Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giá Lúa Đông Xuân Đồng Loạt Giảm

Giá Lúa Đông Xuân Đồng Loạt Giảm
Ngày đăng: 14/02/2015

Mặc dù mới chỉ chớm bước vào thu hoạch, song lúa đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đồng loạt giảm giá đang gây tâm lý lo lắng cho nhiều bà con nông dân…

Ảm đạm

Ngày 3.2, theo ghi nhận của phóng viên NTNN tại vùng lúa chất lượng cao ở ấp Mỹ Hòa (xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) nhà nông đang vào vụ thu hoạch. Trái với không khí thu hoạch nhộn nhịp như những năm trước đây, người dân nơi đây rất rầu rĩ vì giá lúa đang xuống thấp.

Lão nông Nguyễn Văn Hưng ở ấp Mỹ Hòa cho biết: “Vụ đông xuân năm trước, tôi làm 7.000m2 lúa OM 5451, bán với giá 5.700 đồng/kg. Năm nay chỉ còn 4.700 đồng/kg; mỗi 1 công lúa (1.000m2) thất thu khoảng 1 triệu đồng. Trừ tất cả các chi phí thì lời không nhiều”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ giá lúa thơm xuống thấp mà các loại lúa chất lượng thấp như IR50404 cũng bị tuột giá thê thảm. Hiện loại lúa này chỉ còn ở mức giá 4.300-4.350 đồng/kg, giảm từ 650-700 đồng/kg so với vụ thu đông vừa qua và giảm khoảng 400 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Ông Võ Văn Hậu - người dân ở ấp 4A (xã Tân Hậu, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) buồn rầu nói: “Vụ lúa này, năng suất lúa giảm quá, năm rồi đạt 1,3 tấn/công nhưng vụ này chưa đạt 1 tấn/công, nguyên nhân do chuột hại xuất hiện nhiều, thời tiết không thuận lợi. Còn giờ giá lúa rất bấp bênh, chỉ còn 4.300 đồng/kg, trừ tất cả chi phí lời chưa tới 1 triệu đồng/công”. 
Lý giải về tình trạng trên, một số thương lái cho biết, họ cũng muốn mua lúa của nông dân song do hợp đồng xuất khẩu thấp nên đành chịu. Anh Dương Văn Mến – thương lái mua lúa tại Bà Đắc (Cái Bè, Tiền Giang) cho biết: “Có nhiều lượng lúa được chúng tôi mua vào rồi, nhưng không bán ra được nên phải ngưng mua, chờ cho qua vài bữa nữa xem tình hình thế nào”.

Theo anh Mến, giá lúa đông xuân sớm thường được mua với giá cao, nông dân lãi khá, song năm nay do số lượng hợp đồng xuất khẩu từ năm trước chuyển sang năm mới gần như không còn, đầu ra của gạo do đó rất hạn chế dẫn đến tình trạng giá lúa trong nước rớt thê thảm. “Cỡ này là hết đường lùi rồi, nếu giá tụt nữa, nông dân chỉ có nước đổ nợ”- anh Mến nói.

Ông Từ Bảo Duy - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hứa Ngọc Lợi (Sóc Trăng) cho biết, hiện gạo nguyên liệu của giống IR 50404 được các doanh nghiệp xuất khẩu tại Cần Thơ mua vào (mua tại kho) với giá chỉ còn 6.000 đồng/kg (tương đương 285USD/tấn), giảm 500 - 700 đồng/kg, tức giảm khoảng 23-28USD/tấn so với mức giá cách đây nửa tháng.

Lối ra nào cho lúa gạo?

Ông Lê Văn Đời - Phó Giám đốc Sở NNPTNN tỉnh Hậu Giang cho biết: “Thông tin giá lúa xuống thấp là do hiện các doanh nghiệp vẫn chưa có ký hợp đồng xuất khẩu cụ thể, đầu ra không có. Còn các thương lái cũng ngưng mua vì chuẩn bị nghỉ tết. Có thể, sau tết giá lúa sẽ cao hơn”.

Ông Huỳnh Thế Năng - Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cho hay, có một tín hiệu mới là các doanh nghiệp trong nước vừa đạt được thỏa thuận bán 240.000 tấn gạo cho Malaysia trong thời gian tới. Dù không tiết lộ cụ thể về mức giá của thương vụ này, nhưng theo ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre), mức giá của hợp đồng này cao hơn hẳn so với giá của các hợp đồng thương mại hiện được các doanh nghiệp trong nước bán cho đối tác. Hợp đồng này sẽ được giao hàng cho phía đối tác Malaysia kể từ tháng 4.2015, chủng loại gạo của hợp đồng này là loại gạo trắng 5% tấm.

Mặc dầu vậy, ông Tuấn cho rằng, việc đạt được thỏa thuận bán 240.000 tấn gạo cho Malaysia rất khó có thể vực dậy được giá lúa gạo nội địa. Lý do là vụ đông xuân 2014-2015 thu hoạch rộ từ tháng 2 đến tháng 3, trong khi hợp đồng được giao từ tháng 4.

TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhận định, hiện các nước khác biết vùng ĐBSCL đang bắt đầu thu hoạch lúa nên chưa có ý định mua sớm mà chờ chúng ta thu hoạch rộ, tồn hàng để đưa ra mức giá mua thấp, trong khi các doanh nghiệp chưa có đầu ra nên tạm thời không muốn mua nhiều. “Nhà nước ta cần phải có chính sách tạm trữ lúa lâu dài, có thể đến vài tháng liên tiếp thì mới có thể giải quyết được tình trạng giá cả bấp bênh này” – TS Bảnh kiến nghị.

Xuất khẩu gạo  thấp kỷ lục

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tháng 1, các doanh nghiệp mới thực hiện xuất khẩu đạt 169.358 tấn gạo- mức thấp kỷ lục, trị giá FOB ước chỉ đạt 77,3 triệu USD.


Có thể bạn quan tâm

Táo Giá Rẻ Nhập Khẩu Từ Ba Lan Táo Giá Rẻ Nhập Khẩu Từ Ba Lan

Theo lời giới thiệu của một người quen rất sành ăn hoa quả NK, PV NNVN tới một cửa hàng chuyên bán hoa quả NK tại số 92 Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Cửa hàng này không ghi rõ tên Cty, mà chỉ trang hoàng gian hàng rất bắt mắt với rất nhiều nhãn hiệu táo NK từ Mỹ, Úc, Newzeland…

03/02/2015
Nở Sớm, Giá Đào Nhật Tân Giảm Mạnh Nở Sớm, Giá Đào Nhật Tân Giảm Mạnh

Làng Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng đào và là đầu mối cung cấp đào số lượng lớn cho khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Còn khoảng nửa tháng nữa mới đến Tết nguyên đán nhưng đào Nhật Tân đã nở bung, tình hình mua bán lại ảm đạm khiến giá đào những ngày qua liên tục giảm. Điều này khiến người trồng đào luôn thấp thỏm với nỗi lo khi Tết đến gần.

03/02/2015
Sản Xuất Vụ Thu Đông Đạt Được Nhiều Kết Quả Sản Xuất Vụ Thu Đông Đạt Được Nhiều Kết Quả

Tiếp nối đà sản xuất vụ hè thu, khi chuyển sang vụ thu đông, bà con nông dân cũng đã chú trọng việc chuyển đổi cơ cấu giống, đưa những giống có chất lượng cao, kháng bệnh tốt vào gieo trồng. Nhờ đó, hầu hết diện tích hoa màu vừa thu hoạch đều mang đến cho bà con những kết quả nhất định. Năng suất trung bình của các loại cây trồng như ngô đạt 6,4 tấn/ha, khoai lang 12,5 tấn/ha, đậu nành 1,8 tấn/ha.

03/02/2015
Chống Rét Cho Lúa Đông Xuân Chống Rét Cho Lúa Đông Xuân

Toàn tỉnh hiện gieo cấy được hơn 7.500ha lúa đông xuân, đạt trên 90% tổng diện tích. Trước diễn biến thời tiết phức tạp, rét đậm rét hại có thể tiếp tục xảy ra, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa, nhiều giải pháp chống rét cho lúa được chủ động triển khai thực hiện.

03/02/2015
Chị Tòng Thị Thịnh Vượt Khó Làm Giàu Chị Tòng Thị Thịnh Vượt Khó Làm Giàu

Từng là hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của bản Chả B, xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông, song nhờ quyết tâm vượt qua khó khăn, chịu khó chăn nuôi phát triển sản xuất, gia đình chị Tòng Thị Thịnh đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ có thu nhập ổn định. Gia đình chị là một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của xã.

03/02/2015