Giá gà giảm mạnh, người chăn nuôi lỗ nặng

Giá gà nhập khẩu giá rẻ hơn so với giá gà trong nước khiến người chăn nuôi khó tiêu thụ sản phẩm và bị lỗ nặng. Trong ảnh: Chọn mua gà tại siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu.
Ông Nguyễn Hoài Nam, chủ trang trại chăn nuôi gà ở thôn Bình Sơn, xã Đá Bạc (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) cho biết, từ đầu tháng 7 trở lại đây, giá gà các loại “rớt” mạnh. Gà ta giảm 15.000 đồng/kg, chỉ còn 50.000 - 55.000 đồng/kg.
Gà tam hoàng hiện đã giảm thêm 10.000 đồng/kg, chỉ còn 27.000 - 28.000 đồng/kg. Riêng gà công nghiệp (gà trắng) từ mức giá 30.000 - 32.000 đồng/kg giảm xuống còn 25.000 đồng/kg. Theo ông Nam, hiện trang trại của ông đang có gần 2.000 con gà ta chưa bán được do không có nơi tiêu thụ. “Hiện người chăn nuôi gà đang phải chịu lỗ từ 5.000 - 15.000 đồng/kg tùy loại” - ông Nam cho biết thêm.
Chủ các trang trại chăn nuôi gà tại huyện Châu Đức cho biết, hiện nhiều trại gà đã quá lứa (từ 2,5 - 2,8kg/con) nhưng vẫn không xuất chuồng được. Trong khi đó, mỗi ngày các trang trại vẫn phải bỏ ra hàng triệu đồng chi phí thức ăn và nhân công. Một số chủ trang trại đã phải chở gà đi bán lẻ tại TP. Vũng Tàu và TP. Bà Rịa.
Ông Nguyễn Đình Minh, chủ trại gà ta tại xã Suối Rao cho biết, từ cuối tháng 3-2015, gia đình ông mua hơn 2.000 con gà về nuôi. Bình thường, sau 4 tháng gà có thể xuất bán với trọng lượng từ 1,5 - 2kg/con.
Thế nhưng, hiện trại gà của gia đình ông còn hơn 500 con gà đã quá lứa, trọng lượng từ 2,5 - 2,8kg/con nhưng vẫn không bán được. Một tuần trở lại đây, mỗi ngày ông phải chở 40 - 50 con gà xuống TP.Vũng Tàu bán. “Bán kiểu như vậy cũng chỉ giảm bớt lỗ chứ không có lãi. Sau đợt nuôi này chắc gia đình tôi phải “treo” chuồng chứ càng nuôi càng lỗ” - ông Minh nói.
Nguyên nhân khiến giá gà các loại giảm mạnh trong thời gian qua là do gà nhập khẩu nhiều, giá lại rẻ hơn nhiều so với gà nuôi trong nước. Theo tính toán của Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam bộ, lượng gà nhập khẩu chiếm gần 40% tổng sản lượng gà công nghiệp nuôi trong nước.
Thịt gà Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam chỉ có giá 20.000 đồng/kg, trong khi giá gà hơi ở Việt Nam lại đắt hơn gà thịt của Mỹ tới 15.000 đồng/kg. Tại miền Đông Nam bộ có hơn 3.000 trang trại với tổng đàn hơn 8 triệu con, tính ra mỗi tháng các trang trại ở khu vực này lỗ 80 - 90 tỷ đồng.
Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ cũng đã kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần siết chặt việc nhập khẩu thịt gà đông lạnh như hiện nay.
Một nguyên nhân khác khiến giá gà các loại giảm mạnh và khó bán là do cung đã vượt xa cầu, trong khi đó người chăn nuôi thiếu thông tin về tình hình chăn nuôi như giá cả thị trường, sức tiêu thụ, tổng đàn tại địa phương….
Ông Thân Xuân Động, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho rằng, các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong việc ngăn chặn việc nhập gà thải loại, gà nhập lậu, cũng như cần hạn chế tối đa nhập khẩu các sản phẩm gia cầm không đạt tiêu chuẩn về chất lượng. Việc hình thành chuỗi liên kết trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gà cũng rất cần thiết để tăng sức cạnh tranh các sản phẩm gà trong nước trên thị trường.
Đây cũng là vấn đề mà các chủ trang trại chăn nuôi đang hết sức lo ngại khi Việt Nam chính thức tham gia các Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định kinh tế đối tác xuyên Thái Bình Dương thời gian tới. Lúc đó, thuế suất các sản phẩm chăn nuôi sẽ giảm về 0% thì sự yếu thế của ngành nuôi gà trong nước sẽ càng bộc lộ rõ hơn.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, giá thành chăn nuôi gà được cấu thành bởi các yếu tố con giống, thức ăn chăn nuôi, thú y, chuồng trại và trình độ kỹ thuật.
Trong các yếu tố trên, người chăn nuôi gà trong nước chỉ có lợi thế ở nhân công giá rẻ, còn các khâu khác gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài. Đặc biệt, đối với nguồn con giống gà công nghiệp (gà trắng) thì hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung của các DN có vốn nước ngoài.
Điều này đòi hỏi ngành chăn nuôi cần có các giải pháp quyết liệt hơn nữa để hỗ trợ người chăn nuôi thoát khỏi cảnh càng nuôi càng lỗ như hiện nay.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 80 trang trại chăn nuôi gà với tổng đàn hơn 2 triệu con, trong đó có 2 trại gà giống, 2 trại của công ty nước ngoài, 50 trại chăn nuôi gia công cho các công ty nước ngoài như CP, Emivest, Japfa… và 26 trại nuôi tư nhân. Tuy nhiên, hiện nay các công ty chăn nuôi gia công cũng đang chủ động thu hẹp quy mô để giảm lỗ.
Có thể bạn quan tâm

Trước những thách thức đặt ra đối với cây quýt đường, hiện ngành chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp. Đặc biệt, không ít nhà vườn có tâm huyết tại xã Long Trị đang làm mọi cách để tìm lại vị ngọt vốn có của trái quýt đường bằng những kinh nghiệm của mình.

Quốc gia Nam Mỹ này có thể chứng kiến sản lượng cà phê giảm xuống dưới 40 triệu bao trong năm 2015, ông Silas Brasileiro, Chủ tịch Hội đồng Cà phê Quốc gia Brazil (CNC), cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ Brasilia hôm thứ Năm 24/7. Hạn hán đã thúc đẩy giá cà phê kỳ hạn tăng tới 61% trong năm nay ở thị trường New York.

Trong những năm gần đây, việc đưa các tiêu chí sản xuất nông nghiệp an toàn như VietGAP; HACCP... đã được ngành nông nghiệp tuyên truyền, khuyến khích nông dân ứng dụng rộng rãi nhưng trên thực tế kết quả đạt được còn rất khiêm tốn...

Hiện nay, diện tích cà phê già cỗi hơn 20 năm tuổi khoảng 86 nghìn héc-ta, chiến 17,3% tổng diện tích. Ngoài ra còn có khoảng 40 nghìn héc-ta dưới 20 năm, nhưng đã có biểu hiện già cỗi, sinh trưởng kém, năng suất thấp. Tổng diện tích cà phê cần thay thế trong 5 đến 10 năm tới khoảng 140 đến 160 nghìn héc-ta.

Như vậy, chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột là trường hợp duy nhất trên thế giới được bảo hộ trong nước cho sản phẩm nhân cà phê vối (Robusta) và đang tiến hành các thủ tục đăng ký bảo hộ quốc tế tại 15 quốc gia, vùng lãnh thổ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý hoặc tên gọi xuất xứ, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận.