Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Gạo bao thai Dực Yên cơm bông đều, dẻo, thơm, bùi ngậy

Gạo bao thai Dực Yên cơm bông đều, dẻo, thơm, bùi ngậy
Ngày đăng: 22/08/2015

Trên đường đến xã Dực Yên, anh Đoàn Văn Thành, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đầm Hà cùng đi, cho biết: Giống lúa bao thai được gieo trồng ở một số xã trong huyện nhưng ở Dực Yên là ngon nhất. Giống này có thời gian sinh trưởng dài hơn so với một số giống lúa khác, nhưng năng suất lại không cao, nên nhiều hộ không còn mặn mà như trước nữa, dẫn đến diện tích giảm dần…

Tiếp chúng tôi tại trụ sở, anh Tạ Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX Tuấn Hùng, cho biết: Là một trong 4 HTX thành lập mới đầu năm nay trên địa bàn, để tham gia phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương với hai sản phẩm chủ lực là gạo bao thai và lạc tím, hiện HTX đang gieo cấy 20ha giống lúa bao thai thuần chủng của địa phương.

Anh Tạ Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ và Sản xuất nông - lâm - thuỷ sản Tuấn Hùng, giới thiệu sản phẩm gạo bao thai Dực Yên của HTX.

Tuy thời gian sinh trưởng dài ngày (5 tháng) mới cho thu hoạch, nhưng giống lúa bao thai phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, gạo có chất lượng cao, khi thổi cơm, cơm bông đều, dẻo, thơm và có vị bùi ngậy. Đặc biệt, gạo bao thai là nguyên liệu chính để làm ra các thực phẩm như bánh phở, bánh gật gù. Với 20ha canh tác giống lúa bao thai, HTX thu hoạch được 60 tấn thóc, sau khi xay xát thu về trên 40 tấn gạo, giá bán 18.000 đồng/kg. Do ngày càng được nhiều người biết đến, nên sản phẩm gạo bao thai Dực Yên của HTX bán khá chạy. Vụ vừa qua, HTX đã thu mua trên 200 tấn thóc bao thai của bà con trong và ngoài xã để cung cấp ra thị trường.

Anh Tạ Ngọc Tuấn cho biết thêm, dịp Hội chợ OCOP được tổ chức tại TP Hạ Long vừa qua, do đường xa, lại bận bịu công việc chế biến xưởng gỗ của gia đình, nên anh chỉ mang được hơn 2,5 tạ gạo bao thai Dực Yên tham gia bày bán tại gian hàng của huyện. Với giá bán 20.000 đồng/kg, chỉ trong 2 ngày đã tiêu thụ hết, nhiều người hỏi mua mà không có bán. Sau hội chợ, đã có một số đơn vị đặt hàng, nhưng do hiện nay dây chuyền sản xuất theo mô hình khép kín của HTX chưa hoàn thiện nên chưa dám nhận lời. Hiện các cơ quan chức năng của huyện Đầm Hà đang hướng dẫn HTX Tuấn Hùng hoàn tất thủ tục để huyện hỗ trợ kinh phí lắp đặt dây chuyền xay xát, từ khâu xay xát, đến đánh bóng, đóng gói sản phẩm, bảo quản..., nhằm đảm bảo về vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng của gạo.

Cùng với sản phẩm gạo bao thai Dực Yên đang được nhiều người tiêu dùng biết đến, hiện HTX đang trồng 10ha lạc tím, mỗi năm cho thu hoạch trên 5 tấn lạc củ. Tuy sản lượng không cao, hạt lại nhỏ hơn so với giống lạc khác, nhưng lạc tím Dực Yên thơm, bùi, béo ngậy hơn. Giá bán từ 60.000-70.000 đồng/kg, nhưng vẫn được nhiều người tiêu dùng tìm mua, nhất là khách từ Hà Nội.

Tại hội chợ sắp tới được tổ chức tại Hà Nội, HTX sẽ mang 1 tấn củ lạc khô và 5 tạ gạo bao thai tham gia gian hàng bày bán.Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của huyện, đến nay các sản phẩm OCOP của huyện như: Củ cải khô, củ cải phên, rượu khoai Quảng Lâm, rượu khoai Quý Chuẩn, rượu sim Quý Chuẩn, ngan sao Đại Bình, trứng vịt biển Tân Bình, gạo bao thai Dực Yên, cá song Đức Thịnh, nấm linh chi Đầm Hà đã có logo, nhãn mác bao bì.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng uỷ xã Dực Yên Vũ Quốc Hưng cho biết, thực hiện chương trình OCOP của tỉnh, của huyện, xã luôn tạo điều kiện khuyến khích các HTX, đơn vị, cá nhân tham gia đăng ký phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Qua đó, từng bước mở ra hướng sản xuất tập trung theo hướng hàng hoá, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.


Có thể bạn quan tâm

Giá ếch thịt sụt giảm, người nuôi thua lỗ Giá ếch thịt sụt giảm, người nuôi thua lỗ

Những năm gần đây, phong trào nuôi ếch ở huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) phát triển mạnh. Hiện toàn huyện có gần 400 hộ nuôi ếch, với số lượng gần 10 triệu con, sản lượng mỗi năm gần 4.000 tấn. Do số lượng nuôi nhiều nên giá ếch hiện đang giảm sâu, người nuôi không có lời, thậm chí lỗ vốn do không tìm được thương lái thu mua.

06/06/2015
Tây Ninh nuôi cá hải tượng sinh sản thành công Tây Ninh nuôi cá hải tượng sinh sản thành công

Hải tượng là loài cá có xuất xứ từ Nam Mỹ. Ở Việt Nam hầu như chưa có mấy ai nuôi sinh sản thành công loại cá này. Thế nhưng, hiện tại ở ấp Lộc Vĩnh, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh có một người làm được việc đó.

06/06/2015
Thành Phố Móng Cái (Quảng Ninh) thu hoạch tôm sớm để giảm thiểu thiệt hại Thành Phố Móng Cái (Quảng Ninh) thu hoạch tôm sớm để giảm thiểu thiệt hại

Theo khuyến cáo của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1: Đối với những hộ/cơ sở nuôi tôm đã xuất hiện dịch bệnh, nếu tôm đã đạt kích cỡ thương phẩm, các hộ nuôi cần tiến hành thu hoạch ngay để giảm thiểu thiệt hại.

06/06/2015
Tôm chết vì nắng nóng Tôm chết vì nắng nóng

Chúng tôi có mặt tại khu vực nuôi tôm Lạch Từng, thôn Tiên Du 1, xã Ninh Phú (TX Ninh Hòa, Khánh Hòa) dưới cái nắng hầm hập. Các ao nuôi đều bỏ trống, dù đang vụ thả nuôi chính.

06/06/2015
Làng cá cơm Mũi Né Làng cá cơm Mũi Né

Tháng năm, dải đất miền Trung trời vẫn nắng như đổ lửa. Tôi đến làng nghề cá cơm phường Mũi Né (thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) cũng là lúc mặt trời đã quá đỉnh đầu. Dưới cái nắng sạm da, hàng chục công nhân nơi đây đang hối hả đưa những mẻ cá cơm vừa mới ra lò đang bốc khói nghi ngút ra sân phơi để kịp đón cái nắng gay gắt giữa trưa.

06/06/2015