Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giá Chuối Tăng, Người Dân Ít Có Lợi

Giá Chuối Tăng, Người Dân Ít Có Lợi
Ngày đăng: 07/05/2014

Thời gian gần đây, chuối mốc tại huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) được thu mua với giá từ 6.000 đến 7.000 đồng/kg. Tuy giá chuối cao, nhưng nhiều thương lái trung gian tại địa phương chỉ mua với giá khoảng 3.000 đồng/kg, nên người dân ít có lợi.

Chuối hút hàng

Hơn 2 tháng nay, thương lái đổ xô về Khánh Sơn để thu mua chuối mốc. Trên đường lên Khánh Sơn, chúng tôi bắt gặp hàng chục người chở chuối mốc bằng xe gắn máy về xuôi; ngoài ra chúng tôi còn gặp 5 ô tô chở chuối.

Đang gùi chuối trên rẫy về, chị Bo Bo Liệu (thôn Dốc Gạo, xã Ba Cụm Bắc) cho biết: “Mấy ngày nay, chuối bán được giá nên ngày nào vợ chồng tôi cũng lên rẫy chặt chuối. Với hơn 0,5ha chuối, mỗi ngày, vợ chồng tôi có thể thu được 300.000 đồng từ việc bán chuối. Gia đình tôi đang tính chuyện chuyển đổi 0,5ha trồng bắp sang trồng chuối”.

Giá chuối cao đã giúp cho anh Bo Bo Hùng (thôn Tà Lương, thị trấn Tô Hạp) kiếm được tiền triệu từ việc làm trung gian đi thu gom chuối của người dân trong thôn để bán lại cho các thương lái đi mua chuối bằng ô tô.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, hiện nay, trên địa bàn có khoảng 550ha chuối, thu hoạch bình quân hơn 450 tấn chuối/tháng. Những địa phương có diện tích chuối lớn như: xã Thành Sơn có hơn 350ha, xã Ba Cụm Bắc hơn 165ha, thị trấn Tô Hạp hơn 54ha...

Ở những địa phương này, hàng ngày có rất nhiều người đi thu mua chuối. Gặp chúng tôi khi đang gom chuối lên ô tô tại thị trấn Tô Hạp, anh Đông - thương lái ở huyện Diên Khánh cho biết: “2 tháng nay, chuối hút hàng nên giá cũng duy trì ở mức cao từ 6.000 đến 7.000 đồng/kg (cao gấp 2 - 3 lần so với thời điểm này năm trước). Trung bình mỗi ngày, tôi có thể thu gom hơn 15 tấn chuối mốc tại Khánh Sơn để bán lại cho các đầu nậu lớn ở xã Suối Cát (huyện Diên Khánh)”.

Được biết, thời gian gần đây, có 4 - 5 thương lái từ TP. Cam Ranh, 2 huyện Cam Lâm và Diên Khánh đổ về Khánh Sơn thu mua chuối. Họ chủ yếu gom chuối từ các điểm thu mua nhỏ lẻ trên địa bàn huyện hoặc những người mua chuối bằng xe máy chở đến bán. Đến khi đủ chuyến sẽ đưa chuối về xuôi.

Sở dĩ giá chuối mốc tăng cao thời gian qua là do nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc rất lớn. “Từ cuối tháng Giêng đến khoảng cuối tháng Tư (âm lịch) là thời điểm phía Trung Quốc “ăn hàng” nhiều.

Vì vậy, các vựa chuối xuất khẩu đi Trung Quốc đặt hàng khối lượng lớn. Thế nhưng, dù cố gắng lắm, chúng tôi cũng chỉ đáp ứng được cho các vựa khoảng 15 - 20 tấn chuối mỗi ngày”, bà Nguyễn Thị Kính - đầu nậu thu mua chuối ở xã Cam Phước Tây (huyện Cam Lâm) chia sẻ. Nếu như trước đây, các thương lái chủ yếu thu mua chuối già thì hiện nay, do giá chuối tăng mạnh, hụt nguồn cung nên chuối chưa già vẫn được thương lái thu gom.

Theo nhận định của các thương lái, giá chuối cao sẽ không duy trì được lâu, bởi đến đầu tháng Năm âm lịch, khi chuối ở Lào thu hoạch rộ thì thị trường Trung Quốc sẽ nhập nhiều chuối từ Lào. Khi đó, chuối từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc không nhiều, giá chắc chắn sẽ giảm.

Thương lái ép giá

Tuy chuối hút hàng, giá tăng, nhưng không phải nông dân nào cũng vui mừng. Hiện nay, giá chuối được các thương lái thu mua bằng ô tô với giá hơn 6.000 đồng/kg. Tuy biết bán chuối cho các thương lái thu gom bằng ô tô thì giá cao hơn, nhưng nhiều hộ không dám bán, bởi đã trót “bán non” cho các thương lái trung gian tại địa phương.

Chủ một điểm mua nông sản ở xã Ba Cụm Bắc cho biết, họ chỉ mua chuối của nông dân khoảng 2.500 - 3.000 đồng/kg. “Sở dĩ chúng tôi mua chuối của người dân giá thấp là vì ngay từ đầu năm, chúng tôi đã cho bà con ứng trước tiền. Đến khi thu hoạch chuối, họ sẽ phải bán cho chúng tôi để trừ nợ. Nếu họ bán cho người khác thì chúng tôi sẽ không ứng trước tiền cho họ nữa”, người này cho biết.

Quan sát tại điểm thu mua chuối này, nhiều người sau khi bán chuối vẫn không mấy vui mừng bởi số tiền họ có được từ việc bán chuối không nhiều mà chủ yếu rơi vào túi thương lái trung gian.

Không riêng xã Ba Cụm Bắc mà ở nhiều địa phương khác tại Khánh Sơn, tình trạng thương lái thu mua nông sản non khá phổ biến. Ông Lê Ánh Sáng - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình lo lắng: “Sơn Bình là một trong những địa phương có diện tích cây trồng lớn nhất huyện.

Ngoài cây chuối, trên địa bàn xã còn có nhiều diện tích cây trồng khác với sản lượng rất cao. Hầu hết sản phẩm chỉ được tiêu thụ qua kênh thương lái nên đầu ra khá bấp bênh, giá cả không ổn định, thậm chí thương lái ép giá khi mua. Điều này ảnh hưởng đến thu nhập của người dân”.

Ông Bùi Văn Chuyền - nhân viên Trung tâm Dịch vụ - Thương mại huyện Khánh Sơn cho biết: Thực tế lâu nay, tại đây vẫn tồn tại việc người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số bán nông sản non. Tuy Trung tâm Dịch vụ - Thương mại huyện thu mua nông sản cho người dân với giá thị trường (cao gần gấp đôi so với việc bán cho thương lái), nhưng do người dân đã nhận tiền đầu tư của các thương lái nên khi thu hoạch nông sản, nông dân phải bán cho thương lái với giá khá thấp.

Lý giải về việc Trung tâm không thể cạnh tranh được với thương lái khi thu mua nông sản, ông Chuyền cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay của Trung tâm là không có vốn để đầu tư ứng trước cho người dân nên họ không bán nông sản cho đơn vị.

Do giá chuối tăng cao, tiêu thụ dễ dàng nên nhiều nông hộ ở Khánh Sơn tính chuyện mở rộng diện tích trồng chuối, hoặc chuyển đổi cây trồng khác sang trồng chuối. Tuy nhiên, theo ông Trần Mạnh Dũng - Chủ tịch UBND huyện, trước thực trạng giá chuối bấp bênh, UBND huyện khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích trồng chuối, mà chỉ duy trì diện tích trên địa bàn huyện khoảng 500ha.

Hiện nay, Khánh Sơn đang chú trọng việc cải tạo giống chuối cũng như hướng dẫn về kỹ thuật để nông dân tập trung đầu tư tăng năng suất, chất lượng. Bên cạnh đó, huyện còn tập trung đầu tư cho những cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như: sầu riêng, mít nghệ, mía tím, cà phê... Ngoài ra, một số loại cây trồng mới như: macca, bơ booth có nhiều tiềm năng cũng sẽ được đưa về trồng thử nghiệm, nếu thành công sẽ nhân rộng cho người dân.


Có thể bạn quan tâm

Tăng Cường Quản Lý Từ Gốc Để Nâng Cao Chất Lượng Tôm Giống Tăng Cường Quản Lý Từ Gốc Để Nâng Cao Chất Lượng Tôm Giống

Những năm gần đây, nghề nuôi tôm các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng gặp khó khăn, người dân phải đối mặt với thời tiết diễn biến thất thường, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, đến khi thu hoạch, giá tôm không ổn định.

04/07/2014
Chê Trung Quốc, Vải Thiều Thanh Hà “Nam Tiến” Chê Trung Quốc, Vải Thiều Thanh Hà “Nam Tiến”

Chỉ còn khoảng 3-5 ngày nữa, vựa vải thiều Thanh Hà sẽ bước vào thu hoạch chính vụ. Thời điểm này, các nhà vườn vải thiều ở các vùng vải trọng điểm như Thanh Khê, Thanh Thủy, Thanh Sơn... (huyện Thanh Hà) cũng đã bắt đầu rục rịch vào vụ thu hoạch. Dọc hai bên tỉnh lộ 390, các chủ vựa thu mua vải thiều đã bắt đầu hoạt động tấp nập.

13/06/2014
Hội Thảo Đánh Giá Dịch Bệnh Trên Tôm Hội Thảo Đánh Giá Dịch Bệnh Trên Tôm

Đánh giá lại thực trạng diễn biến tình hình bệnh tôm ở Cà Mau, đề xuất giải pháp khắc phục nhằm trao đổi kinh nghiệm và phát triển nghề nuôi tôm bền vững là nội dung quan trọng tại hội thảo khoa học được tổ chức ngày 1/7 do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cà Mau chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Phân viện nghiên cứu thủy sản Minh Hải đồng tổ chức.

04/07/2014
Giá Tôm Thẻ Chân Trắng Có Thể Tăng Thêm 15% Giá Tôm Thẻ Chân Trắng Có Thể Tăng Thêm 15%

Mặc dù Ấn Độ và Ecuador vẫn trúng mùa, nhưng tôm nuôi của Thái Lan, Trung Quốc và Malaysia đang bị thiệt hại nặng do hội chứng chết sớm (EMS) nên nguồn cung không còn dồi dào như ở thời điểm tháng 5 vừa qua. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ tại một số thị trường vẫn không suy giảm, giúp giá tôm tăng trở lại trong tháng 6.

04/07/2014
Động Viên Ngư Dân Rẽ Sóng Vươn Khơi Động Viên Ngư Dân Rẽ Sóng Vươn Khơi

Sáng 12/6, tại UBND xã Tam Quang (Núi Thành, Quảng Nam), Hội Nghề cá tỉnh Quảng Nam phối hợp với Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ hỗ trợ vốn cho 150 hộ ngư dân có hoàn cảnh khó khăn thuộc 15 tàu của huyện Núi Thành.

13/06/2014