Giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt

Đã giảm
Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam: Tính riêng trong tháng 7, giá thức ăn hỗn hợp dành cho gà thịt ở mức hơn 10.000 đồng/kg, giảm 1,9% so với tháng trước; thức ăn hỗn hợp dành cho lợn thịt cũng chỉ còn 8.800 đồng/kg, giảm sâu 3% so với tháng 6.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam đánh giá: Nhìn chung từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu dần “hạ nhiệt”. Cụ thể, giá thức ăn hỗn hợp gà thịt từ mức gần 11.000 đồng/kg ở tháng đầu năm xuống 10.000 đồng/kg trong tháng 7; giá thức ăn hỗn hợp lợn thịt từ mức hơn 9.600 đồng/kg xuống 8.800 đồng/kg. Điều này đã chứng minh chính sách miễn thuế GTGT đối thức ăn chăn nuôi có tác dụng.
“Từ đầu năm đến nay, giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lúc tăng lúc giảm. Ví dụ đối với mặt hàng ngô trong tháng 1 là 5.800 đồng/kg nhưng đến tháng 4 chỉ còn 5.100 đồng/kg, sang tháng 7 lại lên 5.700 đồng/kg. Giá ngô quanh quẩn ở mức 5.200-5.700 đồng/kg. Khô dầu đậu tương giảm từ 11.300 đồng/kg trong tháng 1 xuống 10.000 đồng/kg trong tháng 7. Bột cá trong tháng 5 và 6 có giá 28.000 đồng/kg, song tháng 7 lại tăng lên 29.000 đồng/kg. Giá cả nguyên liệu biến động theo nhiều yếu tố như thời tiết, đồng USD lên xuống. Tuy nhiên, bất kể sự trồi sụt đó, giá thức ăn chăn nuôi bán ra vẫn giảm chính là nhờ chính sách miễn thuế GTGT. Trong giá thức ăn chăn nuôi, việc giảm 0,5- 1,5% đã là mức giảm đáng kể, cho nên giảm giá như thời gian qua rất đáng ghi nhận”, ông Lịch nhấn mạnh.
Là chủ trang trại nuôi tới 10.000 gà đẻ trứng và khoảng 500 con lợn cả lợn nái lẫn lợn thịt tại xã Cấn Hữu, Quốc Oai (Hà Nội), ông Nguyễn Văn Lâm cho biết: Thời điểm hiện tại so với cùng kỳ năm trước, giá thức ăn chăn nuôi cho gà và lợn nói chung đã giảm trung bình khoảng 30-40.000 đồng/bao 25kg. Ví dụ trước đây cám cho lợn khoảng 290.000 đồng/bao thì nay chỉ còn 255.000 đồng/bao, cám gà từ 240.000 đồng/bao xuống còn 200.000 đồng/ bao. Ông Lâm tính toán, với mức giá giảm này, mỗi tháng cơ sở chăn nuôi của gia đình ông tiết kiệm được khoảng 6 triệu đồng so với trước.
Hộ ông Lâm hiện đang sử dụng cám của Công ty TNHH ANT 100% vốn Đài Loan. Ông Lâm cho biết, ngay sau khi chính sách miễn thuế GTGT cho thức ăn chăn nuôi có hiệu lực, DN này đã điều chỉnh giảm giá thức ăn chăn nuôi 3%, sau đó khoảng 2 tháng giảm tiếp 2%. Nhờ chính sách miễn thuế GTGT mà người chăn nuôi được hưởng nhiều lợi ích.
Có thể giảm hơn nữa?
Mặc dù giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường “hạ nhiệt” nhưng ông Lê Bá Lịch khẳng định, kể cả tiếp tục giảm giá bán thức ăn chăn nuôi hơn nữa so với hiện nay, các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn “rủng rỉnh” lãi.
Liên quan tới vấn đề này, ông Lâm cho rằng, thời gian qua giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trên thị trường giảm nhiều hơn. So sánh mức giá mua nguyên liệu và giá bán thức ăn thành phẩm của các DN thức ăn chăn nuôi, độ chênh lệch khá lớn, nghĩa là dù giảm giá do thuế GTGT về 0% nhưng các DN vẫn lãi nhiều. Ông Lâm mong muốn, những DN sản xuất thức ăn chăn nuôi có thể xem xét, cân đối để điều chỉnh giá bán giảm hơn nữa nhằm chia sẻ gánh nặng, rủi ro với người chăn nuôi.
Theo ông Lịch, ngoài trông chờ vào động thái giảm giá bán thức ăn chăn nuôi từ phía các DN, các cơ sở chăn nuôi đủ tiềm lực nên phát triển theo hướng tự đầu tư nhà xưởng, máy móc và mua nguyên liệu về để trực tiếp phối trộn, tự sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nếu đầu tư đúng mức, tìm hiểu đầy đủ kỹ thuật, đây là cách làm hoàn toàn có thể thực hiện được và phù hợp với điều kiện của nhiều cơ sở chăn nuôi hiện nay.
Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long, Thanh Oai (Hà Nội) là đơn vị đã triển khai việc tự sản xuất thức ăn chăn nuôi được hơn một năm nay. ông Nguyễn Trọng Long, Chủ nhiệm hợp tác xã cho biết: Đầu tư nhà xưởng, máy móc ban đầu hết khoảng 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, tự túc sản xuất thức ăn chăn nuôi giúp hợp tác xã tiết kiệm được 1.500-2.000 đồng/kg so với đi mua sản phẩm từ DN. “Khi tìm hiểu kỹ lưỡng nắm rõ các kỹ thuật và đủ nguồn lực về vốn, các cơ sở chăn nuôi hoàn toàn có thể triển khai theo cách làm này. Tuy nhiên, những nhược điểm cần tính đến là chất lượng sản phẩm cũng như độ ổn định trong quy trình sản xuất sẽ khó bằng được các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi chuyên nghiệp, bài bản”, ông Long nói.
Có thể bạn quan tâm

Thanh long ruột đỏ là loại cây được trồng phổ biến trên vùng đất gò. Đối với xứ biển, đây là cây trồng được xếp vào diện “lạ”. Dám nghĩ, dám làm, anh Lê Văn Trung (ở thôn Đông Hòa, xã Tịnh Hòa, TP.Quảng Ngãi) đã đem giống cây “lạ” này về trồng trên vùng đất cát và đã gặt… “mùa vàng”.

Dịch bệnh đốm nâu trên cây thanh long xảy ra từ nhiều năm nay, đã gây thiệt hại nặng cho người trồng thanh long mà chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Đây là vấn đề mà lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cũng như lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất quan tâm và đã phối hợp tổ chức các Hội nghị triển khai, chỉ đạo nhiều biện pháp để xử lý dịch bệnh đốm nâu, giúp nông dân an tâm trong sản xuất.

Mọi ngư dân đóng mới tàu công suất lớn, nâng cấp, cải hoán tàu cá công suất nhỏ, tàu cá cũ đủ điều kiện đều được hỗ trợ. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) chỉ đưa ra quy hoạch và định hướng các ngành nghề khai thác, mẫu tàu để ngư dân lựa chọn, quyết định.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình sản xuất cá tra đang có dấu hiệu khả quan, người nuôi đã có lãi. Giá cá tra nguyên liệu trong tháng 11 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long từ 23.500 - 24.000 đồng/kg, ổn định so với tháng trước, trong khi giá thành sản xuất từ 22.000 - 23.000 đồng/kg.

Xác định vai trò chủ thể của nông dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Hội Nông dân huyện Cai Lậy đã tích cực vận động hội viên thi đua lao động sản xuất, đóng góp kinh phí, ngày công lao động, hiến đất... để địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM theo tiến độ.