Giá Điều Đầu Vụ Sẽ Cao

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh Bình Phước hiện còn khoảng 134.506 ha điều (giảm 36.630 ha so với năm 2007). Trong đó, diện tích sản xuất có hiệu quả chỉ chiếm 40 - 50%, là những vườn được trồng giống mới năng suất cao, trồng trên vùng đất tốt.
Diện tích còn lại là điều già cỗi, kém năng suất hoặc trồng ở các vùng đất không đảm bảo điều kiện cho cây điều phát triển. Phần lớn người trồng điều thiếu vốn đầu tư, phải trồng theo phương châm lấy ngắn nuôi dài (trồng xen) nên cả năng suất và chất lượng đều thấp. Dù không ồ ạt như trước, nhưng diện tích điều vẫn đang tiếp tục giảm bởi người dân vẫn đang chuyển sang trồng hồ tiêu, cà phê hoặc cây ăn trái - là những loại cây cho giá trị cao trên cùng diện tích đất.
Hiện toàn tỉnh có 210 doanh nghiệp, cơ sở chế biến hạt điều. Theo công suất lắp đặt thiết kế, có 40 doanh nghiệp có công suất trên 5.000 tấn/năm, 170 cơ sở có công suất nhỏ hơn.
Với chừng ấy doanh nghiệp và cơ sở chế biến, lượng điều thô tiêu thụ hằng năm không hề nhỏ. Trong khi đó, sản lượng điều mấy năm gần đây liên tục sụt giảm do năng suất thấp và thu hẹp diện tích nên không đủ đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến. Năm 2013, sản lượng điều thô toàn tỉnh là 125 ngàn tấn và năm 2014 đạt 190 ngàn tấn.
Vì thế, nhiều doanh nghiệp chế biến buộc phải nhập nguyên liệu để duy trì, mở rộng sản xuất. Nguồn điều thô vào tỉnh chủ yếu được nhập từ các thị trường Đông Phi, Tây Phi và Đông nam Á. Nhìn rộng ra cả nước, sản lượng điều chỉ đủ cung ứng chưa đến 50% công suất chế biến của các doanh nghiệp.
Giá điều nhập thường thấp hơn giá điều thu mua tại chỗ. Điều này đã và đang ảnh hưởng đến quyền lợi của người trồng điều. Nhưng điều khiến nhiều người lo ngại, bức xúc không chỉ là bị “dìm giá” theo giá điều nhập mà về lâu dài sẽ mất đi thương hiệu điều Bình Phước, bởi chính cái hương vị đặc biệt của hạt điều Bình Phước mới chinh phục được những khách hàng khó tính nhất.
Theo thông tin từ Hội đồng điều thế giới, sản lượng điều thô toàn cầu niên vụ 2014 - 2015 chỉ đạt khoảng 2,6 triệu tấn, tương đương 619.000 tấn điều nhân, giảm 130.000 tấn so với niên vụ 2013. Trong khi đó, dự báo mức tiêu thụ nhân điều toàn cầu lên tới 650.000 tấn, tăng 53.000 tấn so với niên vụ trước. Theo phân tích của các chuyên gia, các nhà quản lý thì giá điều đầu vụ 2014 - 2015 chắc chắn sẽ cao. Đây là cơ hội tốt nên nông dân trong tỉnh cần tập trung chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng điều.
Có thể bạn quan tâm

Mấy tuần gần đây, nông dân nuôi cá điêu hồng làng bè tỉnh Tiền Giang phấn khởi do giá cá liên tục tăng cao, sức tiêu thụ của thị trường mạnh. Hiện nay, giá cá điêu hồng được các thương lái thu mua với giá 39.000 - 40.000 đồng/kg cao hơn 6.000 - 7.000 đồng/kg so với giá thành sản xuất.

Những năm 80 của thế kỷ 20, chính quyền và nông dân huyện đầu nguồn An Phú (An Giang) đã bắt đầu hình thành những vùng chuyên canh, xen canh giữa cây lúa và ngô (bắp) nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Đến nay, cây ngô đã trở thành cây trồng chủ lực tại đây, với năng suất lên đến 13, 14 tấn/ha, mở hướng phát triển bền vững cho việc tái cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện.

Giồng Riềng là huyện thuộc vùng đất thấp trũng (Tây sông Hậu) của tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mô hình trồng tiêu trên đất vườn của huyện Giồng Riềng được nhiều nông dân quan tâm đầu tư nhân rộng. Điểm đặc trưng nổi bật của mô hình trồng tiêu trong huyện là trồng trên đất liếp vườn dùng cây tràm sống làm trụ.

Mùa rộ trái cây ĐBSCL thường “đụng hàng” mùa thu hoạch tập trung ở miền Đông, Tây Nguyên và miền Bắc, nên lượng cung ra thị trường khá lớn gây khủng hoảng thừa, rớt giá. Do vậy, việc điều chỉnh mùa vụ, sản lượng trái cây đáp ứng nhu cầu thị trường là vấn đề rất cần thiết.

Sả là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, không kén đất, chịu hạn tốt, chi phí đầu tư ít, chỉ 6 tháng đầu năm 2014 diện tích sả tại huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) đã tăng thêm gần 100 ha. Tính đến nay, Tân Phú Đông có gần 600 ha sả, tăng gần 200 ha so với cùng kỳ năm 2013, chủ yếu tập trung tại xã Phú Thạnh, Phú Đông, Phú Tân...