Giá Tăng, Nông Dân Hết Mía Ở Hậu Giang

Những ngày gần đây, giá mía tại vùng nguyên liệu huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) có chiều hướng nhích lên. Tuy giá tăng, nhưng diện tích mía còn lại không nhiều và lợi nhuận của nông dân được cải thiện không đáng kể.
Giá mía nguyên liệu được các thương lái mua tại ruộng hiện đang ở mức từ 880 - 930 đ/kg (tùy giống), tăng bình quân từ 50 - 100 đ/kg so với 2 tuần trước. Giá mía tăng được cho là chữ đường trong mía đã tăng lên do có thêm thời gian để cây mía chín trên rẫy. Như vậy, chỉ sau nửa tháng kể từ ngày các nhà máy đường trong khu vực công bố giảm giá thu mua mía nguyên liệu trong dân thì nay giá tăng trở lại.
Tuy nhiên, vì áp lực mía bị ngập nước như vụ mía năm rồi nên nhiều nông dân đã bán mía sớm hơn cùng kỳ gần một tháng. Năm nay, UBND tỉnh có chủ trương xây dựng đê bao ngăn lũ, khép kín cho khoảng 2.000 ha tại xã Hiệp Hưng và Tân Phước Hưng của huyện Phụng Hiệp, nhưng tiến độ thực hiện khá chậm so với yêu cầu đặt ra. Nếu như dự án hoàn thành đúng tiến độ, bà con có thể neo mía đến thời điểm này thì giá có phần khả quan hơn và nhiều nông dân không phải lâm vào cảnh khó khăn.
Đang thu hoạch 1 ha mía, ông Trương Văn Khởi, ở ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, cho biết: “Vào thời điểm này, mỗi công mía tăng bình quân từ 3 - 4 tấn so với những ruộng mía bán đầu vụ. Hiện năng suất, chữ đường và giá bán có phần tăng lên nên người trồng mía đã có được nguồn lợi nhuận chút đỉnh”. Vụ mía này, gia đình ông Khởi trồng chủ yếu giống ROC 13, do đây là giống tương đối dài ngày buộc lòng gia đình ông neo đến thời điểm này mới thu hoạch nhằm đảm bảo chữ đường và hy vọng càng về cuối vụ giá được khá hơn.
Năng suất mía của ông năm nay ước đạt 13 tấn/công, với giá bán 880 đ/kg, trừ chi phí sản xuất thì nguồn lợi nhuận có được không nhiều, nhưng cũng đỡ hơn những người bán trước đó. Ông Khởi cho biết thêm: “Mía đã quá lứa thu hoạch và chuẩn bị bung cờ nên không thể đợi lâu hơn nữa. Chữ đường trong mía cũng đã cao nhưng giá thì lên không đáng kể. Tôi đang lo vụ mía sau gia đình sẽ thiếu tiền mua hom giống trồng lại vì vụ mía năm nay sau khi trừ chi phí sản xuất thì coi như phủi tay”.
Theo người dân địa phương, giá mía tăng vào thời điểm này cũng không có tác dụng gì, vì hiện tại, diện tích mía còn lại không còn bao nhiêu, khoảng 5-10 ngày nữa là bà con nơi đây kết thúc mùa mía. Nếu giá tăng vào thời điểm thu hoạch chính vụ thì người trồng mía sẽ mừng hơn. Ngoài ra, do đợi giá và thu hoạch cuối vụ nên giá nhân công đốn mía ngày càng tăng, nhiều gia đình không thể sạ lại vụ lúa liếp. Hiện tại, giá mía chỉ nhích lên chừng mực, trong khi nguồn thu nhập từ cây mía chỉ “lấy công làm lời”, do đó, cuộc sống của nhiều hộ trồng mía nơi đây phải lâm vào cảnh chật vật.
Huyện Phụng Hiệp là vùng mía nguyên liệu hàng năm thường xuyên phải thu hoạch sớm để tránh ngập lũ. Tuy nhiên, theo người dân địa phương, mực nước năm nay ở thời điểm này vẫn thấp hơn cùng kỳ năm trước, áp lực thu hoạch mía chạy lũ có phần ít căng thẳng, năng suất mía theo thời gian sinh trưởng cũng tăng thêm. Theo báo cáo của ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, số ít diện tích mía còn lại của địa phương chủ yếu ở những khu vực có đê bao kiên cố hay những nơi có bờ liếp cao, người dân chủ động được nguồn nước nên cố giữ mía lại để chờ giá lên.
Còn những vùng trũng, đến thời điểm này đã cơ bản thu hoạch dứt điểm. Ông Phạm Văn Hỏi, ở ấp Thống Nhất, thị trấn Cây Dương, chia sẻ: “Do khu vực này có đê bao nên người dân nơi đây thường trồng các giống mía dài ngày và neo đến cuối vụ mới bán. Vừa đảm bảo về năng suất, chữ đường và có được giá bán hợp lý. Hiện gia đình tôi đang cân mía cho thương lái với giá 870 đ/kg (giống K95), năng suất ước đạt 200 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng. Tuy số tiền không lớn nhưng cũng phần nào giúp trang trải cuộc sống gia đình sau gần một năm trồng mía”.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp Nguyễn Thế Tự cho hay: Đến thời điểm này, toàn huyện đã thu hoạch được hơn 8.000/9.037 ha mía, năng suất bình quân khoảng 100 tấn/ha. Năm nay, do chủ trương vào vụ sớm của UBND tỉnh cộng với quyết tâm của chính quyền địa phương vận động người dân thu hoạch mía ở những vùng trũng nên tình hình mía bị thiệt hại do lũ không nhiều như vụ mía năm trước. Ngoài ra, tình hình giá mía trong những ngày qua đang được cải thiện nên ít nhiều nông dân phấn khởi và đẩy nhanh tiến độ thu hoạch. Dự kiến, đến trước ngày 20-11, Phụng Hiệp cơ bản thu hoạch dứt điểm diện tích mía trên địa bàn, sớm hơn gần một tháng so với cùng kỳ.
Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) Nguyễn Hoàng Ngoan, cho rằng: Đến thời điểm này, các giống mía chín muộn thuộc nhóm K và ROC 13,… đã đến thời gian thu hoạch nên chữ đường cũng tăng lên so với đầu vụ. Bình quân CCS tại hai nhà máy đường thuộc Casuco từ 9,1 - 9,2 CCS, tăng 0,7 CCS so với đầu vụ. Vì chữ đường tăng nên giá thu mua được các thương lái đẩy lên cho nông dân trong những ngày gần đây.
Casuco vẫn giữ nguyên mức giá thu mua như cũ, mặc dù giá đường hiện đang tiếp tục giảm xuống thêm 200 đ/kg. Sau ngày 20-11-2012, khi cơ bản giải quyết hết lượng mía tại vùng Phụng Hiệp, để đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, Casuco sẽ tiến hành mua mía tại các tỉnh bên ngoài, khi đó sẽ xem xét lại mức giá cho phù hợp với tình hình giá đường giảm như hiện nay…
Có thể bạn quan tâm

Từng gắn bó với cây cà phê hơn 15 năm nhưng nhìn đi nhìn lại số tiền thu được cũng chỉ đủ trang trải các chi phí sinh hoạt, nuôi con ăn học, có lúc còn rơi vào cảnh nợ nần khi giá cà phê xuống thấp. Sau nhiều lần trăn trở, bàn tính, năm 2006, vợ chồng anh Nguyễn Gia Thiện ở thôn 9 (xã Ea Riêng, huyện MDrak, tỉnh Dak Lak) quyết định chuyển đổi hướng phát triển kinh tế sang chăn nuôi heo siêu nạc.

Từ tháng 4-2012 đến nay, cá tra nguyên liệu liên tục rớt giá thảm hại, thậm chí xuống dưới mức giá thành sản xuất làm cho người nuôi cá tra rơi vào tình cảnh khốn khó triền miên.

Nông dân Trần Thái Hưng (tư Hưng, ấp Mỹ Thành, xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) là người đã thành công với mô hình nhân lúa giống xác nhận 1 và thu lợi nhuận gấp đôi so với việc sản xuất lúa hàng hóa.

Tỉnh Đồng Tháp có diện tích nuôi cá tra lớn và trải đều ở hầu hết các huyện, thị trong tỉnh. Tuy nhiên, qua thẩm định của các ngành chức năng cho thấy vẫn còn một số vùng nuôi chưa đảm bảo về môi trường. Theo qui hoạch, đến năm 2020, toàn tỉnh Đồng Tháp sẽ có vùng nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn với tổng diện tích 2.400 ha. Hiện nay toàn tỉnh có 1.400 ha nằm trong vùng nuôi cá tra, ngoài ra còn có đến 225 ha nuôi ngoài quy hoạch, gây khó khăn cho việc quản lý. Tình trạng trên xảy ra chủ yếu tại 03 huyện Tân Hồng, Tam Nông và Thanh Bình.

Ngày 23/11, Ban thực hiện Dự án 3PAD thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức Hội thảo mô hình nuôi cá rô phi đơn tính tại xã Yến Dương (Ba Bể).