Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giá cua giảm mạnh

Giá cua giảm mạnh
Ngày đăng: 22/08/2015

Tiếp xúc với chủ vựa cua Hải Mến, vựa cua lớn nhất của xã Long Hữu, huyện Duyên Hải, Trà Vinh được biết: Nhiều năm qua ông thu gom ở các xã lân cận của huyện Duyên Hải rồi đóng gói vận chuyển trực tiếp sang Thượng Hải (Trung Quốc). Một ngày trung bình ông xuất sang Thượng Hải khoảng từ 500 đến 800kg cua. Do vài tháng nay giá cua giảm mạnh nên người dân đang “ém hàng”.

Theo ông Hải Mến: Giá cua xô từ 60 ngàn - 70 ngàn đồng/kg, cua thịt (cua y) giá từ 100 ngàn -120 ngàn đồng/kg, cua gạch son có giá từ 170 ngàn - 180 ngàn đồng/kg giảm nhiều so với dịp Tết Nguyên Đán từng lên tới 600 ngàn đồng/kg nhưng vẫn đắt hàng.

Theo kinh nghiệm ông Mến cho rằng tháng này ở Việt Nam là tháng “cô hồn” và ngày lễ Vu lan nên người dân ăn chay nhiều. Ông cũng dự đoán: Có lẽ do Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ nên giá cua giảm mạnh thấy rõ.

Huyện Duyên Hải mới chia tách trong tháng 8 này. Hiện diện tích nuôi tôm cua của Duyên Hải là 8.400 ha lớn nhất tỉnh, tập trung ở các xã như Long Vĩnh, Long Khánh, Đông Hải. Năm nay do chia tách địa giới hành chính, dù diện tích có giảm khoảng 5.500 ha, nhưng lượng con cua giống được người dân thả nuôi tăng.

Thời gian qua Trà Vinh áp dụng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, (30% diện tích rừng, 70% diện tích nuôi thủy sản), là mô hình vừa nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng rừng. Đây cũng xem là mô hình nuôi thủy sản được đánh giá là giảm mức độ thiệt hại tới mức thấp nhất, 1m2 chỉ có 1 con cua bị thiệt hại.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Duyên Hải toàn huyện có trên 10 cơ sở sản xuất cua giống, đây là các cơ sở sản xuất tôm giống rồi kết hợp nhân giống cua để bán cho người dân vùng này nuôi. Tuy nhiên ở thời điểm này giá cua đang giảm mạnh gây ảnh hưởng tới hoạt động mua bán cũng như nuôi trồng của người dân.

Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết, ông Trần Trường Giang, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duyên Hải cho biết: Không riêng gì cua mà tất cả các mặt hàng nông thủy sản nói chung vài tháng gần đây đều giảm mạnh. Theo ông Giang có hai nguyên nhân, do môi trường, biến đổi khí hậu xuất hiện nhiều loại dịch bệnh khó kiểm soát. Nguyên nhân thứ hai là do nhiều nước trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan, trồng và nuôi nông thủy sản trúng mùa khiến cho giá thành giảm mạnh.

Khảo sát tại xã Long Khánh huyện Duyên Hải diện tích nuôi cua và tôm giảm. Theo cán bộ nông nghiệp của xã, thời gian qua diện tích nuôi cua giảm nguyên nhân do địa bàn có Dự án làm luồng tàu Định An đã lấy khoảng 109 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên tỷ lệ thả giống lại tăng cao hơn so với vụ trước.

Lý giải thực tế này, ông Ngô Minh Trường, cán bộ Nông nghiệp và Môi trường xã Long Khánh cho biết: Thời gian gần đây người dân phản ánh tình trạng giống cua kém chất lượng gây thiệt hại về kinh tế cho người trồng cua và ảnh hưởng nhiều tới hoạt động nuôi của người dân. Có hộ một năm thả giống tới 4 hay 5 lần mới thu hoạch được. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân là các cơ sở sản xuất con giống mua cua bố mẹ không rõ nguồn gốc nên khi tạo giống cua con kém chất lượng. Thời gian qua chúng tôi có gặp các cơ sở bán giống cua con để nhắc nhở các nơi này tìm rõ nguồn gốc cua để tạo ra các giống tốt, chất lượng cho người nuôi.

Ông Nguyễn Văn Oanh ở ấp Tân Thành xã Long Khánh nhiều năm qua nuôi cua, tôm theo hình thức quảng canh cải tiến với diện tích trên 50 ngàn m2. Những năm qua trừ chi phí thu nhập hàng năm trên 200 triệu đồng.

Năm nay ông Oanh thả tăng số lượng con giống, nhưng thời gian qua giá cua giảm, ông cũng lo lắng. Tuy nhiên với hình thức nuôi quảng canh cải tiến ông Oanh không lo tới chi phí nuôi trồng nên mức độ thiệt hại về kinh tế hầu như không có, trong khi các hộ dân nuôi theo hình thức công nghiệp lại lo lắng khi giá cua giảm mạnh.

Tuy nhiên người nông dân ĐBSCL vẫn kỳ vọng vụ tới đúng vào dịp Tết giá cua sẽ tăng trở lại.


Có thể bạn quan tâm

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản

Ngày 07/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 89/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản

12/10/2015
Được mùa hải sâm Được mùa hải sâm

Người dân sống dọc đầm Thủy Triều (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) đang rất phấn khởi bởi năm nay, hải sâm tự nhiên phát triển nhiều, góp phần tạo thêm nguồn thu nhập.

12/10/2015
Nuôi chạch đồng trong bể Nuôi chạch đồng trong bể

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang) đang thử nghiệm nuôi khoảng 2 vạn con chạch đồng trong bể với diện tích 200m2 tại đơn vị.

12/10/2015
Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò

Ủ chua rơm rạ: Hố ủ cần xây chắc chắn, ở nơi cao ráo, dễ che đậy kín, thuận tiện việc ủ và lấy ra, có thể xây bằng gạch hoặc có thể dùng túi nylon dày và to để ủ. Kích thước tùy thuộc vào lượng rơm rạ cần ủ, cứ 1m3 hố ủ được 100kg rơm, hố ủ nên hẹp chiều ngang để dễ nén rơm.

12/10/2015
Làm giàu nhờ nuôi gà ri Làm giàu nhờ nuôi gà ri

Những năm gần đây, nhiều nông dân ở xã Trung An, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã tích cực chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế, cho năng suất và lợi nhuận cao, trong đó có mô hình nuôi gà ri lấy trứng của ông Lê Văn Dũ - ngụ ấp 4.

12/10/2015