Gia Cầm Đón Vụ Cuối Năm

Trong 2 tháng gần đây, giá các loại gia cầm đã đồng loạt nhích lên khiến người chăn nuôi phấn khởi vì làm ăn có lãi, nên bắt đầu tăng đàn đón vụ cuối năm.
Ông Võ Công Khương, chủ một gia trại chuyên nuôi gà lấy trứng ở thôn Vinh Thạnh 1, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước), nhớ lại: “Những năm trước đây, thị trường tiêu thụ gia cầm dẫu có biến động xấu cũng chỉ kéo dài khoảng 2-3 tháng là bình ổn trở lại.
Năm nay khác thường hơn, giá gia cầm giảm sâu và kéo dài khiến người chăn nuôi khốn đốn, ai may lắm là huề vốn, còn hầu hết đều thua lỗ nặng. Hiện nhờ dịch bệnh được khống chế, giá các loại gia cầm và trứng gia cầm đều tăng nên người chăn nuôi đã biết đến đồng lãi”.
Đi một vòng các trang trại, gia trại nuôi gà ở các huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát…, chúng tôi được người chăn nuôi cho biết, giá gà công nghiệp lông vàng đang được thương lái người miền Bắc vào thu mua mạnh với giá từ 70.000 đến 72.000đ/kg; gà ta nuôi trang trại có giá từ 52.000-55.000đ/kg; gà ta thả vườn đứng ở mức giá khá cao, từ 80.000 đến 85.000đ/kg.
Như vậy, so với mức giá cách đây khoảng 2 tháng, giá gà các loại đều tăng từ 20.000 đến 25.000đ/kg. Bên cạnh đó, giá trứng gà công nghiệp cũng đã tăng lên 2.000-2.200đ/trứng, trứng gà ta đứng ở giá từ 3.000 đến 3.300đ/trứng. So với trước đây, trứng gà công nghiệp và cả trứng gà ta đều tăng từ 200-500đ/trứng.
“Trang trại của tui đang nuôi 400 con gà siêu trứng, với giá trứng đứng ở mức 2.000-2.200đ/trứng, mỗi ngày tui thu được lãi ròng 300.000đ. Tui đang tiếp tục đầu tư cho đàn gà hậu bị hơn 200 con để chuẩn bị cung ứng cho thị trường thời điểm cuối năm và những ngày Tết năm tới”, ông Võ Công Khương, cho biết.
Ông Nguyễn Văn Quốc, Chi cục phó Chi cục Thú y Bình Định, cho biết:“Chúng tôi hiện đang tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng chống lạnh cho đàn gia súc gia cầm, tiêm phòng dịch bệnh trong suốt mùa mưa. Đồng thời khuyến cáo các địa phương cần tăng cường quản lý việc nuôi vịt chạy đồng, giám sát chặt chẽ các cơ sở ấp nở gia cầm mới để đề phòng dịch bệnh tái phát”.
“Thuyền lên nước lên”, nếu như trong thời điểm giá thấp cách đây vài tháng, do làm ăn thua lỗ nên hầu hết các trang trại, gia trại nuôi gà ở Bình Định đều “treo chuồng” thì hiện nay đang nhập gà giống để chuẩn bị cung ứng cho thị trường cuối năm.
Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi hiện đang ở mức ổn định nên tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi tái đàn. Ông Nguyễn Tấn Linh, chủ một đại lý thức ăn chăn nuôi cấp I ở thôn Hanh Quang, xã Phước Lộc (Tuy Phước-Bình Định), cho hay: “Từ đầu năm đến nay, các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi giữ ổn định giá bán nhằm hỗ trợ một phần khó khăn cho người chăn nuôi.
Hiện giá thức ăn chăn nuôi mang các nhãn hiệu: CP, Cargill, Con Cò, Green Feed… đang ở mức từ 270.000đ-590.000đ/bao (25 - 40 kg/bao). Giá các loại thức ăn chăn nuôi ổn định, trong khi giá các loại gia cầm tăng trở lại tạo điều kiện cho người chăn nuôi mạnh dạn tái đàn”.
Ông Cao Văn Khanh, chủ một cơ sở chuyên cung ứng gà ta giống ở xã Phước Hiệp (Tuy Phước), cho biết thêm: “Từ đầu tháng 9 đến nay, nhu cầu gà giống của người chăn nuôi trên địa bàn tăng khá mạnh nên mỗi ngày cơ sở của tui cung ứng từ 15.000 đến 20.000 con gà giống 1 ngày tuổi với giá 17.000 đ/con.
So với cách đây 2 tháng, giá gà giống đã tăng được 5.000 đ/con. Hiện nay, cơ sở của tui đang thiếu nguồn giống cung ứng cho người chăn nuôi, vì phong trào tái đàn của bà con đang rất mạnh”.
Bình Định đang chuẩn bị bước vào mùa mưa lũ, nên song song với việc tái đàn, cơ quan chuyên môn lẫn người chăn nuôi ở tỉnh này cũng đang tăng cường các giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh, bảo vệ cho đàn gia cầm an toàn đến thời điểm cuối năm.
Có thể bạn quan tâm

Đó là ý kiến của TS. Michel Guillaume, chuyên gia dinh dưỡng đến từ Pháp tại hội thảo “Giải pháp nâng cao năng suất trên heo cao sản” do Công ty cổ phần Việt - Pháp vừa tổ chức.

Đối với địa phương vùng biên, việc phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với những lợi thế của mình, huyện Hồng Ngự từng bước tiến tới khai thác tạo hướng đi riêng cho nông sản chủ lực.

Theo ngành nông nghiệp, hiện nay gần 42.800ha lúa hè thu trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ, đứng cái - làm đòng. Tuy nhiên, những ngày gần đây bệnh khô vằn đã xuất hiện và gây hại rải rác tại hầu hết địa phương của Quảng Nam.

Các hội viên nông dân được bác sĩ thú y Lê Thị Lệ Xuân- Trạm Khuyến nông Thành phố truyền đạt chuyên đề chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt. Nội dung chủ yếu giới thiệu, cung cấp những kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản như: Giới thiệu một số giống bò, kỹ thuật chọn con giống, các loại thức ăn, kỹ thuật trồng cỏ, chế biến và dự trữ thức ăn, kỹ thuật nuôi dưỡng bò mang thai, bò đẻ, đặc điểm tiêu hóa...

Mỗi hộ nhận vay số tiền hỗ trợ từ 10 - 35 triệu đồng, lãi suất 0,7%/tháng, thời hạn vay 24 tháng. Nguồn vốn này giúp các hộ tu sửa hệ thống đê bao bảo vệ xoài, xây dựng kho và đầu tư các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho sản xuất xoài theo hướng GAP như máy bơm, túi bao trái, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.