Giá Tôm Càng Xanh Sụt Giảm Mạnh

Hiện nay, tôm càng xanh trên địa bàn huyện Tam Nông (Đồng Tháp) bước vào vụ thu hoạch, nhưng giá lại sụt giảm mạnh. Theo thông tin ban đầu là do công ty không thực hiện thu mua, mặc dù đã có làm việc và thỏa thuận giá với người dân...
Xuất phát từ việc đầu ra chưa ổn định, nhiều hộ nuôi tôm trên dịa bàn huyện nghỉ hoặc thu hẹp diện tích. Diện tích tôm nuôi thả trên 600ha, giảm trên 140ha so với năm 2012. Theo đánh giá của UBND huyện Tam Nông, năm nay, diện tích tôm càng xanh thả ít do giá thức ăn thủy sản tăng cao, giá bán không ổn định vì thế người dân không mở rộng thêm diện tích như kế hoạch đề ra.
Một trong những điều kiện thuận lợi đối với người nuôi tôm năm nay là lượng nước lũ về nhiều giúp cho tôm phát triển tốt, hạn chế chi phí đầu vào cho công đoạn thay nước và thuốc. Tuy nhiên, khó khăn trước mắt của người dân là giá tôm sụt giảm mạnh. Hiện nay, giá tôm dao động từ 170.000 - 180.000 đồng/kg, giảm 60.000 - 70.000 đồng/kg so với lúc cao điểm của những năm trước.
Ông Nguyễn Sĩ Khánh - Trưởng Trạm Thủy sản huyện Tam Nông cho biết, một số công ty có ý định thu mua tôm của huyện, sau đó đến làm việc, chào giá và được sự đồng thuận từ người dân, nhưng đến nay họ lại không tiến hành tiêu thụ. Theo đó, một số thương lái tranh thủ ép giá.
Ông Hứa Văn Điển ngụ xã Phú Thành B cho hay: “Tôi khá thất vọng với giá tôm hiện nay. Theo tính toán thì tôi có thể mất từ 500 - 600 triệu đồng trên tổng diện tích nuôi. Trong khi vốn đầu tư cao và tốn nhiều công chăm sóc”. Nhằm giảm bớt áp lực cho sản lượng tôm, nhiều hộ nuôi cũng đã kéo dài thời gian thu hoạch để chờ giá. Theo tính toán, mỗi hecta người nuôi phải đầu tư nguồn vốn khoảng 200 triệu đồng, vấn đề đặt ra bức thiết nhất hiện nay là người nuôi cần một đầu ra ổn định.
Anh Lê Thành Công - xã Phú Thành B chia sẻ: “Trong sản xuất, hiện tại cần lắm việc liên kết tiêu thụ sản phẩm mang tính chắc chắn, phải có sự ràng buộc với nhau, còn nếu như tình trạng “tiêu thụ miệng” thì người nuôi vẫn thiệt thòi”.
Ông Nguyễn Sĩ Khánh chia sẻ: “Trong thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh khâu tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm, có sự gắn kết ràng buộc giữa hai bên, tuy vậy đến nay vẫn chưa có đối tác nào như mong đợi. Thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh khâu liên kết để tạo đầu ra ổn định cho người nuôi an tâm sản xuất. Riêng với tình hình hiện nay, huyện đang tìm một số thương lái uy tín để tiêu thụ lượng tôm cho người nuôi”.
Có thể bạn quan tâm

Theo báo cáo Tổng cục Thủy sản, trong tháng 11, ước tổng sản lượng thủy sản đạt 471 nghìn tấn, trong đó sản lượng khai thác 207 nghìn tấn, sản lượng nuôi trồng 264 nghìn tấn. Lũy kế 11 tháng đầu năm tổng sản lượng thủy sản ước đạt 5,7 triệu tấn (tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2013), trong đó sản lượng khai thác đạt 2,7 triệu tấn (tăng 5,5%) sản lượng nuôi trồng 3 triệu tấn (tăng 4,5%).

Trưởng phòng Dịch tễ Chi cục Thú y tỉnh Long An - Nguyễn Văn Cường cho biết: “2 nguyên nhân chính khiến dịch bệnh cứ “tái đi, tái lại” là: Thứ nhất, do người dân chưa tiêm phòng vật nuôi theo đúng quy trình, lứa tuổi theo quy định, đến khi thấy có dịch bệnh xảy ra thì mới bắt đầu tiêm đối phó;

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất giống thủy sản, TP Cần Thơ đang thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng như khu sản xuất giống thủy sản tập trung, hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở các khu vực nuôi cá tra. Đặc biệt, thành phố đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm Giống thủy sản cấp I Cần Thơ tại huyện Vĩnh Thạnh để đưa vào hoạt động trong năm 2015.

Hiện tại, tổng đàn heo nái chăn nuôi gia công của CP có khoảng 200 ngàn con với năng suất bình quân 23,5 heo con cai sữa/heo nái/năm, tương đương 4,7 triệu heo con nuôi làm giống và nuôi thịt hàng năm. Được biết, lượng thịt heo của toàn hệ thống CP cung ứng cho thị trường xấp xỉ bằng lượng heo thịt của tỉnh Đồng Nai.

Anh Lê Văn Hiệp (sinh năm 1979, xã An Phước, huyện Long Thành - Đồng Nai) được biết đến như một người “mê” làm giàu và có nhiều sáng kiến để phát triển kinh tế.