Ghi Nhận Ở Một Gia Trại Nuôi Thỏ

Trước khi đến với nghề nuôi thỏ, ông Nguyễn Hồng Phú, ở thôn Nam Tượng 1, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn (Bình Định) từng lăn lộn với nhiều công việc khác nhau để mưu sinh. Khi được giới thiệu mô hình nuôi thỏ, ông đã bỏ công sức tìm hiểu thị trường, nghiên cứu kỹ thuật nuôi và quyết định làm giàu từ thỏ.
Tính đến nay, ông Phú đã trải qua hơn 7 năm gắn bó với thỏ và cũng nhờ nuôi thỏ mà gia đình ông đã hết khó khăn, có thu nhập khá.
Ông Phú kể: “Ban đầu tôi chỉ đóng 2 chuồng, mua 2 cặp thỏ giống để nuôi thử. Sau một thời gian, thấy thỏ phát triển tốt, ít dịch bệnh, khâu chăm sóc tương đối nhẹ nhàng và thị trường đang chuộng nên tôi quyết định đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại, nuôi với số lượng lớn hơn”.
Hiện tại, quy mô gia trại nuôi thỏ của ông có diện tích gần 200 m2, nuôi 80 con thỏ cái đẻ, 8 con thỏ đực giống. Mỗi tháng ông xuất chuồng khoảng 80 - 100 con thỏ giống và gần 250 kg thỏ thịt, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 15 triệu đồng.
Chia sẻ về những khó khăn ban đầu, ông Phú cho biết: Do chưa nắm vững kỹ thuật nên những lứa đầu tiên thỏ hơi chậm lớn, sinh sản không đều và hay mắc bệnh tiêu chảy. Trong quá trình vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm, tôi nhận thấy quan trọng nhất là phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng dịch bệnh, cho ăn đúng bữa, đủ chất dinh dưỡng, ngoài các loại rau thì cho thỏ ăn thêm gạo lứt trộn thêm ít cám, cung cấp nước uống đầy đủ.
Nếu đảm bảo được các khâu này, thỏ con sẽ lớn nhanh còn thỏ mẹ thì sinh sản đều đặn. Ngoài ra, việc cất chuồng trại cũng phải đúng kỹ thuật, nền bằng xi măng, cách mặt đất khoảng 50 cm, các dãy chuồng cách nhau 1 m để thuận tiện trong việc chăm sóc và làm vệ sinh.
Những năm gần đây, thị trường tiêu thụ thịt thỏ ngày càng mở rộng, bên cạnh bán con giống, ông Phú còn tận tình truyền đạt kinh nghiệm cho bà con có nhu cầu nuôi thỏ. Ông cho biết thêm: Nuôi thỏ là một công việc không tốn nhiều sức lao động nhưng thu nhập lại cao, phù hợp với nhiều người.
Thỏ là loài vật ưa sạch sẽ, nên để thỏ phát triển tốt, không bị dịch bệnh, hàng ngày phải thường xuyên dọn vệ sinh, phun thuốc khử độc sát trùng định kỳ 1 lần/tuần, tiêm phòng bệnh và theo dõi phân thỏ thải ra để phát hiện bệnh tiêu chảy, điều trị kịp thời.
Ông Phạm Ngọc Phúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Tân, chia sẻ: Gia trại nuôi thỏ của ông Phú là một trong những mô hình làm kinh tế nông thôn đạt hiệu quả cao và phù hợp với điều kiện của địa phương. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tổ chức cho hội viên tham quan, học hỏi mô hình này để nhân rộng, nhằm giúp bà con tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm

Như chúng tôi đã đưa tin, sau khi có thông tin phản ánh về việc một hộ dân ở TPHCM mua gạo về nấu cơm phát hiện có một số hiện tượng bất thường như cơm hạt chín hạt sống, cứng như nhựa, cho vào chảo rang thì hạt gạo cháy đen, bốc mùi khét... nên nghi là gạo nhựa.

Khoảng 1 tháng nay, giá vịt thịt liên tục giảm. Điều này khiến người chăn nuôi trên địa bàn TX. Gò Công và huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” bán không được, nuôi tiếp thì càng lỗ thêm.

An toàn dịch bệnh và vấn đề thú y đang là điểm “nghẽn” khiến cho Việt Nam không xuất khẩu được thịt cho dù chúng ta có tổng đàn gia súc, gia cầm đứng thứ 2 Châu Á và nằm trong Top 10 của thế giới.

Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) vừa cho biết, tuần qua, giá cà phê trong nước có xu hướng giảm theo thị trường thế giới.

Kết quả xét nghiệm lô heo tại một lò giết mổ “lậu” ở Gò Vấp (TP.HCM) cho thấy heo đã được người chăn nuôi cho sử dụng chất tạo nạc, tăng trọng.