tin vào mắt mình khi chỉ trong hơn 1 ngày, toàn bộ số cá nuôi trong lồng có giá trị cao đang gần đến kỳ thu hoạch của họ đã chết sạch

Sau khi thất bại với con cá rô đầu vuông, anh Phan Văn Khiêm, ở ấp Hòa Bình, thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang chọn nuôi cá trê vàng và bước đầu đã mang lại hiệu quả

Mặc dù còn trẻ nhưng Trần Văn Diên ở xã Cam Thành Nam (Cam Ranh - Khánh Hòa) đã trở thành điển hình trong việc lập nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương

Cá Dứa (Pangasius kunyit) là một loài cá da trơn sống ở vùng nước lợ. Với ưu thế là loài cá quý, từ lâu được người dân ĐBSCL cho là thịt thơm ngon hơn cá tra, cá basa nhiều lần. Nhu cầu tiêu thụ rất lớn, là món đặc sản ở các quán, nhà hàng. Vì vậy cá Dứa đã và đang là đối tượng nuôi có triển vọng trong tương lai ở vùng Nhà Bè và Cần Giờ

Hàng chục hộ nông dân ở xã Phong Hiền (huyện Phong Điền, tỉnh TT- Huế) đang rơi vào cảnh khốn đốn vì mua phải phân bón kém chất lượng, đã “giết” hàng chục ha lúa và hoa màu. Trong khi người dân kêu cứu nhiều nơi thì Công ty sản xuất phân bón lại im hơi lặng tiếng!