Giá giảm, mục tiêu xuất khẩu 165 tỷ USD đang gặp nhiều thách thức

Đây là một trong những vấn đề được nêu ra tại buổi giao bao trực tuyến do do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay 30/11.
Xuất khẩu nông lâm sản giảm mạnh
Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 11 ước đạt 14,3 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 148,7 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu cả doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 43,56 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 101,6 tỷ USD tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Một số mặt hàng chủ lực có kim ngạch tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước, như xuất khẩu điện thoại tăng 29,6%, hàng dệt may tăng 9,1%, điện tử, máy tính và linh kiện tăng 38,2%, giày dép tăng 16,3%.
Tuy nhiên, việc giá dầu thô giảm mạnh cộng với sự sụt giảm của nhóm hàng nông lâm sản và khoáng sản, đang gây áp lực lớn đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của năm nay.
Cụ thể, sau 11 tháng, xuất khẩu của nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 4,64 tỷ USD, giảm 45,4% so với cùng kỳ năm ngoài (tương đương mức giảm 3,86 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái), riêng dầu thô giảm 48,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, nhóm hàng nông lâm thủy sản ước đạt 18,9 tỷ USD, giảm 7,6% về giá so với cùng kỳ năm 2014, (tương đương giảm 1,56 tỷ USD).
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep, xuất khẩu mặt hàng thủy sản đến hết tháng 11 đã giảm hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, và dự kiến năm nay chỉ đạt hơn 7 tỷ USD (giảm mạnh so với mục tiêu ban đầu đề ra là 8,7 tỷ USD).
Trong đó, giảm nhiều nhất là mặt hàng tôm, khi chỉ đạt 3 tỷ USD, giảm 1 tỷ USD so với năm ngoái.
Nguyên nhân theo Vasep là do giá giảm, nếu tính từ giữa năm 2014 đến thời điểm này, mặt hàng tôm đã giảm 30% về giá do vậy đã ảnh hưởng chung đến kim ngạch xuất khẩu của nhóm.
Bên cạnh đó, sự sụt giảm của mặt hàng cá tra cũng làm hụt thu cho ngành khoảng 100 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Khối FDI xuất siêu gần 15 tỷ USD
Ở chiều ngược lại, báo cáo của Vụ Kế hoạch cho thấy, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11 ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 152,5 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh nghiệp 100% vốn trong nước nhập 62,3 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2014; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập 90,1 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng với kim ngạch nhập khẩu ước đạt 45,1 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Hàn Quốc đạt 25,6 tỷ USD, tăng 29,3%; ASEAN đạt 21,8 tỷ USD, tăng 4,5%; Nhật Bản đạt 13,3 tỷ USD, tăng 14,9%; EU đạt 10 tỷ USD, tăng 24,2%; Mỹ đạt 7,3 tỷ USD, tăng 28,5%.
Nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất, gia công, lắp ráp trong nước tiếp tục tăng cao, như nhập khẩu máy móc thiết bị tăng 25,7% so với cùng kỳ; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 27,7%; điện thoại các loại tăng 29,7%; vải và nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đều tăng trên 8%.
Như vậy, trong tháng 11, Việt Nam ước tính đã nhập siêu 200 triệu USD.
Tính chung 11 tháng, cả nước nhập siêu khoảng 3,78 tỷ USD, bằng 2,5% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 18,78 tỷ USD, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 15 tỷ USD.
Có thể thấy, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 165 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014 như kế hoạch đề ra từ đầu năm thì tháng 12 kim ngạch xuất khẩu sẽ phải đạt 16,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, trước bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và sức mua tại nhiều thị trường lớn còn phục hồi chậm thì những yêu cầu đặt ra như trên đang rất khó khăn.
Do vậy, tại buổi giao ban, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đã yêu cầu các Vụ, Cục chức năng đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là đẩy mạnh cải cách hành chính để giảm chi phí, hỗ trợ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường tăng cường các giải pháp chống buôn lậu và gian lận thương mại, cũng như phối hợp chặt chẽ với lực lượng thanh tra chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp nhằm quản lý nghiêm các mặt hàng đầu vào phục vụ chăn nuôi, không để các chất cấm có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất và nuôi trồng.
"Tất cả các đơn vị phải nghiêm chỉnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, qua đó phấn đầu hoàn thành các chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra cho ngành công thương," Thứ trưởng kết luận.
Có thể bạn quan tâm

Ngư dân Bình Định đã phát hiện ra cách câu và đánh bắt cá ngừ đại dương mới mà mỗi chuyến biển đạt trên 100 con là “chuyện thường ngày.”

Từ cánh đồng của nông dân tới giai đoạn chế biến, mỗi năm có khoảng 1 triệu tấn lúa ở ĐBSCL bị thất thoát, tương đương với khoảng 5% tổng lượng lúa thu hoạch. Các chuyên gia đã tính toán, chuỗi thất thoát đã làm giảm giá trị của xuất khẩu gạo Việt Nam khoảng 500 triệu USD

Với quy trình trồng rau hữu cơ, mỗi ký rau mang tên Oganik có giá bán cao gấp gần chục lần rau thường. Không chỉ phục vụ cho nhà hàng, khách sạn 4, 5 sao và khách “Vip”, sản phẩm rau hữu cơ “siêu sạch” còn XK đi châu Âu…

Hiện nay tổng đàn lợn của tỉnh Bắc Kạn 183.726 con, trong đó: lợn nái có 17.744 con, chiếm 9,7% tổng đàn. Về lý thuyết với số lượng đàn lợn nái như trên có thể sản xuất đủ số lượng lợn giống nuôi thịt đáp ứng nhu cầu sản xuất trong tỉnh, nhưng thực tế bình quân hàng năm người chăn nuôi phải nhập khoảng 100.000 – 120.000 con lợn giống từ tỉnh ngoài, gây khó khăn rất lớn trong việc kiểm tra chất lượng và tình hình dịch bệnh trên đàn lợn của tỉnh.

Theo phản ánh của Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) tại Hội thảo “Quản lý chất lượng giống tôm nước lợ” diễn ra ngày 24/4 tại Ninh Thuận: Tình hình kinh doanh tôm giống rất phức tạp, một số cơ sở ương giống mua Naupli, post của một số cơ sở sản xuất giống lớn về trộn với tôm của mình sản xuất hoặc với tôm chợ rồi lại lấy bao bì, nhãnh mác của công ty làm thương hiệu của mình. Một số lượng tôm giống cũng được buôn bán qua đường tiểu ngạch từ Trung Quốc qua cửa khẩu Quảng Ninh về Việt Nam. Hầu hết số lượng này không được kiểm dịch, kiểm soát nên gây thiệt hại cho người nuôi.