Gạo Krông Nô Và Triển Vọng Về Một Thương Hiệu

Những năm gần đây, trên thị trường lương thực trong tỉnh, nhiều người tiêu dùng biết và tìm mua gạo của huyện Krông Nô; bởi sản phẩm này có ưu điểm như hạt nhỏ, cơm dẻo, hương thơm, vị đậm…
Từ mô hình cánh đồng mẫu lúa nước
Gạo Krông Nô chính là thành quả của Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Krông Nô khi đưa 2 giống lúa mới là RVT và VS1 vào gieo trồng tại xã Buôn Choáh từ cuối năm 2012.
Theo ông Võ Hoàng Phú, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện thì trước đây, bà con trên địa bàn thường có thói quen canh tác theo tập quán cũ, mạnh ai nấy sạ, gieo giống gì tùy ý, lượng giống gieo dày, bón phân và xịt thuốc tùy tiện… Vì vậy, chi phí đầu tư ban đầu cho ruộng lúa rất cao, nhưng hiệu quả kinh tế lại thấp.
Đặc biệt, chất lượng lúa sau khi thu hoạch lại không đảm bảo, trong khi môi trường bị ô nhiễm, dịch bệnh tràn lan cho cây trồng… Tuy nhiên, từ khi triển khai gieo trồng giống lúa mới này, được cán bộ kỹ thuật thường xuyên hướng dẫn, tư vấn và giám sát các khâu sản xuất lúa thì hiệu quả mang lại thật rõ rệt.
Theo đó, từ tỷ lệ giống gieo sạ trên một diện tích đất đến việc bón phân đúng liều lượng và hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…đã được hướng dẫn cho bà con một cách tỉ mỉ. Bà con còn được tư vấn về cách làm đất, ngâm ủ giống, xử lý giống trước khi gieo và đồng loạt gieo sạ cùng một lúc, theo đúng quy trình của cánh đồng mẫu.
Chỉ cần một cây lúa có biểu hiện khác thường là các cán bộ đã kịp thời hướng dẫn bà con khắc phục ngay. Hiện nay, diện tích 2 giống lúa mới RVT và VS1 ở Buôn Choáh đã lên đến 200 ha; năng suất trung bình từ 8-9 tấn/ha.
Tiến tới xây dựng thương hiệu
Gạo Krông Nô không chỉ được sản xuất theo đúng quy trình về đảm bảo chất lượng, mà việc chế biến cũng được người dân tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện như: không sử dụng công nghệ chà bóng, không có chất bảo quản.
Anh Ngô Văn Quý, ở xã Buôn Choáh cho biết: “Lúa sau khi thu hoạch được bà con đưa đi xay xát tại các cơ sở xay xát trên địa bàn. Sau đó, gạo được đóng bao từ 5-50 kg và bán lại cho các thương lái, với giá từ 12.000-14.000 đồng/kg. Mặc dù chất lượng gạo được đánh giá cao, nhưng hiện nay, đầu ra của sản phẩm lại chưa được sâu rộng.
Thị trường tiêu thụ gạo chủ yếu là ở huyện Krông Nô và một số vùng lân cận của tỉnh Đắk Lắk thông qua thương lái hoặc truyền miệng, chứ chưa hình thành các đại lý để cung ứng gạo tập trung. Vì vậy, giá gạo vẫn còn thấp hơn so với những sản phẩm gạo khác trên thị trường.
Nhiều khi thương lái mua về còn trộn lẫn với những loại gạo khác để bán dưới một thương hiệu khác, gây thiệt thòi cho nông dân. Do đó, hiện tại, bà con cũng đang rất mong muốn sản phẩm sớm có thương hiệu để đầu ra và giá thành luôn được ổn định, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho mặt hàng gạo”.
Qua tìm hiểu được biết, hiện tại, địa phương cũng đang xúc tiến các hoạt động nhằm tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo Krông Nô. Theo đó, trên địa bàn xã Buôn Choáh đã hình thành một Tổ sản xuất lúa có nhiệm vụ hỗ trợ “đầu vào” và “đầu ra” cho bà con, tránh tình trạng sản xuất lộn xộn và ép giá của tư thương.
Cụ thể là Tổ sản xuất vừa đưa các giống, vật tư nông nghiệp có chất lượng tới tận tay người dân, vừa thu mua lúa gạo cho bà con theo đúng giá thị trường. Ngoài ra, địa phương cũng đã đem sản phẩm gạo đi trưng bày, triển lãm tại các cuộc hội thảo, hội chợ… được tổ chức trong tỉnh, để vừa tham khảo ý kiến người tiêu dùng, vừa mang tính chất quảng bá.
Kết quả cũng đã cho thấy, chất lượng gạo đang được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Nhiều đại lý gạo trên địa bàn tỉnh cũng đã ngỏ ý được hợp tác để cung ứng gạo cho thị trường. Đây cũng là những tín hiệu vui giúp cho thương hiệu “Gạo Krông Nô” mau chóng được xây dựng để giúp bà con phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Có thể bạn quan tâm

Ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) trao đổi với Dân Việt.

Diễn đàn “Đầu tư nông nghiệp thời TPP” cuối tuần qua tại TP.HCM đã đặt ra những vấn đề nóng bỏng để chuyển đổi ngành này trong bối cảnh nền kinh tế đang ngày càng đối mặt nhiều thách thức, tác động của quá trình hội nhập.

Cá đang nuôi trong lồng bè bỗng dưng nổ mắt, phơi bụng chết trắng hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề cho người dân xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Lá to như một chiếc ô dù che mưa, ngọn non có thể xào ăn được, đặc biệt, trọng lượng quả nặng đến 1 tấn rưỡi,... Gần đây, người dân đang rộ lên phong trào trồng bí ngô khổng lồ để vừa làm cảnh, vừa lấy thực phẩm ăn.

Trao đổi với Dân Việt, TS Nguyễn Ngọc Sơn – Trưởng Bộ môn động vật quý hiếm và đa dạng sinh học (Viện Chăn nuôi quốc gia) cho rằng, về lâu dài để phát triển bền vững con đặc sản, chúng ta cần xây dựng được thương hiệu cho những loài này.