Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giá Ớt Sớm Nắng Chiều Mưa

Giá Ớt Sớm Nắng Chiều Mưa
Ngày đăng: 25/04/2014

Hiện nay, ớt chỉ thiên đã giảm chỉ còn 8.000đ/kg; ớt sừng càng thảm hại hơn, chỉ còn từ 1.500 đến 2.000đ/kg.

Giá ớt liên tục giảm, ngày càng sâu. Người trồng ớt không thể ngờ có lúc ớt chỉ còn 1.500 - 2.000đ/kg như bây giờ. Ớt Bình Định đang bị bỏ mặc chín đỏ ngoài đồng không có người thu hái...

Huyện Hoài Ân (Bình Định) là vùng đất trung du; khí hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp với các loại cây màu ngắn ngày như đậu phộng, đậu đen, đặc biệt là cây ớt. Nhất là trong thời gian vừa qua, để đối phó với tình trạng khô hạn, nhiều hộ nông dân chuyển mạnh sang trồng các loại cây trồng cạn, trong đó nhiều diện tích chuyển sang trồng ớt.

Vụ ớt ĐX năm nay, ngoài số ít người trồng ớt có thu trong thời điểm cao giá, còn lại hầu hết diện tích ớt ở Hoài Ân thu hoạch rộ vào thời điểm giá hạ đến “sát đáy” khiến họ đắng lòng. Xã Ân Tường Đông là vùng có diện tích trồng ớt nhiều nhất huyện Hoài Ân với gần 16 ha. Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, cộng thêm việc lựa chọn các loại giống cao sản nên năng suất, sản lượng ớt vụ ĐX tăng cao.

Trung bình 1 ha ớt nếu đầu tư thâm canh có thể cho thu hoạch từ 20-22 tấn ớt tươi. Nếu giá ớt cao như đầu vụ thì người trồng ớt có thể đạt doanh thu cả trăm triệu đồng/ha/vụ. Cách đây khoảng 20 ngày, khi giá ớt còn ở mức cao, cộng với năng suất cao, người trồng ớt tính toán sẽ có lãi khoảng 150 đến 200 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, niềm vui trúng mùa chưa kéo dài bao lâu thì trong thời gian vừa qua, ớt đột nhiên rớt giá, thấp chưa từng thấy. Giá ớt lúc đầu mùa thương lái thu mua tại ruộng từ 12.000 -15.000đ/kg, trước đó, có thời điểm lên đến 45.000đ/kg. Hiện nay, ớt chỉ thiên đã giảm chỉ còn 8.000đ/kg; ớt sừng càng thảm hại hơn, chỉ còn từ 1.500 đến 2.000đ/kg.

Theo nông dân xã Ân Trường Đông, ớt là loại cây trồng rất dễ bị sâu bệnh, vì vậy bà con phải chi phí đầu tư phân bón và thuốc BVTV rất nhiều. Với giá ớt như hiện nay, việc thu hồi vốn đã khó nói chi đến chuyện lời lãi. Chị Nguyễn Thị Năm ở thôn Diêu Tường, than thở: “Với giá ớt 1.500đ/kg, bà con trồng ớt tụi tui lỗ nặng. Bán ớt hết mùa chưa chắc đủ tiền chi phí. Riêng việc bón phân phải thực hiện nhiều đợt, trung bình một đợt bón tốn 1,5 đến 2 triệu đồng/ha”.

Hiện gia đình chị Năm có khoảng 1 ha ớt, tổng chi phí tính đến nay là 24 triệu đồng. Trong thời gian thu hoạch chị còn phải mất thêm chi phí thuê công hái ớt. Chị Năm tính: “Trả mỗi công hái ớt là 100.000đ/người/ngày, trung bình mỗi ngày 1 người hái khoảng 80kg ớt, bán chừng ấy ớt chỉ đủ trả tiền công. Nếu tiếc của, không bỏ ớt chín rục ngoài ruộng tui phải mất đứt thêm khoản tiền từ 3 đến 5 triệu đồng cho công hái lứa ớt này”.

Theo người trồng ớt, so với các vụ ớt trước đó thì vụ ớt năm nay sản lượng đạt cao hơn nhiều. Đầu mùa, họ cứ ngỡ mình sẽ có một mùa vụ bội thu do giá ớt tăng cao, ai ngờ đâu ra nông nỗi này. Nhiều hộ thấy ớt được giá lúc đầu vụ, ra sức chạy nước để ớt nhanh chín. Ớt chín ép kiểu này nhìn trái không được sáng màu, nay lại bị rớt giá nên thương lái mặc sức ép giá xuống “sát đáy”.

Đầu ra của ớt hầu hết lệ thuộc phía Trung Quốc, thị trường trong nước chỉ những cơ sở chế biến tương ớt thu mua số lượng ít, nhưng chỉ mua loại ớt chỉ thiên. Do đó, khi Trung Quốc dừng mua là lập tức ớt lâm cảnh ế ẩm. Một số hộ dân ở Hoài Ân cho rằng, mình bị thương lái ép giá quá đáng nên sau khi thu hoạch đã trực tiếp vận chuyển xuống Phù Mỹ bán, nhưng giá ớt ở đây vẫn không cao hơn, lại mất thêm chi phí xe cộ.

Những năm gần đây, diện tích trồng ớt ở Bình Định ngày càng tăng cao do nhiều địa phương không đủ nước tưới, chuyển mạnh sang trồng các loại cây rau màu, trong đó có ớt nên vụ ĐX năm nay diện tích ớt tăng lên khoảng 800 ha.

Những vụ ớt trúng giá, không cần ngành chức năng khuyến khích, các thương lái còn động viên nông dân trồng nhiều và hứa sẽ thu mua tận ruộng. Nhưng khi thị trường Trung Quốc không còn "ăn" thì chẳng thấy bóng dáng tư thương nào đi thu mua ớt. Nhiều hộ nông dân nản quá, bỏ mặc ớt chín rục ngoài ruộng để khỏi mất thêm chi phí trả tiền công hái ớt!


Có thể bạn quan tâm

200 Ha Chuối Ở Tuy An (Phú Yên) Bị Nhiễm Bệnh 200 Ha Chuối Ở Tuy An (Phú Yên) Bị Nhiễm Bệnh

Để bảo vệ vườn chuối, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên đề nghị địa phương tổ chức tập huấn cho người trồng chuối về kỹ thuật canh tác và phòng trừ sâu bệnh hại chuối, đồng thời tiến hành áp dụng mô hình trồng chuối cao sản để nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.

23/07/2014
Bắc Giang Thu Hơn 2 Nghìn Tỷ Đồng Từ Vải Thiều Bắc Giang Thu Hơn 2 Nghìn Tỷ Đồng Từ Vải Thiều

Đến thời điểm này, vụ vải thiều năm 2014 đã kết thúc. Theo tổng hợp của ngành chức năng, sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang đạt hơn 191 nghìn tấn, tăng hơn 60 nghìn tấn so với năm 2013.

23/07/2014
Bình Phước Nuôi Ong Mật Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao Bình Phước Nuôi Ong Mật Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Một trong những hộ nuôi ong mật thành công trên địa bàn huyện là là anh Nguyễn Văn Thanh ở xã Tân Tiến. Hiện anh Thanh đang sở hữu khoảng 1.000 thùng ong với 6 năm kinh nghiệm nuôi ong lấy mật và anh là thành viên của hội nuôi ong tại địa phương.

08/12/2014
Mô Hình Vỗ Béo Bò Giúp Nhiều Hộ Dân Sủng Là Tăng Thu Nhập Mô Hình Vỗ Béo Bò Giúp Nhiều Hộ Dân Sủng Là Tăng Thu Nhập

Với đặc điểm của một xã vùng cao có diện tích đất nông nghiệp hạn chế cộng với khí hậu khắc nghiệt khiến việc trồng trọt ở Sủng Là gặp nhiều khó khăn, chỉ đủ ăn. Việc trồng cỏ và nuôi bò được xem là một hướng đi chính có nhiều triển vọng giúp người dân ở đây xóa đói giảm nghèo theo chủ trương của tỉnh.

23/07/2014
Kinh Nghiệm Bảo Vệ Đàn Gia Súc Trong Mùa Đông Ở Quản Bạ (Hà Giang) Kinh Nghiệm Bảo Vệ Đàn Gia Súc Trong Mùa Đông Ở Quản Bạ (Hà Giang)

Mới chớm mùa Đông, nhiều nơi trên địa bàn huyện Quản Bạ có nhiệt độ lạnh về đêm, thường xuyên có sương muối dày đặc vào buổi sáng, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất; trong đo, việc bảo vệ đàn trâu, bò luôn là mối quan tâm của đồng bào nơi đây. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, huyện đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc và vật nuôi.

08/12/2014