Giá Gà Tại Trại Chăn Nuôi Giảm Sâu

Sau một thời gian ngắn giá gà công nghiệp tại trại chăn nuôi đạt mức 35.000-36.000 đồng/kg nhưng cả tuần qua, giá giảm mạnh chỉ còn 26.000 đồng/kg
Giá gà công nghiệp tại các trại chăn nuôi ở các tỉnh miền Đông (khu vực chiếm 2/3 sản lượng gà công nghiệp của cả nước), 2 tuần qua còn 26.500 đồng/kg (giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng).
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm miền Đông, cho biết gần như ngày nào giá gà cũng bị giảm, nhiều chủ trại gà hốt hoảng phải bán tháo làm cho giá càng giảm sâu.
Theo các chuyên gia trong ngành chăn nuôi, có 3 nguyên nhân khiến giá gà công nghiệp giảm trong thời gian qua là thời điểm tháng 5 và tháng 6 giá gà tăng cao, lên đến 37.000 - 38.000 đồng/kg nên các công ty và người chăn nuôi ồ ạt tăng đàn.
Riêng thị trường phía Nam, tỉ lệ tăng đàn ước lên đến 10%, từ trung bình 1,5 triệu con/tuần lên 1,7 triệu con. Thời điểm này rơi vào mùa nghỉ hè, thịt gà công nghiệp vốn tiêu thụ phần lớn ở phân khúc bếp ăn trường học, quán cơm. Nguyên nhân khác là do lượng thịt nhập khẩu về tăng đột biến trong tháng 5 và 6, lên đến gần 10.000 tấn thịt gà.
Giá gà tại các trại giảm sâu nhưng giá bán lẻ đến tay người dùng lại không hề giảm, người tiêu dùng vẫn đang phải mua thịt gà công nghiệp ở mức cao từ 50.000-60.000 đồng/kg. Đúng ra giá gà tại trại chăn nuôi giảm 10.000 đồng/kg thì giá bán lẻ phải giảm tương ứng, hoặc ít nhất phải giảm 5.000-6.000 đồng để chia sẻ với người tiêu dùng cũng như người chăn nuôi. Nhưng giá gà trên thị trường vẫn cao, cho thấy khâu trung gian, bán lẻ thịt gà trên thị trường hưởng lãi rất lớn.
Sau một thời gian bán tháo gà do giá giảm mạnh, nguồn cung cấp không còn nhiều nên từ đầu tuần này giá gà công nghiệp đã tăng trở lại lên 30.000-31.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với mức giá trên người nuôi vẫn chưa có lãi, do giá thành chăn nuôi hiện nay lên đến 32.000 đồng/kg. Theo ông Ngọc, với mức giá tăng lên này người nuôi lại đổ xô nuôi gà, tăng đàn dẫn đến dư thừa và điệp khúc rớt giá lại tiếp diễn dẫn đến nợ nần, thua lỗ đối với người chăn nuôi.
Trứng gà từ trang trại chăn nuôi có giá trung bình 1.700 đồng/trứng, cộng với chi phí vận chuyển, làm sạch, đóng gói từ 235-250 đồng. Nhưng khi giá bán đến tay người dùng lên đến 2.500 đồng/trứng, chênh lệch hơn 500 đồng/trứng. Trong khi người chăn nuôi đầu tư hàng tỉ đồng, với thời gian nuôi hơn 6 tháng, chịu lãi suất và nhiều rủi ro thị trường, dịch bệnh nhưng cũng chỉ lãi hơn 100 đồng/trứng. Đó là thời điểm được giá, còn phần lớn thời gian trong năm người nuôi gà đẻ phải bán dưới giá thành.
Được biết 6 tháng đầu năm, người nuôi gà phải chịu lỗ nặng, do giá bán thấp hơn giá thành. Thời điểm này, giá trứng gà tại các trại chăn nuôi chỉ còn 900-1.400 đồng/trứng nhưng giá bán trên thị trường vẫn duy trì ở mức 2.300 đồng/trứng. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7, giá trứng gà tại trại vừa nhích lên 1.800-1.900 đồng/trứng, ngay lập tức thị trường đẩy giá lên khoảng 10%.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian qua, ngoài phối hợp cùng ngành chức năng tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, các thành viên trong tổ còn hùn vốn tiết kiệm được gần 200 triệu đồng, kịp thời hỗ trợ nhau trang bị thêm dụng cụ, mở rộng chuồng trại, tăng đàn, nâng cao thu nhập. Đến cuối năm 2013, tổ hợp tác không còn thành viên nghèo.

Để chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc và vật nuôi trong vụ Đông - xuân này, các ngành chuyên môn của huyện đang tích cực triển khai công tác “3 chống”, đó là: Chống đói, chống rét và chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nông dân.

Sáng 10-1, hàng chục xã viên hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Cầu Sắt, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), bức xúc đổ bỏ sữa tươi ngay tại khu vực thu mua sữa của công ty CP sữa Đà Lạt (Dalat Milk), phản đối việc Công ty ra thông báo hạn định mức thu mua sữa tươi kiểu “thắt vú bò”.

Từ hơn 1 năm nay, ở xã Lộc Ninh (Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) xuất hiện một trang trại nuôi vịt trời với số lượng lớn. Trang trại này do ông Nguyễn Thanh Tuyến - 43 tuổi, ngụ ấp Lộc Tân làm chủ. Từ việc lên mạng tìm hiểu, học hỏi, ông Tuyến đã tìm ra một hướng đi mới là nuôi vịt trời, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm mới cho nông dân.

Tập trung chính ở các xã Đồng Tâm, An Bình, Thanh Nông, thị trấn Chi Nê. Điển hình nhất là hội gây nuôi động vật hoang dã xã Đồng Tâm duy trì hoạt động 23 hội viên với số động vật nuôi 500 con lợn rừng, 200 con nhím, 22 con hươu sao. Trong số động vật nuôi hoang dã, lợn rừng được người chăn nuôi tập trung mở rộng diện rộng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.