Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ghi Nhận Sau Chiến Dịch Phòng Trừ Sâu Cuốn Lá Nhỏ Bảo Vệ Lúa Mùa

Ghi Nhận Sau Chiến Dịch Phòng Trừ Sâu Cuốn Lá Nhỏ Bảo Vệ Lúa Mùa
Ngày đăng: 23/08/2014

Chưa năm nào người nông dân Thái Bình lại chứng kiến nạn sâu cuốn lá nhỏ hoành hành dữ dội như vụ mùa năm nay. Sâu hại trên 100% các giống lúa, trà lúa ở tất cả các huyện, thành phố với mật độ cao gấp 7 - 10 lần so với trung bình nhiều năm.

Trước tình hình sâu cuốn lá nhỏ gây hại trên diện rộng, từ ngày 16 - 20/8 nông dân toàn tỉnh đã tổ chức đợt phun thuốc phòng trừ trên lúa xuân. Mặc dù thời gian của chiến dịch là 5 ngày song nhiều địa phương tập trung phun trong 2 ngày đã cơ bản xong, tỷ lệ sâu chết khá cao, trên 80%.

Tuy nhiên do mật độ sâu cuốn lá nhỏ đợt này quá cao, tình hình các lứa sâu nở gối phức tạp nên mật độ sâu cuốn lá nhỏ còn lại sau 3 ngày phun thuốc vừa qua vẫn còn rất cao, bình quân 80 - 120 con/m2, nơi cao 200 - 300 con/m2.

Ðặc biệt, mật độ sâu cuốn lá nhỏ còn lại sau phun thuốc đợt 1 còn cao hơn mật độ sâu thời điểm khi chưa phun thuốc cùng kỳ năm 2013 và nhiều năm trước; nếu không phòng trừ triệt để thì lượng sâu cuốn lá nhỏ còn lại sẽ gây thiệt hại nặng nề cho lúa mùa năm 2014.

Ðể bảo vệ an toàn cho sản xuất lúa vụ mùa, ngày 18/8, UBND tỉnh đã có Công điện số 07/CÐ-UBND về việc tập trung phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ đợt 2 bảo vệ lúa mùa năm 2014, yêu cầu các các địa phương tập trung tuyên truyền để bà con nông dân đồng loạt phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ đợt 2 cho toàn bộ diện tích lúa mùa. Thời gian từ 19 - 21/8 (thời điểm phun thuốc đợt 2 cách đợt 1 là 3 ngày).

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: Chỉ sau một ngày phát động đợt 2, nông dân toàn tỉnh đã phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ cho hơn 32.000 ha, đạt trên 35% diện tích. Một số huyện đạt tỷ lệ phun cao như Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Ðông Hưng…

Do chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên trên 11.000 ha lúa mùa của huyện Hưng Hà sinh trưởng, phát triển tốt, lúa đang trong giai đoạn phân hóa đòng.

Tuy nhiên, trên đồng ruộng sâu bệnh diễn biến phức tạp. Ông Vũ Văn Hạnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Ngay sau khi có công điện của UBND tỉnh, UBND huyện Hưng Hà đã tổ chức họp triển khai chiến dịch phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm cho toàn bộ diện tích lúa mùa từ ngày 15 -18/8.

Các biện pháp phun thuốc phòng trừ sâu bệnh được tuyên truyền đến tận hộ nông dân qua hệ thống loa truyền thanh từ huyện đến cơ sở mỗi ngày 5 lần và xe lưu động đi đến từng khu dân cư tuyên truyền để mọi người dân biết mức độ nguy hại của sâu bệnh, hướng dẫn bà con kỹ thuật phun trừ theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách) để đạt hiệu quả cao. Ðến ngày 17/8, 100% diện tích lúa mùa của huyện đã được phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ.

Tuy nhiên, do mật độ sâu còn cao nên trong 2 ngày 18 và 19/8, UBND huyện đã thành lập 9 đoàn công tác gồm các đồng chí lãnh đạo huyện, trưởng các ban, ngành, đoàn thể cùng cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật trực tiếp xuống các cánh đồng để chẻ sâu, xác định mật độ sâu của từng vùng, từng xã. Ðồng thời tiếp tục phát động phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ đợt 2 từ ngày 18 - 21/8.

Do thời tiết những ngày này bất thuận, mưa nhiều nên đến ngày 20/8, toàn huyện mới phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ đạt khoảng 40% diện tích. Hệ thống truyền thanh từ huyện đến các xã, thị trấn thường xuyên tuyên truyền bà con nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi tập trung ra đồng phun thuốc phòng trừ sâu bệnh theo đúng khuyến cáo của ngành chuyên môn.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông phối hợp với các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp bám sát đồng ruộng hướng dẫn nông dân kỹ thuật phun thuốc, thực hiện các biện pháp thâm canh, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Tuyệt đối không phun thuốc kích thích sinh trưởng cho lúa, không bón đạm nuôi đòng, nuôi hạt. Ðiều tiết nước hợp lý để tăng hiệu lực của thuốc.

Cũng như ở Hưng Hà, những ngày này, cán bộ ngành nông nghiệp huyện Vũ Thư cũng “căng” hết sức mình để theo dõi tình hình sâu bệnh, tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương tiếp tục tổ chức phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ. Tranh thủ thời tiết hửng nắng, trên nhiều thửa ruộng, bà con nông dân xã Việt Hùng đã tập trung ra đồng phun thuốc lần hai.

Thời tiết những ngày này mưa nắng thất thường, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển nên việc phòng trừ cũng gặp không ít khó khăn. Hiện toàn huyện mới chỉ phun được khoảng 30% diện tích. Các địa phương đang tập trung tuyên truyền bà con nông dân phun phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ đợt 2 xong trước ngày 22/8.

Chị Hoàng Thị Hằng (thôn Lộc Ðiền, xã Việt Hùng) cho biết: Nhà tôi cấy hơn một mẫu lúa, năm nay lúa tốt lắm, đang chuẩn bị làm đòng nhưng sâu bệnh nhiều quá phải phun thuốc lần hai theo đúng khuyến cáo của ngành chuyên môn.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng với nỗ lực của bà con nông dân trong việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, hy vọng lúa mùa năm 2014 sẽ sinh trưởng, phát triển tốt, làm tiền đề để các địa phương tiếp tục giành thêm một vụ mùa đạt năng suất, sản lượng cao, tạo đà cho sản xuất vụ đông sắp tới.


Có thể bạn quan tâm

Hỗ Trợ 2 Trang Trại Sản Xuất Trái Cây Theo Tiêu Chuẩn VietGAP Hỗ Trợ 2 Trang Trại Sản Xuất Trái Cây Theo Tiêu Chuẩn VietGAP

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT Đắk Nông thì đơn vị đang phối hợp với Trung tâm chất lượng nông, lâm, thủy sản vùng 3 (Khánh Hòa) hỗ trợ xây dựng và chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP cho 2 trang trại là trang trại Gia Trung, chuyên canh sầu riêng ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) và trang trại của bà Nguyễn Thị Hồng, chuyên canh quýt ở xã Quảng Khê (Đắk Glong).

09/08/2013
Diện Tích Cây Trồng Bị Ngập Sâu Tăng Diện Tích Cây Trồng Bị Ngập Sâu Tăng

Để kịp thời tiêu úng cho cây trồng, các doanh nghiệp thủy lợi đang vận hành 193 trạm bơm với 1.004 máy bơm, tổng lưu lượng 2.500.250 m3/h. Chi cục Thủy lợi Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp thuỷ lợi tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng thủy văn, chủ động vận hành công trình, bơm tiêu cho những diện tích bị úng ngập khi xảy ra.

10/08/2013
Triển Vọng Phát Triển Cây Sả Ở Tân Phú Đông (Tiền Giang) Triển Vọng Phát Triển Cây Sả Ở Tân Phú Đông (Tiền Giang)

Tân Phú Đông, huyện cù lao của tỉnh Tiền Giang thành lập cách nay hơn 5 năm. Nếu trước đây mãng cầu xiêm được xem là cây xóa đói giảm nghèo của huyện cù lao này thì khoảng 1 năm trở lại đây, cây sả đã "lên ngôi". Nhiều hộ gia đình mạnh dạn chuyển từ ruộng lúa lên liếp trồng sả theo mô hình xen canh 1 vụ sả, 1 vụ lúa hoặc bỏ hẳn cây lúa, chuyển sang trồng sả quanh năm…

09/08/2013
Cần Sự Liên Kết Của Doanh Nghiệp Cần Sự Liên Kết Của Doanh Nghiệp

Suốt 10 năm qua, kể từ khi Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX) ra đời năm 2003, tình hình phát triển của kinh tế hợp tác nói chung và hợp tác xã (HTX) nông nghiệp nói riêng vẫn rất khó khăn.

09/08/2013
Nông Dân Bán Tôm Chạy Dịch Nông Dân Bán Tôm Chạy Dịch

Từ đầu tháng 5 đến nay, dịch bệnh trên tôm ở ĐBSCL tiếp tục diễn biến phức tạp, không ít hộ nuôi đã thu hoạch chạy dịch (tức chưa tới tuổi thu hoạch nhưng do tôm chết nên thu hoạch), cắt lỗ.

13/06/2013