Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Gia nhập TPP, ngành thủy sản được gì

Gia nhập TPP, ngành thủy sản được gì
Ngày đăng: 29/11/2015

TPP tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp thủy sản, tuy nhiên vẫn còn lắm thách thức, đặc biệt với ngành khai thác, chế biến thủy sản.

Khó trên “sân khách” Ngành Thủy sản Việt Nam từ xưa đến nay là một trong những ngành đi đầu vươn ra nước ngoài, xuất khẩu thủy sản ngay khi đất nước đang bị cấm vận.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ưu thế, thuận lợi lúc bấy giờ chính là giá nhân công rẻ.

Tuy nhiên, kể từ khi hội nhập, ngành thủy sản Việt Nam cũng lắm thăng trầm, bởi sức cạnh tranh của chúng ta còn yếu.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Thuận Phước khẳng định, TPP không mang lợi ích nhiều cho ngành thủy sản Việt Nam.

Theo lý giải của ông Lĩnh, ngành chế biến thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ khá lớn, do mức thuế vừa phải nên việc thuế quan không là vấn đề rào cản.

Bên cạnh đó, một số nước có thuế xuất khẩu khá thấp như Canada: 0%, Nhật Bản đối với hàng thô khoảng 2%, tinh chế chỉ 3 - 4%...

Nhưng điều quan tâm đối với ngành thủy sản Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng chính là khả năng cạnh tranh.

“Thủy sản đánh bắt của Việt Nam rất ít, chỉ chiếm khoảng 15% trong kim ngạch xuất khẩu.

Nguyên nhân do nguồn hải sản cạn kiệt.

Vì vậy ngành xuất khẩu thủy sản của ta chủ yếu là nuôi trồng với hai mặt hàng chính là cá và tôm.

Trước đây, lĩnh vực này thuận lợi, bởi là nước nông nghiệp nhiệt đới, lao động rẻ.

Tuy nhiên, ngày nay, khi cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trên thế giới bùng nổ, các quốc gia đã tìm ra con giống thích nghi với điều kiện của họ; họ áp dụng công nghệ tiên tiến trong việc nuôi trồng và chế biến nên đã cạnh tranh với mình”, ông Lĩnh nói.

Không chỉ có vậy, theo ông Lĩnh, hiện nay Việt Nam nhập 100% tôm giống của nước ngoài.

Chính những con tôm không được các nhà khoa học trong nước tạo ra nên không thích nghi được với thời tiết trong nước, năng suất vì thế không cao.

Việc quản lý chất lượng kháng sinh cũng kém, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình nuôi trồng.

“Trong bất cứ cuộc chơi nào thì người mạnh sẽ thắng.

Sức cạnh tranh mạnh, thể hiện 3 yếu tố: giá thành thấp, chất lượng tốt, sản lượng ổn định.

Trong khi giá thành sản phẩm của ta cao hơn các nước từ 10 - 30%, chất lượng chưa được chú trọng, số lượng bấp bênh.

Dù công nghệ chế biến có cao bao nhiêu thì không thể chế biến một con tôm hư thành con tôm ngon được.

Ngành thủy sản không trông chờ lắm vào TPP”, ông Lĩnh cho biết.

Thách thức trên “sân nhà” Tuy nhiên, khi đã vào TPP thì thuế quan của Việt Nam cũng xóa bỏ cho các nước.

Điều này cũng là vấn đề thách thức lớn đối với ngành chế biến thủy sản cũng như toàn ngành thủy sản trong nước.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay thuế nhập khẩu mặt hàng thủy sản của Việt Nam áp dụng từ 10 - 30% đối với các nước.

Mặc dù đã chịu thuế lớn, song một số mặt hàng thủy sản của một số nước khi vào Việt Nam vẫn rẻ hơn hàng trong nước.

Ông Trần Văn Lĩnh đưa ra ví dụ, cá cu là loại cá ngon ở Đà Nẵng, giá bán sỉ khoảng 100.000 đồng/kg, nhưng nhập khẩu từ Nhật về chỉ bán khoảng 50.000 đồng/kg (đã tính thuế nhập khẩu).

Ngoài ra, có nhiều loại cá của Nhật khi nhập sang Việt Nam, giá chỉ bằng giá những con cá nục bình thường.

Lý giải nguyên nhân, ông Lĩnh cho rằng, do ngành nông nghiệp khai thác của ta đánh bắt nhỏ lẻ, chế biến kém, độ tươi của cá không có.

Trong khi nhiều nước, đặc biệt Nhật Bản khai thác bằng công nghệ cao, bảo quản tốt.

“Điều đáng lo ngại là nếu sau khi mở cửa toàn diện thì liệu tàu nước ngoài có cập cảng Việt Nam để bán cá tươi.

Nếu như vậy, thì ngư dân của ta đứng trước vô vàn khó khăn, thách thức”, ông Lĩnh trăn trở.

Để giải quyết vấn đề đặc biệt quan trọng khi tham gia vào TPP, việc đầu tiên mà ngành thủy sản cần làm, theo ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, là phải nâng cao chất lượng khai thác, đánh bắt, đặc biệt là khâu bảo quản.

“Chúng ta đang phí phạm nguồn hải sản.

Những nước đánh bắt công nghệ tiên tiến, bắt hai con về bán nguyên hai con.

Còn ta, hai con về còn một con, cao lắm một con rưỡi.

Để bù lại bằng người ta thì phải đánh đến ba con”, ông Tám nói.

Vì vậy, theo ông Tám, ngành thủy sản Đà Nẵng đang vận động, tuyên truyền bà con ngư dân phải đầu tư, nâng cấp hệ thống cách đông nhằm nâng cao chất lượng hải sản trong quá trình đánh bắt.

Ông Lương Văn Long, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ hậu cần nghề cá Sao Đỏ cho biết, để nâng cao khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế, ngư dân chúng ta cần phải áp dụng công nghệ CAS (Cells Alive System), nghĩa là hệ thống tế bào còn sống - công nghệ đông lạnh nhanh với chức năng CAS.

Theo đó, CAS khi kết hợp với thiết bị làm lạnh nhanh sẽ có khả năng làm đông lạnh hỗn hợp nước và chất màu một cách đồng đều, có thể giữ sản phẩm lên đến 10 năm.

Có như vậy, chất lượng con cá được đảm bảo tươi ngon...

Trước thách thức và cơ hội đó, nhiều ngư dân trẻ Đà Nẵng cũng đã chuẩn bị cho mình mọi thứ để tham gia TPP.

Điển hình như ngư dân Lê Văn Sang, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ hậu cần nghề cá Hải Nhi, ngư dân Trần Văn Mười (phường Mân Thái, quận Sơn Trà)...

là những ngư dân trẻ, học hỏi, áp dụng tốt khoa học công nghệ để góp phần đưa ngành hải sản Việt Nam cạnh tranh với các quốc gia trên thế giới...


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Trồng Chuối Sạch Thành Tỉ Phú Mô Hình Trồng Chuối Sạch Thành Tỉ Phú

Cũng như nhiều thanh niên trong xã, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Phạm Năng Thành rời quê vào Nam làm thuê kiếm sống. 3 năm lăn lộn nơi đất khách quê người dành dụm được chút vốn, năm 2003 Thành quay về quê khởi nghiệp. Thất bại với không ít loại cây, anh Thành chuyển sang trồng thử nghiệm chuối hồng - một giống chuối mới, quả vàng, có vị ngọt.

18/10/2014
Trồng Điên Điển Làm Chơi, Ăn Thiệt Trồng Điên Điển Làm Chơi, Ăn Thiệt

“Sau khi thu hoạch xong vụ hè thu, điên điển ươm của tôi đã cao gần gang tay. Thế là cứ 2m, tôi trồng xuống 1 - 2 cây, sau đó xả nước vào xăm xắp, rải chút ít phân để kích thích phát triển, qua 4 tháng, khi nước tràn đồng thì điên điển vàng rực cánh đồng.

18/10/2014
Nông Dân Vĩnh Long Trồng Khoai Lang Tím Nhật Đang Bị Lỗ Nông Dân Vĩnh Long Trồng Khoai Lang Tím Nhật Đang Bị Lỗ

Thương lái Từ Văn Tư (Tân Quới - Bình Tân) mua khoai lang xuất khẩu ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho biết: Khoảng 2 tháng nay, có thời điểm giá khoai tím Nhật ở mức 300.000 đ/tạ nhưng hiện chỉ còn 260.000 - 270.000 đ/tạ, giảm so cùng kỳ năm rồi khoảng 400.000 đ/tạ.

18/10/2014
Bà Rịa Vũng Tàu Chuyển Hướng Dùng Cây Sống Làm Trụ Tiêu Bà Rịa Vũng Tàu Chuyển Hướng Dùng Cây Sống Làm Trụ Tiêu

Hiện nay, việc dùng các loại cây sống như điều, mủ trôm, mức… làm trụ tiêu đang trở nên phổ biến. Tuy nhiên, tiêu là cây trồng rất khó tính, đến nay chưa có công trình nào nghiên cứu và khẳng định hiệu quả kinh tế khi sử dụng cây sống làm trụ cho cây tiêu.

18/10/2014
Vườn Tiêu Xanh Lại Trên Đất Tân Hội (Lâm Đồng) Vườn Tiêu Xanh Lại Trên Đất Tân Hội (Lâm Đồng)

Cây hồ tiêu đã có mặt ở xã Tân Hội, Đức Trọng (Lâm Đồng) hơn 20 năm nay nhưng do giá cả bấp bênh, năng suất, hiệu quả thấp nên cây tiêu ở đây không phát triển được. Đã có lúc người dân phá bỏ cây tiêu để chuyển sang các loại cây trồng khác. Hiện nay, tiêu được giá, cho thu nhập cao nên nhiều hộ dân Tân Hội quay lại đầu tư phát triển vườn tiêu. Những vườn tiêu đang xanh lại trên đất Tân Hội và mở ra triển vọng mới cho người nông dân nơi đây.

18/10/2014